Đau đầu vận mạch là tình trạng đau đầu thường gặp do tình trạng “giãn – nở” của mạch máu vùng đầu mặt cổ. Tình trạng đau đầu này xảy ra nhiều ở phụ nữ, người trẻ tuổi. Cường độ, thời gian đau có thể ở mức độ cấp tính dữ dội theo từng đợt hoặc mạn tính. Một số trường hợp tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ não.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh đau đầu vận mạch hay còn gọi là bệnh đau nửa đầu migraine
Bệnh đau đầu vận mạch hay còn gọi là bệnh đau nửa đầu migraine. Đây là hiện tượng co thắt vùng máu trong đầu và trong sọ não làm cho một vùng chức năng cụ thể của não có thể bị thiếu máu tạm thời. Tình trạng thiếu máu tạm thời này khiến người bệnh có cảm giác đau đầu vì có sự xuất hiện của một số chất hóa học trung gian – chỉ tồn tại trong điều kiện thiếu oxy.
Đau đầu vận mạch thường xảy ra ở một bên đầu, với cơn đau nhức rất dữ dội, kéo dài ở vùng thái dương và vùng trước trán, có tính chất như mạch đập. Cơn đau xuất hiện đột ngột và có hoặc không có hiện tượng báo trước. Người bệnh thường có cảm giác đi kèm đó là: hiện tượng buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng động.
Một tỉ lệ không nhỏ bệnh này xuất hiện ở phụ nữ liên quan chu kỳ kinh, phụ nữ giai đoạn thay đổi nội tiết (mang thai, mổ buồng trứng, mãn kinh…)

Đau đầu vận mạch (đau đầu vùng thái dương) là chứng đau đầu do sự co thắt của vùng máu trong đầu và trong sọ não.
2. Nguyên nhân gây đau đầu vận mạch
Nguyên nhân gây bệnh đau đầu vận mạch rất đa dạng và phức tạp: áp lực công việc, bất ổn về tâm lý, học tập căng thẳng, khí hậu thay đổi, sống trong môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn, thay đổi nhịp sinh học, thay đổi hormone ở phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt và tiền mãn kinh, vận động với cường độ bất thường,…
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau đầu vận mạch, điều trị và theo dõi bệnh không hề đơn giản, đòi hỏi cần được thăm khám, tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
3. Đau đầu vận mạch có thể gây đột quỵ não
Đau đầu vận mạch đa phần lành tính, chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, nếu tình trạng co thắt mạch máu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng khó hồi phục tưới máu cho vùng não bị ảnh hưởng, dẫn đến đột quỵ não. Ở những trường hợp có nguy cơ bệnh lý mạch máu: tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường, dị dạng mạch não, người cao tuổi, người hút thuốc lá nhiều… thì nguy cơ đột quỵ tăng cao.
Đột quỵ não sẽ gây tử vong nhanh chóng hoặc để lại một loạt di chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn vận động, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn đại tiểu tiện,…
Chính vì vậy, nếu có biểu hiện đau đầu kể trên bạn tuyệt đối không được chủ quan. Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được thăm khám, chẩn đoán đúng và điều trị hiệu quả.

Đau đầu vận mạch nếu không được điều trị sớm và hiệu quả có thể gây đột quỵ nhồi máu não.
4. Chẩn đoán và điều trị đau đầu vận mạch
4.1 Chẩn đoán bệnh đau đầu vận mạch bằng cách nào?
Khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh là bước đầu tiên trong quy trình chẩn đoán đau đầu vận mạch. Sau khi khai thác tình hình bệnh, tình trạng sức khỏe và tiền sử của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định cận lâm sàng phù hợp.
4.2 Phương pháp điều trị bệnh đau đầu vận mạch
Bệnh đau đầu vận mạch là bệnh khó điều trị dứt điểm và thường hay tái phát. Việc điều trị dự phòng là điều cần thiết để giảm tần suất xuất hiện các cơn đau cấp tính.
Việc dùng thuốc đòi hỏi cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để hạn chế các tác dụng không mong muốn của loại thuốc này.
Các biện pháp cắt cơn đau có thể được chỉ định:
– Thuốc giảm đau: Acetaminophen, Ibuprofen, Codein, Ergotamines, Triptan…
– Liệu pháp Oxy, kích thích thần kinh, phẫu thuật…
Cần lưu ý kiểm soát ổn định bệnh lý mạn tính nếu có: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá mỡ máu…

Việc sử dụng thuốc giãn mạch để điều trị đau đầu vận mạch cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
5. Phòng ngừa bệnh đau đầu vận mạch tái phát
Bạn cần có biện pháp phòng ngừa hợp lý để giảm thiểu tối đa tỷ lệ tái phát bệnh đau đầu vận mạch.
Đầu tiên là bạn nên hạn chế tối đa lo lắng, căng thẳng. Hãy tập cho mình thói quen bình tĩnh, suy nghĩ tích cực, thư giãn để tinh thần được thoải mái.
Có lối sống và làm việc khoa học, nhẹ nhàng; giảm bớt cường độ áp lực của công việc.
Xây dựng chế độ ăn, uống và tập luyện phù hợp, tốt cho sức khỏe, tránh sử dụng chất kích thích (ma tuý, thuốc lá, thuốc lào, đồ uống có cồn..), hạn chế sử dụng đồ ăn nhiều dầu mỡ, fast-food; duy trì tập thể dục hàng ngày: đi bộ, chạy bộ, yoga, dưỡng sinh, bơi lội, đạp xe…
Nên xây dựng thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Đặc biệt, với những người bị đau đầu vận mạch nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần với bác sĩ Nội thần kinh.
Để biết thêm thông tin về đau đầu vận mạch, cũng như nhận tư vấn, hỗ trợ về dịch vụ và đặt lịch khám, bạn đọc vui lòng liên hệ Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.