“Bật mí” các phương pháp trị mất ngủ tiền mãn kinh

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Theo thống kê, có khoảng 40 – 50% phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh gặp phải tình trạng mất ngủ, khó ngủ. Điều này không chỉ khiến người bệnh gặp khủng hoảng tinh thần, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sắc đẹp. Vì vậy, việc nắm rõ các phương pháp trị mất ngủ tiền mãn kinh là điều rất cần thiết để giúp ổn định cuộc sống cho phái nữ.

1. Mất ngủ tiền mãn kinh là hiện tượng gì?

Tiền mãn kinh là những rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ xuất hiện ở độ tuổi từ 45 – 53 tuổi. Đây cũng là thời điểm chuyển tiếp giữa thời kỳ sinh sản và thời kỳ mãn kinh, thường xảy ra trước mãn kinh khoảng 8 – 10 năm. Không chỉ ảnh hưởng tới đời sống tình dục, giai đoạn tiền mãn kinh còn ảnh hưởng lớn đến nhịp độ sinh hoạt của nữ giới, điển hình nhất là chứng mất ngủ.

Mất ngủ tuổi tiền mãn kinh là tình trạng trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ, ngủ hay mê sảng, thức dậy mệt mỏi xảy ra ở nữ giới trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Mất ngủ giai đoạn tiền mãn kinh có thể dẫn tới nhiều vấn đề như:

– Cơ thể lờ đờ, mệt mỏi do thiếu năng lượng, luôn có cảm giác buồn ngủ.

– Nhận thức kém, phản xạ chậm, giảm tỉnh táo.

– Làm rối loạn sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.

– Tâm lý căng thẳng, chán nản, suy nhược thần kinh, trầm cảm.

– Làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng của tiền mãn kinh như giảm ham muốn, khó kiểm soát cảm xúc…

– Nhanh bị lão hóa, có nguy cơ mắc phải các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch…

Mất ngủ tiền mãn kinh thường xuất hiện ở độ tuổi từ 45 - 53 tuổi

Vào giai đoạn tiền mãn kinh, cơ thể phụ nữ rất dễ mất cân bằng nội tiết và gây ra mất ngủ.

2. Tại sao tiền mãn kinh lại gây ra mất ngủ ở người bệnh?

Đối với cơ thể bình thường, để đi vào giấc ngủ, cơ thể sẽ tiết ra chất có tác dụng gây tê thần kinh để đưa não bộ và vùng dưới đồi vào trạng thái ức chế. Điều này đạt được là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của hệ thần kinh và nội tiết. Do vậy, khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh với những rối loạn của hormone sinh dục thì sự phối hợp trên sẽ bị ảnh hưởng. Kết quả xảy ra đó là khiến phụ nữ bị mất ngủ, khó hơn hơn bình thường.

Mặt khác, loại hormone sinh lý nữ estrogen có tác dụng tăng cường hấp thụ magie và khoáng chất giúp giãn cơ. Khi nồng độ estrogen giảm, cơ sẽ bị căng cứng kèm theo hiện tượng vã mồ hôi cũng làm gián đoạn giấc ngủ.

Ngoài ra, khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, người bệnh sẽ thấy hiện tượng tiểu đêm thường xuyên xuất hiện. Điều này khiến giấc ngủ không liền mạch, khi thức dậy người bệnh rất khó có thể quay trở lại giấc ngủ. Bên cạnh đó, sự sụt giảm progesterone cũng khiến giấc ngủ không sâu và phụ nữ dễ bị tỉnh giấc.

3. Một số phương pháp trị mất ngủ tiền mãn kinh

Mất ngủ ở thời kỳ tiền mãn kinh nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ để lại những hậu quả xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Do vậy, người bệnh cần tìm ra hướng điều trị phù hợp để cải thiện chất lượng chất lượng. Một số phương pháp khắc phục tình trạng này đó là:

3.1 Thay đổi thói quen tốt cho giấc ngủ

Để có một giấc ngủ chất lượng, người bệnh có thể điều trị chứng mất ngủ bằng cách kết hợp một số thói quen lành mạnh, tốt cho giấc ngủ như sau:

– Có chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung nhiều canxi, omega và chất xơ trong mỗi bữa ăn hàng ngày.

– Hạn chế các chất béo, giảm lượng đường, muối, không sử dụng các chất kích thích gây hại cho sức khỏe và giấc ngủ như rượu, cà phê, thuốc lá…

– Thường xuyên tập thể dục, vận động vừa sức như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập yoga…

– Tránh ăn khuya và ăn quá no vì có thể làm tăng áp lực lên dạ dày, gây khó ngủ và tăng khả năng mắc bệnh về tim mạch, tăng cân không kiểm soát…

– Tránh sử dụng các thiết bị điện tử trong khoảng 1 giờ trước khi đi ngủ.

– Giữ phòng ngủ luôn gọn gàng, thoáng mát cùng ánh sáng và nhiệt độ thích hợp.

Thay đổi thói quen tốt cho giấc ngủ để cải thiện mất ngủ

Tập thể dục, vận động thường xuyên và đều đặn giúp chị em phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh có giấc ngủ ngon hơn.

3.2 Điều trị chứng mất ngủ tiền mãn kinh bằng mẹo dân gian

Trong dân gian, có rất nhiều bài thuốc hay giúp hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ. Phương pháp này được khá nhiều người áp dụng bởi chúng mang lại tính an toàn, hiệu quả và rất dễ thực hiện. Để phát huy tối đa tác dụng, người bệnh cần kiên trì thực hiện mỗi ngày kết hợp với lối sống khoa học.

Một số bài thuốc dân gian trị mất ngủ mà người bệnh có thể tham khảo đó là: uống nước hạt táo chua, dùng canh cùi nhãn, sử dụng trà hoa cúc…

3.3 Trị mất ngủ tiền mãn kinh bằng cách sử dụng thuốc Tây y

Sử dụng thuốc Tây y để điều trị mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh thường áp dụng cho các trường hợp mất ngủ ở thể nặng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý tăng liều dùng hay kết hợp với bất kỳ loại thuốc nào.

Thuốc trị mất ngủ cho phụ nữ tiền mãn kinh được chia thành 3 nhóm chính, đó là nhóm thuốc an thần, thuốc trầm cảm và thuốc chống dị ứng.

– Thuốc an thần: Giúp giảm căng thẳng, lo âu, bất an, tạo lập giấc ngủ dễ dàng hơn. Một số loại thuốc an thần phổ biến đó là Zolpidem, Zaleplon

– Thuốc chống trầm cảm: Làm giảm rõ rệt các triệu chứng đau đầu, bốc hỏa gây mất ngủ, trong đó 2 loại thuốc được sử dụng phổ biến là sertraline và paroxetine.

– Thuốc chống dị ứng: Chỉ định trong các trường hợp bốc hỏa gây ngứa ngáy, phát ban khiến phụ nữ tiền mãn kinh mất ngủ.

Trị mất ngủ tiền mãn kinh bằng cách sử dụng thuốc Tây y

Sử dụng thuốc Tây y cần cẩn trọng và thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.

3.4 Sử dụng thuốc Đông y

Một số vị thuốc Đông y có tác dụng an thần, dưỡng tâm thường được sử dụng cho người bị mất ngủ đó là: tâm sen, lạc tiên, đinh lăng, nữ lang, trinh nữ… Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh của mỗi người mà các vị thuốc được chọn có thể thay đổi.

Trên đây là những phương pháp trị mất ngủ tiền mãn kinh được cho là hiệu quả với người bệnh. Tuy nhiên, dù áp dụng bất kỳ phương pháp nào, cần thực hiện đúng theo chỉ dẫn để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên chủ quan nếu đang có triệu chứng mất ngủ, hãy nhanh chóng tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ sớm nhất, tránh gây hậu quả nặng nề cho cơ thể.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital