Cách chữa hóc xương cá bằng mật ong là một trong những chủ đề được thảo luận khá nhiều trong vấn đề hóc xương cá. Tuy nhiên, nói về tính hiệu quả của phương pháp này thì rất nhiều ý kiến trái chiều. Vậy, thực hư việc dùng mật ong chữa hóc xương cá có hiệu quả hay không? Hãy tìm hiểu ngay để giải đáp thắc mắc này và dự phòng cho mình cách chữa hóc xương cá phù hợp, nhanh chóng khi cần xử lý tai nạn này.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu thông tin về cách để chữa hóc xương cá bằng mật ong
1.1. Mật ong
Mật ong từ xa xưa đến nay đã được coi là vị thuốc hữu hiệu trong y học. Mật ong có dạng chất lỏng, do ong tạo ra trong tổ từ mật hoa, với thành phần chủ yếu là Carbohydrate cùng các loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, chất béo,… Mật ong có thể trở thành thức uống giàu năng lượng cho cơ thể, đồng thời được ứng dụng trong điều trị một số bệnh lý với khả năng kháng viêm, kháng khuẩn, chống oxi hóa.
1.2. Mật ong chữa hóc xương cá?
Có một số mẹo chữa hóc xương cá, trong đó, có việc sử dụng mật ong để chữa hóc. Cách thực hiện khi dùng mật ong chữa hóc được lưu truyền khá đơn giản: uống trực tiếp hoặc pha với một số loại hoa quả hoặc nước khác. Trên thực tế, không có tài liệu hay công bố khoa học nào đề cập đến vấn đề này. Những ý kiến xung quanh cũng không đồng nhất.
Những ý kiến ủng hộ việc dùng mật ong chữa hóc xương cho rằng, mật ong có tính kháng khuẩn, chống viêm, do đó có thể kết hợp để khi cố nuốt xương cá xuống khỏi cổ có thể không bị đau. Trong khi đó, nhiều ý kiến không đồng tình vì cho rằng: việc chống viêm của mật ong hỗ trợ trong quá trình làm lành vết thương, chứ không liên quan gì đến việc làm mềm xương hay giúp xương cá dễ rơi khỏi vị trí bị hóc. Nhiều người từng bị hóc xương cá và làm theo cách này cũng phản đối, cho biết mình đã làm theo, không có tác dụng và cuối cùng vẫn phải đến bác sĩ để lấy xương ra.
Trên thực tế, việc dùng mật ong chữa hóc không có các cơ sở khoa học để khẳng định. Như nhiều người cũng đã chỉ ra, mật ong có tính kháng viêm, kháng khuẩn, tức là để giúp làm lành vết thương nhanh hơn, chứ không có tác dụng làm mềm xương hay giúp xương trơn, dễ rơi khỏi khu vực bị hóc. Không chỉ thế, các mẹo tương tự với lời đồn làm mềm xương, để xương cá gây hóc mềm ra cũng là điều khá khó. Bởi, thông thường, xương cá trong môi trường dễ phân hủy như nước bẩn cũng phải nhiều ngày mới mềm ra được.
2. Làm thế nào để xử trí đúng cách với hóc xương cá?
2.1. Hiểu đúng hóc xương cá
Hóc xương cá là tình trạng xương cá bị mắc lại ở cổ họng và gây nên tình trạng khó chịu, nghẹn, khó nuốt. Hóc xương cá có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến hơn cả với người già và trẻ nhỏ. Hóc xương cá có nhiều cấp độ, có thể đơn giản với tình trạng nuốt khó, nghẹn ứ. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp hóc có thể có những triệu chứng mang tính nguy kịch như khó thở thậm chí là mất ý thức hoặc tắc thở. Tùy theo từng trường hợp mà cần có những cách xử trí phù hợp cho bệnh nhân.
Hóc xương cá nên được xử lý sớm ngay từ khi phát hiện, bởi xương đâm trong họng khi không được xử lý nhanh sẽ xảy ra tình trạng hoại tử niêm mạc và viêm nhiễm xung quanh. Việc viêm nhiễm khu vực hầu họng không chỉ khiến chúng ta đau mà còn có thể lây lan sang các khu vực khác. Đã có nhiều trường hợp hóc xương cá lâu ngày khiến xương đâm xuyên hầu họng, thực quản, áp xe niêm mạc và tạo ra nhiều nguy hiểm cho người bệnh.
2.2. Xử trí khi đối diện với tình huống hóc xương cá
2.2.1. Với tình huống hóc xương chưa gây ảnh hưởng đến đường thở
Tình trạng hóc xương cá và người bệnh chưa có những biểu hiện nguy kịch có thể được xử lý khá nhanh. Trước hết, hãy kiểm tra người bị hóc xem vị trí xương cá bị hóc ở đâu. Trong trường hợp xương cá ở ngay đầu họng miệng mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy, dụng cụ kìm y tế hoặc kẹp dài sẵn có, người hỗ trợ có khả năng khéo léo gắp xương cá ra khỏi khu vực hầu họng thì có thể thực hiện lấy xương cá ra ngoài. Tuy nhiên, cần hết sức chú ý khi tự thực hiện cách này, tránh tình trạng việc lấy xương gây ảnh hưởng đến các khu vực khác. Tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được các chuyên gia y tế có kinh nghiệm hỗ trợ.
Trong tình trạng xương cá không thể nhìn thấy, không có dụng cụ phù hợp gắp xương, hoặc người hóc là trẻ nhỏ, người khó há miệng,… cần sớm đến các cơ sở tai mũi họng để được các bác sĩ hỗ trợ lấy xương cá đúng cách. Với những tình huống xương cá đâm sâu trong hầu họng, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp nội soi gắp xương cá, đồng thời xử lý các vấn đề hậu quả, đề phòng vấn đề viêm nhiễm cho người bệnh.
2.2.2. Khi người bệnh hóc xương cá trong tình trạng nguy kịch
Tình huống hóc xương cá nguy kịch thường là với những ca xương cá ảnh hưởng đến đường thở, khiến người bệnh nghẹn, khó thở, hụt hơi, nguy cơ ngưng thở hoặc tình trạng mất ý thức. Khi đó, cần chú ý gọi cấp cứu cho bệnh nhân, đồng thời, cần sơ cứu cho bệnh nhân ngay để đảm bảo tính mạng cho người bệnh bằng cách tác động lực đẩy lên vùng thượng vị, dưới xương sườn của bệnh nhân nhằm đẩy dị vật ra. Chú ý rằng, trường hợp bệnh nhân ngưng thở, cần kết hợp việc hà hơi thổi ngạt trong khi sơ cứu cho bệnh nhân.
Cần chú ý rằng, ngay cả khi sau sơ cứu người bệnh được đẩy xương cá khỏi họng hầu, thì cũng cần đến các cơ sở y tế để thăm khám. Điều này nhằm đảm bảo rằng, bệnh nhân không còn bị sót xương cá trong họng. Ngoài ra, thăm khám cũng nhằm xác định các vấn đề có thể còn lại sau khi bị hóc xương cá mà người bệnh chịu ảnh hưởng. Cần đảm bảo rằng, người bệnh đề phòng tốt những vấn đề viêm nhiễm có thể xảy ra.
Như vậy, về vấn đề cách chữa hóc xương cá bằng mật ong, cần lưu ý đây chỉ là mẹo được truyền miệng, chưa có những nghiên cứu khẳng định về tính hiệu quả của phương pháp này. Thay vì việc sử dụng mẹo, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế tai mũi họng để được các bác sĩ kiểm tra, hỗ trợ lấy xương hóc đúng cách, nhanh chóng, tránh việc xương cá để lâu gây các biến chứng nguy hiểm.