Bạn đã biết gì về bệnh viêm bờ cong nhỏ dạ dày?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm bờ cong nhỏ dạ dày là bệnh lý thường gặp do đặc điểm giải phẫu đây là nơi tiếp xúc nhiều nhất với thức ăn. Bệnh tuy không quá nguy hiểm nhưng những cơn đau và khó chịu mà nó gây ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

1. Tìm hiểu chi tiết về bờ cong nhỏ dạ dày

Dạ dày là cơ quan tiêu hóa nằm trong ổ bụng thuộc đoạn giữa tá tràng và thực quản. 

Dạ dày có hình chữ “J” với hai bờ cong hai bên, một bờ cong nhỏ dạ dày và một bờ cong lớn hơn.

– Bờ cong nhỏ có chiều dài ngắn hơn, dạng lõm và nằm ở vị trí trung tâm thượng vị

– Bờ cong lớn dài hơn, có dạng lồi và nằm về phía bên ngoài và ở bên trái ổ bụng.

Phía bên trong dạ dày được chia thành các phần nối tiếp và không có sự phân biệt rõ giữa các phần: 

– Tâm vị: Vị trí mở của thực quản đi vào trong dạ dày

– Đáy vị: Phần mở rộng phía trên của dạ dày

– Thân vị: Phần này chiếm phần lớn thể tích dạ dày

– Hang vị: Là nơi bắt đầu thu hẹp lại của dạ dày

– Môn vị: Điểm kết thúc của dạ dày và chuyển vào tá tràng

Bờ cong nhỏ dạ dày là một bộ phận thuộc dạ dày

Bờ cong nhỏ dạ dày là một bộ phận thuộc dạ dày

2. Thế nào là viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày?

Bờ cong nhỏ dạ dày thường bị viêm loét nhiều hơn so với bờ cong lớn. Hai vị trí bờ cong nhỏ thường có tỷ lệ viêm cao nhất là đoạn môn vị và tâm vị. Các vị trí khác cùng trên bờ cong nhỏ ít bị viêm loét hơn. 

Xảy ra tình trạng này là do có sự khác biệt về cấu trúc giải phẫu dạng túi nghiêng về phía bờ cong lớn. Đường đi của thực phẩm có khuynh hướng tiếp xúc nhiều với bờ cong nhỏ nhất là hai vị trí nêu trên. Bờ cong càng tiếp xúc nhiều với thức ăn đổ xuống từ thực quản trong vai trò co bóp, bài tiết acid để phân giải thức ăn thì càng dễ xảy ra viêm loét. Thời gian nghỉ ngơi của dạ dày tại các vị trí này cũng kém hơn làm cho khả năng làm lành vết loét càng hạn chế. 

Người bệnh sẽ có một số triệu chứng khi bị viêm bờ cong nhỏ dạ dày như: 

– Đau rát ở vùng thượng vị

– Chướng bụng, khó tiêu

– Buồn nôn, nôn ói

Tuy nhiên không phải lúc nào các dấu hiệu khi bị viêm loét cũng rõ rệt. Một số trường hợp người bệnh không thấy có triệu chứng nào. 

Người bệnh thường có triệu chứng đau thượng vị

Người bệnh thường có triệu chứng đau thượng vị

3. Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày và các nguyên nhân

Do đặc điểm giải phẫu và vị trí sắp xếp tự nhiên trong ổ bụng mà tình trạng viêm loét dạ dày thường xảy ra ở bờ cong nhỏ dạ dày. Những yếu tố gây viêm dạ dày cũng có thể là nguyên nhân gây viêm loét ở bờ cong nhỏ. Các yếu tố tác động làm tổn thương hàng rào chất nhầy bảo vệ dạ dày khiến cho acid tấn công niêm mạc gây viêm loét.

Các yếu tố là nguyên nhân gây bệnh cần phải kể đến như:

3.1 Nhiễm khuẩn

Vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh về dạ dày. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sinh sống và tạo ra các độc tố gây hại cho niêm mạc tế bào. 

3.2 Sử dụng thường xuyên các thuốc giảm đau

Các thuốc giảm đau có thể gây ra viêm dạ dày cấp và mạn tính. Sử dụng các thuốc giảm đau trong thời gian dài với liều lượng lớn sẽ làm giảm sút các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày. 

3.3 Tuổi tác

Những người lớn tuổi thường có xu hướng mắc viêm dạ dày nhiều hơn. Nguyên nhân do khi đã cao tuổi niêm mạc dạ dày có xu hướng mỏng đi. Những người ở độ tuổi này cũng dễ nhiễm vi khuẩn HP và rối loạn tự miễn hơn người trẻ tuổi. 

3.4 Sử dụng rượu quá mức

Rượu được đánh giá là không tốt cho sức khỏe. Các chất trong rượu có thể gây kích ứng và bào mòn niêm mạc dạ dày khiến chúng dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với dịch tiêu hóa. Uống quá nhiều rượu có thể gây viêm dạ dày cấp tính. 

3.5 Stress gây viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Căng thẳng do chấn thương, phẫu thuật lớn, bỏng hoặc nhiễm trùng cũng có thể gây viêm dạ dày. Những người thường xuyên trong trạng thái căng thẳng thường có xu hướng bị viêm dạ dày nhiều hơn so với người bình thường.

3.6 Tự miễn

Cơ thể bị tấn công bởi các tế bào miễn dịch do có sự sai lệch trong quá trình kích hoạt kháng nguyên-kháng thể. Phản ứng tự miễn dịch làm ảnh hưởng tới hàng rào bảo vệ tự nhiên của niêm mạc dạ dày. 

Ngoài ra một số bệnh lý khác cũng có thế gây ra viêm dạ dày như: Bệnh Sarcoidosis, bệnh Crohn.

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh

4. Cách điều trị 

Để điều trị viêm bờ cong nhỏ hiệu quả sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây bệnh. Với các trường hợp viêm do thuốc chống viêm không steroid hoặc rượu thì cần ngưng sử dụng tác nhân gây bệnh. Hiện nay các bác sĩ thường điều trị cho bệnh nhân bằng cách dùng thuốc kết hợp thay đổi lối sống khoa học để bệnh nhanh chóng bình phục.  

4.1 Điều trị bằng thuốc cho người viêm bờ cong nhỏ dạ dày

Dựa vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương thuốc phù hợp. Đơn thuốc điều trị thường là sự kết hợp của nhiều loại thuốc để mang lại hiệu quả cao nhất. Thời gian điều trị thường trong khoảng 2 tuần. Bệnh nhân cần tuân thủ uống thuốc đầy đủ theo đơn, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc bỏ thuốc khi thấy các triệu chứng đã thuyên giảm. Việc không điều trị bệnh triệt để sẽ gây ra nhờn thuốc, rất khó cho việc điều trị sau này. 

4.1.1 Thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn H. pylori

Nếu bệnh nhân dương tính với vi khuẩn HP bác sĩ sẽ kết hợp các loại kháng sinh khác để nâng cao hiệu quả. Bệnh nhân nên kiên trì uống hết đơn thuốc để tiêu diệt triệt để vi khuẩn. 

4.1.2 Thuốc ngăn chặn sản xuất acid và thúc đẩy lành vết loét

Thuốc ức chế bơm Proton làm giảm acid bằng cách chặn lại hoạt động của tế bào sản xuất acid. 

4.1.3 Thuốc làm giảm sản xuất acid

Thuốc chẹn histamin làm giảm lượng acid giải phóng vào đường tiêu hóa. Chúng có tác dụng giảm đau do viêm dạ dày và thúc đẩy vết thương mau lành. 

 4.1.4 Thuốc trung hòa acid dạ dày

Bên cạnh thuốc kháng acid thì thuốc trung hòa acid cũng rất cần thiết. Thuốc sẽ làm trung hòa lượng acid có trong dạ dày và giảm đau nhanh chóng. 

4.2 Thay đổi lối sống 

Thói quen ăn uống và lối sống ảnh hưởng khá nhiều tới hệ tiêu hóa. Vì vậy khi bị viêm bờ cong nhỏ dạ dày, ngoài uống thuốc người bệnh có thể kết hợp thay đổi một số thói quen. 

– Chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều lần trong ngày giúp giảm tác dụng của acid dạ dày

– Tránh ăn các loại thực phẩm gây kích ứng như: Đồ ăn chiên rán, thức ăn có vị chay cay

– Ăn đúng giờ, không bỏ bữa

– Ăn chậm, nhai kỹ, nghỉ ngơi ít nhất nửa tiếng sau khi ăn xong

– Tránh uống các loại rượu bia

– Thường xuyên rèn luyện cơ thể bằng các môn thể  thao nhẹ nhàng giúp nâng cao sức đề kháng

– Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn loại thuốc lành tính. 

Người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn để dễ tiêu hóa

Người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn để dễ tiêu hóa

Viêm bờ cong nhỏ dạ dày là bệnh lý khá thường gặp ở hệ tiêu hóa. Vì vậy để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh chúng ta cần có ý thức giữ gìn sức khỏe của bản thân. Bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh cũng là giúp bạn có sức khỏe tốt. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital