Amidan là gì? Bệnh biểu hiện như thế nào và điều trị ra sao là thắc mắc chung của nhiều người. Amidan là những tế bào lympho để bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4 – 10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.
Menu xem nhanh:
Viêm amidan là gì?
Khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng viêm amidan bị sưng, đỏ.
Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan, lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng.Viêm amidan chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em, thường do vi khuẩn gây ra.
Dấu hiệu viêm amidan
Khi bị viêm amidan, người bệnh sẽ thường gặp một số triệu chứng như sau:
Đau họng, cảm thấy khó nuốt. Đôi khi đau lan ra tai
Khi khám thấy họng đỏ, amidan sưng và có thể xuất hiện các đốm màu trắng
Sưng các hạch vùng dưới cằm hoặc xung quanh cổ
Đau đầu, đau mắt hoặc có thể sốt.
Khàn tiếng hoặc mất tiếng
Tuy nhiên không phải lúc nào viêm amidan cũng có các dấu hiệu trên mà chúng có thể thay đổi tùy thuộc vào cơ thể từng người cũng như mức độ, giai đoạn của bệnh.
Nếu cảm thấy mình có các dấu hiệu viêm amidan như trên, tốt nhất bạn nên tới các bác sĩ chuyên khoa để thăm khám nhằm ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Biến chứng viêm amidan
Mặc dù gây khó chịu, thậm chí làm mất tiếng nhưng viêm amidan không đe dọa sự sống. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một số biến chứng nghiêm trọng như:
Áp-xe là một dạng biến chứng thường gặp ở amidan mà nếu không được điều trị có thể dẫn tới nhiễm trùng máu. Vi khuẩn cũng có thể tiết chất nhầy từ amidan bị viêm và gây ra các mảng bám màu vàng trắng trên lưỡi, gây hơi thở hôi. Nếu amidan trở nên sưng phồng thì có thể gây khó thở và khó nuốt.
Điều trị viêm amidan
Viêm amidan thường do vi-rút gây ra nên việc chăm sóc điều trị ở nhà bao gồm nghỉ ngơi, súc miệng bằng nước muối ấm, sử dụng các thuốc giảm đau không qua kê đơn và uống thật nhiều nước. Viêm amidan do vi khuẩn thì thường được điều trị với kháng sinh.
Nếu viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần trong năm, bệnh đã có biến chứng nhiều lần tại amidan hay toàn thân: viêm – áp xe quanh amidan, viêm tấy – áp xe thành họng, thấp khớp, hạch cổ…Hoặc viêm amidan quá phát ảnh hưởng đến chức năng ăn nuốt (nuốt vướng, nuốt khó liên tục, chức năng thở (ngủ ngáy, cơn ngừng thở ngắn) thì có được chỉ định cắt amidan. Tuy nhiên phương pháp này chỉ được áp dụng khi điều trị viêm amidan bằng các phương pháp khác không mang lại hiệu quả.
Sau khi cắt amidan, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Nghỉ ngơi hợp lý, nên nghỉ làm, nghỉ học khoảng một tuần đến 10 ngày. Nên nằm đầu cao. Bằng cách kê đầu cao hơn tim sẽ giúp bạn giảm được phù nề và sưng. Nên dùng các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa
Cần tìm đến bác sĩ trong các trường hợp máu chảy liên tục kéo dài không kiểm soát được từ mũi hoặc miệng, sốt trên 38,6 độ C kéo dài dù uống nhiều nước và uống thuốc đầy đủ; đau đầu kéo dài, không giảm đau dù đã dùng các thuốc giảm đau; sưng, đau, phù nề tăng dần, không thuyên giảm dù đã uống thuốc theo toa.