Tại thời điểm giao mùa, số người mắc cúm hay các bệnh viêm đường hô hấp khác đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là nhiều người khi thấy dấu hiệu bệnh nhưng không đi khám mà tự chẩn đoán và mua thuốc điều trị tại nhà, chỉ đến khi bệnh quá nặng mới tới bệnh viện. Cùng tìm hiểu những sai lầm hay mắc khi điều trị cúm, viêm đường hô hấp để biết cách phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Những sai lầm hay mắc khi điều trị cúm, viêm đường hô hấp
1.1. Chủ quan và không điều trị bệnh sớm
Nhiều người khi thấy có những biểu hiện của cúm và viêm đường hô hấp trên thì thường có suy nghĩ rằng bệnh sẽ mau khỏi nên thường chủ quan không chữa ngay từ đầu. Cũng có nhiều trường hợp tự điều trị không đúng cách dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn.
1.2.Tự chẩn đoán và kê đơn thuốc
Một trong những sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải khi điều trị cúm và bệnh viêm đường hô hấp là người bệnh tự điều trị cho mình. Mọi người đều cho rằng khi bị bệnh là phải dùng thuốc kháng sinh, nhưng họ không biết rằng chính xác nguyên nhân là do đâu. Chính vì vậy, sử dụng thuốc không đúng mục đích không những không đem lại hiệu quả mà ngược lại còn khiến bệnh cúm và viêm đường hô hấp trở nên nặng hơn.
1.3. Dùng lại đơn thuốc cũ
Một sai lầm mà nhiều người bệnh hay mắc phải nữa là sử dụng lại đơn thuốc cũ. Điều này không đúng bởi mỗi lần mắc bệnh là một hình thái khác nhau, người bệnh có thể mắc bệnh giống lần trước hoặc khác lần trước. Do vậy nên người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được khám và đánh giá chính xác tình trạng bệnh
1.4. Chỉ vào viện khi bệnh tình quá nặng
Sai lầm phổ biến thứ tư là bệnh nhân mắc bệnh cúm và viêm đường hô hấp đến viện muộn, khi bệnh đã trở nên quá nặng. Lúc này việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, chi phí chăm sóc y tế của bệnh nhân tăng lên, thời gian nằm viện cũng lâu hơn, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng
Riêng đối với bệnh cúm mỗi khi có triệu chứng như sốt cao, ho khan, đau đầu, mệt mỏi toàn thân…. người bệnh thường hay tự đi mua kháng sinh về uống và điều trị. Việc làm này hoàn toàn không có tác dụng với bệnh cúm bởi khi uống thuốc vào cơ thể, đặc biệt là kháng sinh đều phải chuyển hoá qua gan, thận, khiến cơ thể mệt mỏi, sử dụng kháng sinh không đúng còn gây nên tình trạng kháng thuốc …
Những người bệnh đã từng hoặc đang mắc các bệnh viêm đường hô hấp như hen phế quản, giãn phế quản, viêm phổi… khi thấy xuất hiện bất cứ triệu chứng nào bất thường thì đó là dấu hiệu của một đợt viêm cấp. Những trường hợp này nên đến bệnh viện thăm khám sớm để có được những chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Đối với những người không có bệnh nền về hô hấp thì khi thấy những triệu chứng sau cần tới bệnh viện sớm để được thăm khám kịp thời:
– Ho kéo dài trên 7 ngày.
– Sốt.
– Khó thở.
– Đau tức ngực….
1.5. Tăng liều thuốc khi thấy bệnh không thuyên giảm
Do tâm lý muốn nhanh khỏi bệnh, nhiều người đã tự ý tăng liều các thuốc trị cúm, viêm phế quản. Điều này không giúp bệnh nhanh khỏi mà còn có thể gây ra các tác dụng phụ, gây ra tình trạng “nhờn” thuốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Do vậy người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh gây nguy hiểm cho bản thân.
1.6. Ngừng thuốc quá sớm khi thấy giảm triệu chứng
Đây là một sai lầm rất phổ biến và gặp ở nhiều người khi điều trị cúm, viêm phế quản hiện nay. Mặc dù đã bác sĩ đã khuyến cáo về việc tự ý ngừng dùng thuốc, nhưng vẫn còn nhiều người đã bỏ thuốc khi sau khi thấy các triệu chứng viêm phế quản thuyên giảm dù mới chỉ uống được vài ngày.
Tuy nhiên điều này là hoàn toàn sai lầm bởi khi đó vi khuẩn có thể mới chỉ bị tiêu diệt một phần, hoặc bị yếu đi chứ chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Vì thế, nếu người bệnh bỏ thuốc giữa chừng rất có thể chúng sẽ phục hồi lại và tiếp tục gây bệnh. Lúc này có thể bệnh sẽ nặng hơn, điều trị khó khăn hơn, thậm chí lâu hơn và có thể làm tăng khả năng nguy cơ kháng thuốc. Chính vì vậy, theo khuyến cáo người bệnh nên dùng thuốc hết đơn theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời tái khám theo đúng lịch hẹn.
2. Cần làm gì để phòng chống bệnh qua đường hô hấp
Để phòng, chống các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là và phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân cũng như cộng đồng.
Dưới đây là một số lưu ý để phòng tránh bệnh qua đường hô hấp:
– Người dân khi ra đường nên đeo khẩu trang, đặc biệt là các phương tiện công cộng và địa điểm tập trung đông người
– Thường xuyên vệ sinh tay bằng nước sạch, xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước và sau khi ăn
– Súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng hằng ngày
– Hạn chế sờ tay lên mắt, mũi, miệng
– Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tránh để vi khuẩn lây lan ra xung quanh
– Thực hiện tốt vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao hằng ngày giúp nâng cao thể trạng…
– Nên thực hiện ăn đồ ăn chín, uống sôi
– Tránh tiếp xúc với người đang có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, đau hong, sốt, khó thở…
– Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần lập tức đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời.
Trên đây là những sai lầm hay mắc khi điều trị cúm, viêm đường hô hấp mà có thể bạn chưa biết. Hy vọng sẽ giúp ích cho bạn khi cần thiết để có thể ngăn chặn và điều trị bệnh hiệu quả. Đồng thời bản thân mỗi người nên có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân cũng như cộng đồng.