Khoảng thời gian khi thời tiết giao mùa là thời điểm dễ phát sinh bệnh hô hấp nhất, đặc biệt ở người già, trẻ nhỏ, người sức đề kháng yếu. Chủ động phòng bệnh hô hấp khi giao mùa là giải pháp tối ưu nhằm ngăn bệnh bùng phát và biến chứng nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Các bệnh đường hô hấp thường gặp khi giao mùa
Giao mùa (đặc trưng bởi sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm đột ngột) là điều kiện lý tưởng để virus, vi khuẩn, nấm… sinh sôi và gây ra các bệnh lý đường hô hấp. Tỷ lệ mắc bệnh được ghi nhận luôn có sự tăng theo chu kỳ vào những tháng cuối năm. Dưới đây là 6 bệnh lý liên quan đến đường hô hấp thường gặp nhất thời điểm giao mùa.
1.1 Cúm mùa (cảm cúm)
Bệnh điển hình bởi các triệu chứng khởi phát nhanh bao gồm: nhức đầu, sổ mũi, đau họng, ho, sốt, đau nhức toàn thân… Trong một số trường hợp, có thể đi kèm các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ em.
Cảm cúm thông thường diễn biến nhẹ và phục hồi trong từ 2-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa hoăc thiếu máu, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong.
1.2 Viêm xoang
Người mắc viêm xoang ở giai đoạn đầu biểu hiện triệu chứng thường không rõ ràng, do đó việc phát hiện bệnh rất khó khăn. Phần lớn các trường hợp bệnh chỉ được nhận biết khi đã bước vào giai đoạn tăng nặng. Các dấu hiệu của viêm xoang có thể bao gồm: đau nhức vùng xoang viêm, chảy dịch, nghẹt mũi, điếc mũi, sốt… Một số bệnh nhân còn có thể cảm thấy chóng mặt, đau đầu, đau hốc mắt, thậm chí mờ mắt (trường hợp viêm xoang nặng).
1.3 Viêm thanh quản
Viêm thanh quản thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Trong đó, những người làm việc ở môi trường cần nói quá nhiều, môi trường lạnh, ô nhiễm, người có bệnh lý trào ngược, hô hấp, bệnh lý toàn thân (đái tháo đường, gout) thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Viêm thanh quản cấp tính đặc trưng bởi các triệu chứng như: mệt mỏi, ớn lạnh, có thể sốt, khàn tiếng… Người bệnh mắc viêm thanh quản mãn tính có thể bị nuốt vướng, ngứa rát vùng thanh quản, nói khó hoặc mất tiếng hoàn toàn…
1.4 Viêm phế quản
Khi bị viêm phế quản, người bệnh thường có các triệu chứng như: ho, sốt, tiết đờm, thở khò khè… Trong đó, điển hình là các cơ ho có đờm. Ô nhiễm không khí, khói bụi, khói thuốc… là các tác nhân chính gây bệnh viêm phế quản. Ngoài ra các nguyên nhân như sức đề kháng kém, ảnh hưởng của bệnh lý trào ngược dạ dày cũng có thể gây ra tình trạng này.
1.5 Viêm tiểu phế quản
Bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi. Các đợt bùng phát viêm tiểu phế quản thường diễn ra mỗi mùa động, lây nhiễm thông qua giọt bắn trong không khí khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi. Trẻ cũng có thể bị nhiễm bệnh khi dùng chung các đồ vật với người bệnh và đưa lên mắt, mũi, miệng. Viêm tiểu phế quản biểu hiện các triệu chứng tương tự với các bệnh hô hấp khác, do đó thường chỉ được phát hiện qua thăm khám lâm sàng với bác sĩ có kinh nghiệm.
1.6 Viêm phổi
Thông thường, người bệnh viêm phổi cấp sẽ xuất hiện các triệu chứng rõ ràng ngay sau khi nhiễm bệnh, có thể bao gồm: tức ngực, khó thở, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, thân nhiệt tăng cao (có thể giảm thấp đối với người có hệ miễn dịch yếu). Ngoài ra, bệnh còn có thể gây tiêu chảy, nôn mửa…
Viêm phổi là bệnh có khả năng lây nhiễm cao. Đặc biệt đối với người mắc là người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền, viêm phổi có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh. Do đó, mọi người cần hết sức cẩn trọng khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu của bệnh lý này.
2. Phòng bệnh hô hấp khi giao mùa với 6 lưu ý quan trọng
Bệnh lý đường hô hấp gây ra do thay đổi thời tiết rất phổ biến và có thể tác động đến hầu hết các đối tượng, không kể tuổi tác, giới tính. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng, gây ra các biến chứng như: suy hô hấp cấp, viêm tai, viêm màng não, tràn khí màng phổi…. Do đó, việc phòng chống bệnh hô hấp là vô cùng quan trọng nhằm ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải.
Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn chủ động trong việc phòng bệnh hô hấp khi thời tiết giao mùa.
2.1 Tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh hô hấp khi giao mùa
Thời điểm đầu mùa xuân và đầu mùa đông hằng năm được coi là hai đỉnh điểm của các bệnh hô hấp tại Việt Nam. Mọi người, bao gồm cả người lớn và trẻ em nên chủ động tiêm phòng các loại vắc xin liên quan đến bệnh theo mùa như cúm, phế cầu, sởi… để giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh. Thời điểm tiêm tốt nhất là trước đỉnh dịch 1 tháng.
Tuy nhiên cần lưu ý, nồng độ kháng thể đc tạo bởi vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian và các chủng virus gây bệnh liên tục thay đổi theo năm, đó là lý do vì sao bạn cần tiêm nhắc lại các loại vắc xin này hằng năm để duy trì sự bảo vệ cần thiết.
2.2 Cách phòng bệnh hô hấp khi giao mùa – Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống
Virus và vi khuẩn tồn tại ở mọi nơi, từ không khí đến các bề mặt mà con người tiếp xúc. Do đó, mỗi người sau khi hoạt động ngoài trời, tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, không khí ô nhiễm, độc hại cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp.
Sử dụng nước muối vệ sinh mũi hằng ngày là cách đơn giản nhất để đẩy vi khuẩn ra ngoài. Bằng cách này có thể hạn chế sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh vào sâu bên trong đường hô hấp, ngăn hoặc làm chậm quá trình tiến triển bệnh.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần có ý thức giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát để hạn chế môi trường cho vi khuẩn phát triển. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, các đồ vật hay cầm nắm, tiếp xúc.
2.3 Giữ ấm cơ thể để phòng bệnh hô hấp
Thời tiết giao mùa cũng là khoảng thời gian nhiệt độ thường có sự thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh, bạn cần đảm bảo luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt đối với các vùng cổ, ngực, lưng, gang bàn chân… Mặc ấm, đội mũ, quàng khăn, đeo tất, đeo khẩu trang khi ra ngoài trời lạnh. Trong khi ở nhà, mọi người nên tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột bằng cách tắm nước ấm, ở trong phòng kín gió…
Đặc biệt với những người có hệ miễn dịch kém hơn, bạn có thể chuẩn bị sẵn các túi chườm, túi giữ nhiệt để đảm bảo nhiệt độ cơ thể luôn giữ ở mức hợp lý.
2.4 Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất
Mũi và họng là hai bộ phận thuộc đường hô hấp rất nhạy cảm với những thay đổi về nhiệt độ. Trong ăn uống, bạn nên hạn chế ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh gây tổn thương các bộ phận này. Mặt khác, mọi người cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch, giúp chống lại bệnh tật. Đặc biệt , uống đủ ít nhất 2L nước/ ngày. Bạn cũng có thể bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất từ sinh tố, nước ép hoa quả, trái cây tươi.
2.5 Hạn chế đến nơi đông người, ở nhà khi bị bệnh
Điều quan trọng trong phòng chống bệnh hô hấp là hạn chế nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây. Vào thời gian đỉnh dịch, bạn nên hạn chế đến nơi đông người, tránh khả năng tiếp xúc gần với người bị bệnh. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên ở nhà, sử dụng khẩu trang mỗi khi cần tiếp xúc với người khác để tránh mầm bệnh lây lan cho những người xung quanh.
2.6 Thăm khám với bác sĩ khi có dấu hiệu hô hấp bất thường
Khi phát hiện các dấu hiệu bệnh lý về mũi – họng, bạn không nên chủ quan mà cần đến cơ sở y tế để kiểm tra, tránh những trường hợp bệnh diễn biến nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và để lại biến chứng lâu dài.
Hy vọng những thông tin cung cấp trong bài viết có thể hỗ trợ đắc lực cho bạn trọng việc chủ động phòng bệnh hô hấp khi thời tiết giao mùa, đảm bảo sức khỏe của bản thân, gia đình.