Polyp cổ tử cung là căn bệnh phổ biến ở những chị em phụ nữ trong độ tuổi từ 40 – 50 và những người đã từng sinh con. Bên cạnh đó, đây cũng là căn bệnh mà các mẹ bầu dễ gặp trong thai kỳ, xảy ra là do sự gia tăng hormone nội tiết tố nữ estrogen. Trong một vài trường hợp, polyp cổ tử cung còn là dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung. Vì vậy, để có thể phát hiện và điều trị kịp thời căn bệnh này, chị em nên nắm rõ 5 dấu hiệu polyp cổ tử cung điển hình được chia sẻ bên dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét về căn bệnh polyp cổ tử cung
Polyp cổ tử cung là căn bệnh phụ khoa lành tính nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm thì sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của chị em phụ nữ. Polyp cổ tử cung được hình thành từ sự phát triển quá mức của nội mạc tử cung.
Polyp cổ tử cung có hình dạng giống như một khối u dính chặt vào thành trong của cổ tử cung với kích thước từ vài milimet tới vài centimet. Mặc dù những chị em mắc bị polyp cổ tử cung không hẳn là mất hoàn toàn khả năng sinh sản nhưng trên thực tế, căn bệnh này làm giảm tỷ lệ thụ thai của chị em phụ nữ.
Vì polyp cổ tử cung làm cản trở quá trình tinh trùng gặp trứng và nếu khối polyp phát triển lớn hơn thì có thể bít kín cổ tử cung, gây tắc cổ tử cung. Bên cạnh đó, polyp cũng có thể biến chứng thành các bệnh ở cơ quan sinh sản như hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung,… tác động lớn đến sức khỏe của phái nữ.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh polyp cổ tử cung
Theo các chuyên gia, polyp cổ tử cung có thể liên quan tới những nguyên nhân sau đây:
2.1. Nhiễm trùng cổ tử cung
Nhiễm trùng cổ tử cung do nạo phá thai không an toàn, đặt vòng tránh thai sai cách,… sẽ khiến cho mạch máu ở vùng đó bị tắc lại. Đây chính là thủ phạm hàng đầu gây ra bệnh polyp cổ tử cung.
2.2. Nồng độ hormone estrogen trong cơ thể tăng lên
Thông thường, nồng độ hormone estrogen trong cơ thể của chị em phụ nữ luôn nằm trong mức ổn định. Tuy nhiên, hiện nay những sản phẩm được chế biến từ thịt và sữa có chứa estrogen nhân tạo. Khi chị em ăn vào thì hàm lượng estrogen trong cơ thể sẽ có sự thay đổi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới polyp cổ tử cung.
2.3. Cổ tử cung hoặc tử cung bị viêm mãn tính
Viêm nhiễm mãn tính ở tử cung hoặc cổ tử cung sẽ khiến niêm mạc cổ tử cung bị tăng sản. Sự gia tăng này chính là nguy cơ hàng đầu hình thành nên các khối polyp ở cổ tử cung.
2.4. Tắc nghẽn mạch máu
Mạch máu ở vùng cổ tử cung bị tắc do các bệnh như viêm nội mạc cổ tử cung, viêm cổ tử cung,… sẽ tạo điều kiện cho các khối polyp cổ tử cung hình thành và phát triển.
3. 5 dấu hiệu polyp cổ tử cung điển hình chị em nên ghi nhớ
3.1. Chu kỳ kinh nguyệt không đều
Hiện tượng rối loạn kinh nguyệt thường biểu hiện rõ nhất trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Nếu ngày kinh nguyệt tới bất thường, không theo đúng lịch hoặc thường xuyên bị chậm,…. thậm chí vô kinh thì đây chính là biểu hiện của bệnh polyp cổ tử cung mà chị em không được xem thường.
3.2. Chảy máu âm đạo một cách bất thường
Chảy máu âm đạo một cách bất thường khác với hiện tượng kinh nguyệt xuất hiện mỗi tháng. Do đó, nếu chị em thấy âm đạo bị chảy máu khi không phải trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong thời điểm như sau khi quan hệ tình dục và sau khi vệ sinh vùng kín thì nên chủ động đi khám phụ khoa ngay lập tức. Bởi lẽ đây là một trong dấu hiệu polyp cổ tử cung điển hình chị em chớ coi thường.
3.3. Ra khí hư một cách bất thường
Nếu khí hư tiết ra nhiều hơn bình thường và có màu vàng, kèm theo mùi hôi tanh khó chịu thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo vùng kín của chị em gặp vấn đề. Khi gặp phải trường hợp này, nhiều khả năng cổ tử cung của chị em xuất hiện một hoặc nhiều khối polyp xung quanh gây tăng tiết dịch và viêm nhiễm.
3.4. Đau bụng dưới, gặp khó khăn khi đi tiểu tiện
Một số chị em cũng sẽ gặp phải hiện tượng đau bụng dưới dữ dội, nhất là trong những ngày kinh nguyệt và sau khi quan hệ tình dục. Nếu bị polyp cổ tử cung, chị em sẽ thấy tình trạng đau bụng dưới tăng lên theo thời gian, kèm theo biểu hiện tiểu nhiều lần trong ngày nhưng lượng nước tiểu không nhiều, tiểu buốt,… Nếu để lâu, chị em còn có thể mắc phải tình trạng bí tiểu.
3.5. Suy giảm sức đề kháng
Nhiều chị em thường bỏ qua việc thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm. Vì vậy, khi gặp phải những triệu chứng như mất ngủ, chán ăn, ốm vặt,… chị em thường nghĩ đó là dấu hiệu của những bệnh lý thông thường. Tuy nhiên, trên thực tế, những dấu hiệu này cảnh báo rằng sức đề kháng của chị em đang suy giảm và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm vùng kín, bao gồm polyp cổ tử cung.
4. Các cách điều trị bệnh polyp cổ tử cung
Hầu hết polyp cổ tử cung là lành tính và có thể loại bỏ dễ dàng nhờ phẫu thuật. Nếu các polyp cổ tử cung không gây ra những dấu hiệu khó chịu nào, chị em có thể không cần điều trị nhưng vẫn cần phải theo dõi thường xuyên. Những phương pháp phổ biến được sử dụng để cắt bỏ polyp cổ tử cung là:
– Dùng vòng kẹp để loại bỏ polyp cổ tử cung một cách dễ dàng
– Buộc chỉ phẫu thuật xung quanh chân polyp cổ tử cung rồi cắt bỏ chúng
– Xoắn chân polyp trên bề mặt của cổ tử cung rồi kéo ra
– Một số phương pháp khác được sử dụng để loại bỏ chân polyp cổ tử cung là dao điện đốt chân, nitơ lỏng, tia laser,…
Chị em nên thực hiện phẫu thuật cắt bỏ polyp cổ tử cung tại các bệnh viện lớn với đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ và sử dụng gây tê cục bộ. Khi polyp cổ tử cung được loại bỏ, chị em có thể bị chuột rút hoặc chảy máu. Lúc này, chị em nên sử dụng các loại thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để bớt cảm thấy khó chịu.
Thông thường, các tế bào polyp cổ tử cung đều được bác sĩ kiểm tra xem có phải là ung thư hay không. Nếu đây là tế bào ung thư, chị em sẽ phải thực hiện một số điều trị bổ sung khác tùy theo loại ung thư mà mình mắc phải.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các bạn hiểu rõ các dấu hiệu polyp cổ tử cung cũng như nguyên nhân và cách điều trị căn bệnh này. Để bảo vệ sức khỏe và khả năng sinh sản của bản thân, chị em nên tới bệnh viện thăm khám ngay khi thấy dấu hiệu bất thường ở vùng kín và nên thăm khám phụ khoa ít nhất 1 năm/lần.