Hẹp niệu đạo hay hẹp tại bất kỳ vị trí nào trên đường ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể gây nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nguy hiểm hơn nữa là các biến chứng bệnh làm suy giảm sức khỏe. Nắm rõ các thông tin về bệnh sẽ giúp bạn có phương hướng điều trị hẹp niệu đạo kịp thời, giảm tối đa nguy cơ biến chứng.
Menu xem nhanh:
1. Hẹp niệu đạo là gì?
Niệu đạo là đoạn ống đưa nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Đối với nam giới niệu đạo còn có nhiệm vụ đưa dẫn tinh trùng ra ngoài. Kích thước niệu đạo của nam giới dài hơn gấp khoảng 6 lần so với nữ giới, do vậy tình trạng hẹp niệu đạo ở nam giới cũng xảy ra thường xuyên ở nam giới hơn là nữ giới.
Hẹp niệu đạo là tình trạng một đoạn ngắn hoặc dài tại niệu đạo bị thu hẹp lại. Vị trí hẹp càng dài và nhiều đoạn thì lưu lượng dòng chảy nước tiểu thoát ra ngoài cũng cũng sẽ giảm đi đáng kể. Trong trường hợp nặng có thể ngăn chặn hoàn toàn dòng nước tiểu.
Nhiều câu hỏi đặt ra vậy hẹp niệu đạo có phải là hẹp niệu quản, chúng tôi xin lý giải rằng đây là 2 bộ phận khác nhau trong hệ tiết niệu, do đó đây cũng là hai loại bệnh khác nhau.
Cụ thể, niệu quản là hai đường ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, còn niệu đạo là một ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên triệu chứng bệnh có thể dễ gây nhầm lẫn nên bạn cần đến chuyên khoa tiết niệu uy tín để được chẩn đoán xác định rõ ràng bệnh và có phương pháp điều trị hẹp niệu quản hay hẹp niệu đạo phù hợp.
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hẹp niệu đạo
Một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng hẹp niệu đạo bao gồm:
– Người bệnh mắc viêm niệu đạo, nhiễm khuẩn bao quy đầu, mắc bệnh giang mai, mắc bệnh lậu (vi khuẩn lậu cầu trú ngụ trong niệu đạo, cổ tử cung…), nhiễm trùng hoặc viêm tuyến tiền liệt…
– Hẹp niệu đạo có thể do chấn thương do tai nạn gây tổn thương tại bàng quang, niệu đạo hay chấn thương vùng chậu
– Nguyên nhân tiếp theo có thể do các phương pháp điều trị ngoại khoa liên quan tới niệu đạo, hoặc phẫu thuật tuyến tiền liệt trước
– Nguyên nhân cuối cùng và ít gặp hơn cả là hẹp niệu đạo bẩm sinh ở trẻ em, hoặc hẹp sau phẫu thuật tạo hình do dị tật bẩm sinh niệu đạo.
3. Triệu chứng và biến chứng của bệnh hẹp niệu đạo
3.1 Triệu chứng điển hình
Hẹp niệu đạo gây ra những ảnh hưởng và cảm giác khó chịu, bất tiện từ nhẹ đến nặng cho người bệnh, một số triệu chứng có thể bao gồm:
– Tiểu khó, tiểu đau, tiểu rắt, tiểu không hết hoàn toàn nước trong bàng quang
– Dòng nước tiểu yếu, nhỏ, có thể xuất hiện tia nước tiểu đôi
– Gặp khó khăn khi bắt đầu tiểu, bí tiểu, và buồn đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu ít
– Nước tiểu có xuất hiện máu
– Ở nam giới máu có thể còn xuất hiện trong tinh dịch, lực xuất tinh yếu
– Cảm giác căng chướng bàng quang
– Bệnh nhân có thể đau vùng chậu – vùng từ rốn đến xương chậu
3.2 Mức độ tiến triển của bệnh gây ra biến chứng
Nếu không điều trị, dần dần bệnh sẽ tiến triển thành những biến chứng gây nguy hiểm:
– Ứ đọng nước tiểu ở bàng quang sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ngược dòng, nước tiểu sẽ đẩy lên thận và làm giãn đài bể thận, giãn niệu quản, suy thận
– Ứ đọng nước tiểu lâu ngày còn dẫn đến sỏi tiết niệu do sự kết tinh của các tinh thể khoáng có trong nước tiểu
– Bệnh nhân còn có thể gặp tình trạng gây rất nhiều bất tiện trong cuộc sống đó là rò rỉ nước tiểu tại vị trí tầng sinh môn, vùng da bìu, dẫn đến viêm nhiễm, nhiễm khuẩn hay áp xe
– Bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng tình dục ở nam giới, và có thể khiến người bệnh xuất tinh sớm, liệt dương thậm chí là vô sinh.
4. 4 phương pháp điều trị bệnh hẹp niệu đạo phổ biến
Dựa vào kết quả thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm các xét nghiệm và những lưu ý cần thiết trước khi tiến hành điều trị. Ngoài ra bạn cũng cần cung cấp thông tin về các loại thuốc đang sử dụng hoặc các loại bệnh đang mắc để từ đó mỗi phương pháp điều trị bác sĩ chỉ định sẽ đem đến hiệu quả tối ưu nhất.
4.1 Điều trị hẹp niệu đạo – Nong niệu đạo
Là phương pháp điều trị bác sĩ sử dụng que nong hoặc bóng trên ống thông với kích thước tăng dần để làm rộng niệu đạo đoạn bị hẹp. Kỹ thuật này cần lặp lại với các ống nong kích thước lớn hơn, và đặt ống thông niệu đạo để lưu thông nước tiểu và giúp vết thương phục hồi nhanh.
4.2 Xẻ niệu đạo
Đây phương pháp còn được biết đến với tên gọi khác là cắt đoạn hẹp niệu đạo. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi chuyên biệt có gắn lưỡi dao hoặc laser ở đầu, đưa vào niệu đạo đến vị trí hẹp và cắt đoạn hẹp. Sau đó sẽ nối lại và đặt ống thông niệu đạo cho đến khi vết thương lành trở lại.
4.3 Đặt stent niệu đạo
Đặt stent niệu đạo là phương pháp điều trị ít xâm lấn, được sử dụng cho cả điều trị hẹp niệu quản. Bác sĩ sẽ đưa một stent kim loại vào vị trí hẹp để làm rộng đoạn hẹp ra.
4.4 Điều trị hẹp niệu đạo – Phẫu thuật tạo hình niệu đạo
Là phương pháp bác sĩ sẽ tạo hình niệu đạo đoạn hẹp bằng cách cắt bỏ đoạn hẹp và nối lại 2 đầu của phần niệu đạo bình thường. Cách này thường chỉ áp dụng với đoạn hẹp ngắn. Khi đoạn hẹp dài bác sĩ không thể cắt nối mà sẽ rạch đoạn hẹp và lấy các tổ chức mô để ghép mở rộng đoạn hẹp. Cuối cùng bệnh nhân được đặt ống thông niệu đạo và sẽ rút ống thông sau khi tình trạng bệnh được kiểm tra đã ổn định, dòng nước tiểu mạnh, bài xuất dễ dàng.
Điều trị bệnh hẹp tại niệu đạo dù bằng phương thức nào bạn cũng cần được thực hiện ở bệnh viện uy tín để tránh những biến chứng, nhiễm trùng không đáng có xảy ra. Sau khi điều trị tại viện bạn cũng cần duy trì lối sống sinh hoạt lành mạnh để bệnh tình mau chóng bình phục hoàn toàn, uống thuốc và tái khám đầy đủ theo yêu cầu của bác sĩ.