Sàng lọc dị tật thai nhi trước sinh luôn là điều mà tất cả các mẹ bầu đều vô cùng quan tâm. Trong đó xét nghiệm Double test sàng lọc trước sinh được các chuyên gia khuyến cáo là mẹ không nên bỏ qua, nhằm đảm bảo bé sinh ra được khỏe mạnh, thông minh.
Menu xem nhanh:
1. Xét nghiệm Double test là gì?
1.1. Xét nghiệm Double Test sàng lọc trước sinh là gì?
Double test (hay còn gọi là xét nghiệm bộ đôi) là một xét nghiệm máu của mẹ, khi kết hợp với kết quả độ mờ da gáy thai nhi sẽ giúp bác sĩ xác định được những nguy cơ dị tật thai nhi.
Mục đích của xét nghiệm double test là để đo lượng Beta-hCG tự do PAPP-A. Trong đó, Beta-hCG là một glycoprotein được bào thai sản xuất ra, còn PAPP-A (pregnancy associated plasma protein A) là một hormone estriol tự do có trong máu thai phụ.
Từ hai chỉ số này, bác sĩ sẽ kết hợp với các thông số về tuổi mẹ, tuổi thai, chiều cao và cân nặng của mẹ cũng như độ mờ da gáy thai nhi… để có thể đánh giá được nguy cơ xuất hiện các bất thường ở nhiễm sắc thể:
- Nếu cặp NST thứ 13 có bất thường sẽ có nguy cơ gây ra hội chứng Patau (Trisomy 13)
- Nếu cặp NST thứ 18 có bất thường sẽ có nguy cơ gây ra hội chứng Edward (Trisomy 18)
- Nếu cặp NST thứ 21 có bất thường sẽ có nguy cơ gây ra hội chứng Down (Trisomy 21)
1.2. Ai nên thực hiện xét nghiệm Double test
Là một thao tác vô cùng quan trọng, Double test được các chuyên gia chỉ định tất cả các mẹ bầu đều nên thực hiện. Khi mang thai, cơ thể thai phụ sẽ có sự thay đổi rất lớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Đồng thời, sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi đều phải chịu ảnh hưởng rất lớn, từ những tác động bên ngoài như môi trường, chế độ dinh dưỡng…
Do đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo các chị em phụ nữ khi mang thai đều nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước sinh Double test. Đặc biệt, những thai phụ có những đặc điểm sau:
- Thai phụ mang thai lần đầu từ 35 tuổi trở lên.
- Phụ nữ có tiền sử từng sảy thai, thai lưu.
- Phụ nữ đã từng sinh con mắc dị tật bẩm sinh.
- Phụ nữ có tiền sử gia đình đã từng mắc dị tật bẩm sinh.
- Phụ nữ trong quá trình mang thai bị nhiễm virus.
- Phụ nữ thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy có nguy cơ cao.
1.3. Nên thực hiện xét nghiệm vào thời gian nào?
Được đánh giá là một trong những phương pháp sàng lọc dị tật bẩm sinh chính xác nhất (khoảng 75%), Double test là một xét nghiệm mẹ không nên bỏ qua. Đặc biệt là những thai phụ mang thai trên 35 tuổi, hoặc đã từng sảy thai, nhiễm virus khi mang thai…
Mẹ nên thực hiện xét nghiệm Double test vào tam cá nguyệt đầu tiên và tốt nhất là khoảng tuần thứ 11 – 13 của thai kỳ. Do đó, mẹ bầu nên khám thai đầy đủ để có thể xác định chính xác tuổi thai, từ đó xác định được thời điểm thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước sinh.
2. Xét nghiệm sàng lọc trước sinh double test có ý nghĩa gì?
Double test không phải biện pháp chẩn đoán mà chỉ là một xét nghiệm mang tính chất sàng lọc, trả lời cho câu hỏi “thai nhi có nguy cơ mắc các dị tật hay không” chứ không trả lời câu hỏi “thai có đang mắc dị tật hay không”. Do đó, thực hiện xét nghiệm Double test sẽ giúp mẹ và bác sĩ sớm nắm được tình trạng của thai nhi, từ đó có sự chuẩn bị và các phương án xử trí kịp thời (nếu phát hiện có bất thường).
Đối với hội chứng Down: Biểu hiện của hội chứng này chính là sự gia tăng đáng kể của β- hCG tự do, còn PAPP-A thì có xu hướng giảm, đồng thời độ dày da gáy thì tăng. Đo độ mờ da gáy là việc rất có giá trị trong quá trình đánh giá nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể.
Phân loại mức độ nguy cơ mắc dị tật dựa vào độ mờ da gáy:
- Độ mờ da gáy < 3mm: Nhóm này được xếp vào nhóm ít có nguy cơ bị hội chứng Down.
- Độ mờ da gáy dày là 3,5- 4,4 mm: Nhóm này chiếm 21,1% các trường hợp bất thường nhiễm sắc thể 21.
- Độ mờ da gáy dày là ≥ 6,5 mm: Nhóm này có nguy cơ mắc hội chứng Down lớn nhất, chiếm tỷ lệ lên tới 64,5%.
Theo kết quả khảo sát, có đến 85% các mẹ được xác định chính xác nguy cơ có mắc dị tật bẩm sinh hay không nhờ vào kết quả của xét nghiệm sàng lòng trước sinh Double test, kết hợp với đo độ mờ da gáy của thai nhi vào khoảng tuần 11 – 13 của thai kỳ.
3. Kết quả Double test có nguy cơ cao thì mẹ nên làm gì?
Vì mục đích chính là xác định nguy cơ nhiễm các dị tật bẩm sinh, do đó, khi kết quả xét nghiệm có nguy cơ cao, mẹ đặc biệt phải lưu ý. Nếu Double Test chỉ ra nguy cơ dị tật bẩm sinh cao, mẹ nhất định phải thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán, sàng lọc khác như:
- Sinh thiết nhung mao màng đệm nhau thai.
- Xét nghiệm Triple test tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ.
Có thể nói, xét nghiệm sàng lọc trước sinh Double Test rất quan trọng với bất kỳ thai phụ nào, nhất là những thai phụ mang thai lần đầu trên 35 tuổi, đã từng sảy thai hoặc thai lưu, bị nhiễm virus trong khi mang thai. Bên cạnh đó, thực hiện Double Test sẽ cho kết quả chính xác nhất trong khoảng tuần thai thứ 11-13 của thai kỳ và phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống trang thiết bị, cũng như trình độ chuyên môn của bác sĩ. Do đó, các mẹ bầu cần lựa chọn kỹ lưỡng cơ sở y tế uy tín, cũng như bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm.
4. Một số lưu ý khi mẹ bầu thực hiện xét nghiệm Double test
- Double test là xét nghiệm được các chuyên gia và các bác sĩ sản khoa đánh giá là một phương pháp sàng lọc an toàn cho cả mẹ và bé.
- Các mẹ hoàn toàn có thể ăn uống bình thường trước khi thực hiện Double test để đảm bảo sức khỏe. Vì đây là xét nghiệm máu nên nếu mẹ nhịn ăn có thể gây tụt huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu…
- Khoảng 3 – 7 ngày sau khi thực hiện xét nghiệm sẽ có kết quả.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cần thiết về xét nghiệm sàng lọc trước sinh Double test. Hy vọng qua bài viết này các mẹ bầu sẽ có thêm kiến thức về mang thai. Chúc các mẹ bầu luôn mạnh khoẻ và mẹ tròn con vuông!