Xét nghiệm beta hCG là một trong những phương pháp giúp chị em biết mình đã có thai hay chưa. Nếu kết quả là dương tính thì chúc mừng chị em đã có “tin vui” tuy nhiên có một số trường hợp, kết quả xét nghiệm beta hCG âm tính nhưng vẫn có thai. Điều này khiến nhiều người thắc mắc và muốn tìm hiểu cụ thể. Những chia sẻ trong bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ bầu giải đáp thắc mắc này.
Menu xem nhanh:
1. Xét nghiệm beta hCG là gì?
Xét nghiệm beta HCG một trong những loại xét nghiệm dùng để chẩn đoán và xác định có thai sớm. HCG là một loại hoocmon đặc biệt, được sản xuất bởi những tế bào hình thành nên nhau thai. Nó có chức năng nuôi dưỡng và bảo vệ nhau thai.
Hormone HCG được hình thành từ rất sớm, từ khi thụ thai thành công, và tăng lên nhanh chóng. Cứ 2-3 ngày, nồng độ HCG sẽ tăng lên gấp đôi và đạt đỉnh cao nhất ở tuần 8-11 của thai kỳ. Sau đó, chỉ số này giảm dần trong thời gian còn lại của thai kỳ và sẽ biến mất hoàn toàn trong vòng vài tuần sau khi sinh con.
Nồng độ HCG tăng nhanh ở phụ nữ mang thai trong thời gian đầu chính là lý do gây ra các triệu chứng thai nghén như chóng mặt, buồn nôn, thay đổi vị giác,… Ở tam cá nguyệt thứ 2, nồng độ của loại hormone này đã giảm xuống, và đó chính là nguyên nhân mà các mẹ bầu đều cảm thấy dễ chịu hơn, cảm giác ốm nghén gần như biến mất.
Xét nghiệm beta HCG được thực hiện bằng cách lấy máu của người mẹ để kiểm tra định lượng nồng độ beta hCG có trong máu giúp phát hiện mang thai sớm. Xét nghiệm này có thể thực hiện từ rất sớm, khi chưa chậm kinh và chưa có dấu hiệu của ốm nghén.
Đối với phụ nữ không mang thai, nồng độ beta hCG thường ở ngưỡng dưới 5mUI/ml. Ở phụ nữ có thai, nồng độ beta hCG là trên 25 mUI/ml. Với những chị em thuộc ngưỡng 6-24 mUI/ml thì cần được theo dõi thêm, thực hiện lại xét nghiệm này sau 2 ngày để xác định có thai hay không.
Bên cạnh việc phát hiện mang thai sớm, xét nghiệm beta HCG còn giúp phát hiện những trường hợp thai nghén bất thường như thai ngoài tử cung, thai trứng hoặc dự đoán khả năng mang đa thai của người mẹ.
2. Xét nghiệm beta hCG âm tính nhưng vẫn có thai là sao?
Thông thường, hormone HCG được sản xuất từ rất sớm trong thai kỳ, ngay sau khi trứng và tinh trùng thụ tinh, chuyển xuống tử cung để làm tổ. Tuy nhiên, thời gian để đo lường được loại hormone này trong máu hoặc nước tiểu là khoảng từ ngày 6-8 trở đi. Nồng độ HCG thường tăng rất nhanh, ở thai nghén bình thường, trung bình cứ 2-3 ngày, lượng HCG sẽ tăng gấp đôi. Theo đó, nếu chị em làm xét nghiệm beta HCG quá sớm, thì kết quả vẫn có thể là âm tính mặc dù thực chất chị em đã có thai.
Vì vậy, lời khuyên cho chị em là không nên vì quá mong con mà thử thai quá sớm, dễ dẫn tới âm tính giả. Thời gian sớm nhất để thực hiện xét nghiệm beta HCG là từ 10 – 14 ngày quan hệ mà không thực hiện biện pháp tránh thai nào. Nếu kết quả âm tính nhưng vẫn chưa có kinh nguyệt, chị em có thể xét nghiệm lại hoặc thử que tại nhà.