Vỡ mạch máu não là tình trạng nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về căn bệnh này, giúp bạn có thể nhận diện và xử trí kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Vỡ mạch máu não là tình trạng gì? Các triệu chứng nhận biết
Vỡ mạch máu não là một trong những bệnh lý sọ não nguy hiểm, xảy ra khi các mạch máu não (gồm động mạch, mao mạch và đôi khi là tĩnh mạch) phình to và vỡ ra khiến bệnh nhân bị chảy máu não. Lúc này, máu chảy sẽ chảy vào và chèn ép các mô não, gây tăng áp lực nội sọ. Đồng thời lượng máu cung cấp nuôi dưỡng não không đủ khiến nhiều chức năng và hoạt động của các cơ quan bị ảnh hưởng.
Bệnh nhân mắc bệnh này thường có một số triệu chứng đặc trưng như:
– Đau nhức đầu dữ dội
– Hoa mắt, chóng mặt, ù tai
– Ngất xỉu đột ngột
Bên cạnh đó là một số triệu chứng khác do tổn thương ở não như:
– Đột nhiên run rẩy tay chân, đi đứng loạng choạng
– Không thể cầm, nắm chắc các đồ vật
– Không kiểm soát được lời nói, ăn uống dễ bị nghẹn, sặc
– Hay quên, giảm khả năng ghi nhớ đáng kể
Nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời, người bệnh rất dễ bị mất mạng. Vì vậy, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên chủ động đi khám hoặc nhờ người thân gọi cấp cứu để xử trí kịp thời, kiểm soát tốt tình trạng bệnh, hạn chế những diễn biến xấu xảy ra khi mạch não bị vỡ.
2. Nguyên nhân gây vỡ mạch não
Có rất nhiều nguyên nhân khiến mạch máu não bị phình vỡ, trong đó, cao huyết áo, phình mạch máu, dị dạng mạch não là những nguyên nhân phổ biến nhất.
2.1. Vỡ mạch máu não do bệnh tăng huyết áp
Cao huyết áp được coi là nguyên nhân hàng đầu gây phình, vỡ mạch não. Tình trạng huyết áp thường xuyên tăng cao làm suy yếu thành mạch máu. Mặt khác, bệnh cao huyết áp còn thường kèm theo các vấn đề như rối loạn chuyển hóa lipid, dư thừa cholesterol làm cho thành mạch dày hơn do sự hình thành các mảng xơ vữa.
Nếu huyết áp không được kiểm soát tốt, theo thời gian mạch máu có nguy cơ mất khả năng giãn nở tự nhiên. Đây chính là nguyên nhân khiến các bệnh nhân gặp vấn đề về huyết áp có nguy cơ cao bị vỡ mạch não cũng như nhiều di chứng nghiêm trọng khác.
Một số di chứng bệnh nhân thường gặp phải như: rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, hạn chế khả năng vận động, tay chân không linh hoạt như bình thường. Một số người do bệnh chuyển biến nhanh với mức độ nặng có thể bị liệt nửa người, nguy hiểm hơn là tử vong. Vì lý do kể trên, mọi người tuyệt đối không chủ quan nếu từng có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp.
2.2. Phình động mạch não gây vỡ mạch máu não
Tình trạng phình mạch máu não là hiện tượng có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào gồm trẻ nhỏ, người trưởng thành và người lớn tuổi. Các nghiên cứu khẳng định những bệnh nhân bị phình động mạch máu não là đối tượng có nguy cơ cao bị vỡ các mạch máu.
Ở các bệnh nhân này, khi các mạch máu vỡ ra, não bộ sẽ chịu nhiều tổn thương nghiêm trọng và dễ bị hủy hoại. Người bệnh có nguy cơ phải đối mặt với hiện tượng đột quỵ não, tử vong đột ngột.
2.3. Vỡ mạch não do mắc bệnh về máu
Các bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh thoái hóa mạch máu não dạng bột, dị dạng mạch máu não, người từng bị đột quỵ xuất huyết não cũng là đối tượng dễ bị vỡ các mạch máu não.
2.4 Mạch máu não bị vỡ do tác động của các loại thuốc
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số thuốc điều trị u não hoặc các loại thuốc chống đông có thể gây ra hiện tượng vỡ nứt mạch máu não. Vì vậy, người bệnh cần cẩn trọng và tuân theo chỉ định của bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc này.
2.4 Các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân kể trên, có nhiều yếu tố có thể gây vỡ mạch não. Trong đó có thể kể tới:
– Ảnh hưởng của thời tiết: Sự thay đổi bất thường của thời tiết có thể khiến mạch máu không kịp giãn nở và vỡ đột ngột.
– Thói quen ăn uống kém lành mạnh: Những người thường xuyên sử dụng đồ uống có chứa chất kích thích, tiêu thụ các chất béo xấu,… sẽ dễ bị vỡ mạch não.
– Tâm lý căng thẳng: Các bác sĩ cho biết tâm lý căng thẳng, mệt mỏi là nguyên nhân gây áp lực cho hệ thần kinh. Để giảm thiểu nguy cơ vỡ mạch não, chúng ta cần xây dựng chế độ sinh hoạt điều độ, luôn giữ cho tinh thần thoải mái, lạc quan.
3. Chẩn đoán và xử trí vỡ mạch máu ở não
3.1 Phương pháp chẩn đoán khi nghi ngờ vỡ mạch não
Khi thấy bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng vỡ mạch, các bác sĩ thường sẽ cho bệnh nhân chụp CT sọ não hoặc chụp MRI sọ não. Đây là 2 phương pháp hiện đại để xác định có phải bệnh nhân bị vỡ mạch não hay không, vị trí và mức độ tổn thương ra sao? Bên cạnh đó, một số phương pháp khác có thể được chỉ định để phân biệt, loại trừ với các bệnh lý có triệu chứng tương tự. Từ đó các bác sĩ có định hướng điều trị phù hợp khắc phục các tổn thương do vỡ mạch não gây ra.
3.2 Điều trị khi bị vỡ mạch máu ở não
Việc điều trị phụ thuộc vào vị trí, nguyên nhân và mức độ nứt vỡ. Một số loại thuốc có thể được chỉ định, bao gồm các thuốc giảm đau, thuốc dang corticoid hoặc thuốc lợi tiểu. Các thuốc này có tác dụng làm giảm phù, thuốc chống co giật để kiểm soát co giật.
Trong nhiều trường hợp các bác sĩ có thể tiến hành dùng thuốc hoặc các biện pháp can thiệp để làm giảm phù và ngăn ngừa chảy máu.
Sau điều trị cấp cứu, người bệnh thường phải điều trị lâu dài để khắc phục tổn thương não, bao gồm vật lý trị liệu, tập nói và một số liệu pháp khác.
Hi vọng qua bài viết trên đây các bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng vỡ mạch máu não. Để ngăn tình trạng vỡ mạch trầm trọng hơn, gây ra những biến cố nguy hiểm đến tính mạng, cần nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu khi có những dấu hiệu cảnh báo.