Viêm VA là bệnh phổ biến ở trẻ em dưới 6 tuổi. Bệnh có nhiều cấp độ trong đó viêm VA độ 3 được đánh giá là mức độ nặng với những biểu hiện lâm sàng riêng. Vậy viêm VA độ 3 nguy hiểm như thế nào và cha mẹ cần xử trí ra sao?
Menu xem nhanh:
1. Viêm VA độ 3 là gì?
Viêm VA còn được gọi với tên khác là bệnh sùi vòm mũi họng ở trẻ em. Giống như amidan, VA là hệ thống tế bào lympho trên chứa nhiều tế bào bạch huyết giúp tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập qua đường miệng. VA phát triển ở trẻ nhỏ và thoái triển dần khi trẻ từ 5 – 6 tuổi.
Viêm VA là tình trạng VA bị tấn công ngược bởi các vi khuẩn và mất đi chức năng bảo vệ, thường xuất hiện kèm theo tình trạng viêm amidan ở trẻ. Viêm VA được chia thành nhiều cấp độ, trong đó viêm VA cấp độ 3 được đánh giá là viêm VA ở mức độ khá nặng.Cụ thể các cấp độ viêm VA gồm có:
– Độ 1: 25% cửa mũi sau bị che lấp.
– Độ 2: 50% cửa mũi sau bị che lấp.
– Độ 3: khoảng 75% cửa mũi sau bị che lấp.
– Độ 4: cửa mũi sau gần như bị che lấp hoàn toàn.
2. Nhận biết viêm VA cấp độ 3
Khi VA bị viêm, kích thước của VA tăng lên và che lấp khẩu cái gây ảnh hưởng với mức độ tăng dần theo các cấp độ viêm. Ở cấp độ 3, viêm VA bắt đầu có những ảnh hưởng lớn tới quá trình hô hấp của trẻ, thường khiến trẻ bắt đầu thở miệng hoàn toàn.
Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình của viêm VA cấp độ 3:
– Trẻ mệt mỏi, cơ đau nhức và thường bỏ bú hay chán ăn.
– Có hiện tượng sốt cao từ 38 độ.
– Mũi bị tắc do sưng nề, nước mũi màu vàng xanh hoặc xanh đục chảy nhiều.
– Trẻ thở gần như thở bằng miệng, tiếng khóc hay nói thường là giọng mũi.
– Trẻ ho nhiều cơn và kèm theo đờm vàng xanh hoặc xanh tương tự như nước mũi.
– Hơi thở của trẻ bắt đầu có mùi hôi nặng nề hơn.
– Ù tai, có hiện tượng bứt tai do ngứa, khả năng nghe giảm sút.
– Trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy, nôn trớ.
Thăm khám bác sĩ có những biểu hiện lâm sàng như:
– Nội soi mũi: Niêm mạc và cuốn mũi dưới bị phù nề. Hốc mũi nhiều dịch mủ, quan sát thấy nhiều khối sùi bóng, đỏ sau khi hút hết dịch mũi. Thành sau họng xuất hiện các khối lympho lớn như hạt đậu xanh và các dịch nhầy chảy từ vùng viêm này xuống họng.
– Nội soi tai: Màng nhĩ bị lõm vào và có màu hồng do bị sung huyết góc sau trên hoặc toàn bộ vùng màng nhĩ.
– Góc hàm có hạch nổi sưng.
3.Viêm VA cấp độ 3 nguy hiểm như thế nào?
Như đã đề cập bên trên, viêm VA cấp độ 3 được đánh giá là viêm mức độ nghiêm trọng với các triệu chứng ở mức độ nghiêm trọng hơn và các biến chứng cũng nguy hiểm và phức tạp hơn.
Biến chứng điển hình nhất là sốt từ 38 đến 41 độ C có thể gây ra phản ứng co giật, tổn thương não bộ, mê sảng và có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái hôn mê, đe dọa trực tiếp tới tính mạng.
Các biến chứng có thể xuất hiện khi viêm VA từ cấp độ 3:
– Chuyển biến sang nhiều bệnh đường hô hấp khác như viêm tai giữa ảnh hưởng trực tiếp tới thính lực của trẻ, viêm xoang, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản gây ảnh hưởng tới chức năng hô hấp của trẻ.
– Chuyển biến viêm đường ruột, viêm cầu thận, viêm màng não hay viêm màng tim đe dọa tính mạng của bé.
Chính vì thế khi nhận biết trẻ bị viêm VA ngay từ những dấu hiệu đầu tiên cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời trước khi bệnh chuyển biến nặng hơn và biến chứng.
4. Điều trị viêm VA cấp độ 3 cho trẻ
Trong điều trị các bệnh lý tai mũi họng nói chung và viêm VA nói riêng đều ưu tiên điều trị nội khoa cho trẻ trước khi chuyển sang phương pháp khác.
4.1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa thường kết hợp điều trị các triệu chứng giúp VA có thể phục hồi:
– Giảm dịch nhầy bằng cách hút dịch nhầy và rỏ mũi bằng dung dịch sát trùng dành cho trẻ em ( argyrol 1% và ephedrin 1%).
– Sử dụng kháng sinh để giảm viêm và tiêu sưng.
– Giúp trẻ dễ thở hơn bằng cách làm ẩm không khí.
– Luôn cho trẻ nằm nghiêng để tránh hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Phương pháp điều trị nội khoa sau 4 – 5 ngày không cho kết quả khả quan sẽ được chuyển sang phương pháp phẫu thuật nạo VA để ngăn chặn các biến chứng.
4.2. Điều trị ngoại khoa nạo VA
Nạo VA là phương pháp cuối cùng được sử dụng trong điều trị viêm VA cho trẻ. Nạo VA thực chất là loại bỏ toàn bộ khối VA bị viêm để ngăn ngừa lây lan và biến chứng viêm sang các cùng khác.
Ngày nay, phương pháp nạo VA được tiến hành nhanh chóng, mất ít thời gian và hiện đại. Đặc biệt nạo VA bằng dao plasma hiện nay không chỉ tiết kiệm đáng kể thời gian mà quan trọng hơn ít gây đau và chảy máu cho trẻ. Ngoài ra với dao plasma plus, các tế bào mô sau khi được loại bỏ sẽ được hàn miệng ngay lập tức, đồng thời mô lành cũng được kích thích phục hồi nhanh chóng. Trẻ nạo VA bằng phương pháp này giảm đáng kể thời gian gây mê, và hoàn toàn có thể xuất viện sớm.
5. Chăm sóc trẻ trong điều trị viêm VA độ 3
Song song với quá trình điều trị thì việc chăm sóc trẻ là vô cùng quan trọng để có kết quả phục hồi tốt nhất.
5.1. Với trẻ điều trị nội khoa, cha mẹ cần
– Giúp trẻ vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch xịt, rửa mũi, súc miệng được chỉ định.
– Sử dụng thuốc theo đơn và đúng thời gian để có hiệu quả tốt nhất.
– Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.
– Cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, giữ ấm vùng tai mũi họng để nhanh chóng phục hồi.
5.2. Với trẻ thực hiện nạo VA, cần
– Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn sau phẫu thuật: thức ăn mềm, nhạt và nguội để tránh ảnh hưởng quá trình phục hồi sau nạo VA. Ngoài ra tất cả các thực phẩm có thể gây kích ứng ho như đồ ăn cay nóng, quá mặn,…..
– Trẻ sẽ cần hạn chế nói.
– Không nên súc miệng quá sâu và mạnh,….
– Sử dụng đúng thuốc và đủ liều theo đơn.
– Chế độ nghỉ ngơi hợp lý
– Lưu ý lịch tái khám với bác sĩ để kiểm tra quá trình lành thương.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về viêm VA độ 3 ở trẻ em. Với những kiến thức này, hi vọng cha mẹ đã trang bị thêm được những thông tin bổ ích trong nuôi dạy con trẻ.