Viêm tụy cấp là tình trạng tổn thương các mô tụy cấp tính, biểu hiện tiến triển từ nhẹ đến nặng thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Viêm tụy cấp điều trị ra sao, phòng ngừa bằng cách nào, cùng theo dõi bài viết sau đây để tìm câu trả lời.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu viêm tụy cấp là gì và nguyên nhân gây bệnh
1.1. Viêm tụy cấp là gì?
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của các nhu mô tụy, có thể bao gồm cả tổn thương ở các tổ chức cơ quan lân cận. Nếu không được điều trị sớm, viêm tụy cấp có khả năng gây tử vong.
Dựa trên đặc điểm lâm sàng, viêm tụy cấp biểu hiện qua 3 thể bệnh chính như sau:
– Viêm tụy cấp thể phù nề
– Viêm tụy cấp thể xuất huyết
– Viêm tụy cấp thể xuất huyết hoại tử
1.2. Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm tụy cấp là gì?
Có các nguyên nhân chính gây nên tình trạng viêm tụy cấp là:
– Uống nhiều rượu bia – đây là nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh này
– Mỡ máu tăng cao
– Do bị sỏi mật làm tắc nghẽn gây tắc ống dẫn chung hoặc tắc cơ vòng Oddi làm ngưng dòng chảy của ống tụy. Các men tụy bị giữ lại khiến cấu trúc tuyến tụy bị phá hủy.
– Bên cạnh đó, viêm tụy cấp còn xảy ra do chấn thương dập vùng tụy, rối loạn chuyển hóa hoặc mắc các bệnh tự miễn.
– Có khoảng 10-15% trường hợp bị viêm tụy cấp không xác định được nguyên nhân.
2. Dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm tụy cấp
Khi bị viêm tụy cấp, người bệnh sẽ gặp một số triệu chứng điển hình sau đây:
– Đau bụng cấp: thường là đau ở vùng thượng vị, đau đột ngột. Cơn đau trở nên dữ dội hơn sau khi ăn các món chứa nhiều đạm, dầu mỡ hoặc sau khi uống nhiều bia rượu. Cơn đau diễn ra liên tục theo từng cơn, cơn đau có thể lan tận sau lưng hoặc đau cả hạ sườn hai bên. Người bệnh thường nhầm lẫn đau tụy cấp với đau dạ dày.
– Nôn, buồn nôn: triệu chứng nôn thường xảy ra sau cơn đau, không liên quan đến các dấu hiệu đau. Người bệnh nôn ra dịch mật, dịch dạ dày và thậm chí là máu.
– Bụng chướng và bí trung tiện: đây là biểu hiện cảnh báo của tụy cấp ở thể hoại tử nặng.
– Một số triệu chứng kèm theo là: rối loạn ý thức, tụt huyết áp, …
3. Viêm tụy cấp điều trị bằng cách nào?
3.1. Viêm tụy cấp điều trị bằng cách bù dịch – điện giải
Đây là bước điều trị đầu tiên cho người bệnh ngay sau khi xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ. Do bệnh tụy cấp được xem là kích thích phản ứng viêm toàn thân với tốc độ nhanh vì vậy việc kiểm soát được thể tích tuần hoàn trong thời gian đầu rất quan trọng.
Mục đích của bù dịch – điện giải là đảm bảo đủ thể tích tuần hoàn, lượng nước tiểu để hạn chế tình trạng máu cô đặc dẫn đến suy thận, trụy mạch, ngừng tim.
3.2. Kiểm soát cơn đau
Triệu chứng đau bụng của bệnh viêm tụy được xem là đau dữ dội và vô cùng nghiêm trọng. Nguyên nhân là do men tụy bị giải thoát khỏi ống tuyến sẽ chuyển thành độc chất, có thể tiêu hóa các tạng trong ổ bụng mà chúng tiếp xúc được.
Vì vậy, người bệnh thường nhập viện khi bị đau bụng đột ngột, nặng nề lan ra sau lưng làm cho cơn đau dữ dội hơn. Do đó, kiểm soát cơn đau cho người bệnh cũng là mục tiêu cần đạt được trong điều trị viêm tụy cấp.
3.3. Viêm tụy cấp điều trị bằng can thiệp ngoại khoa
Đối với bệnh nhân bị viêm tụy cấp do sỏi gây ra cần được thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng để gắp sỏi ra ngoài trong khoảng 72 giờ đầu nếu phát hiện sỏi trong ống mật chủ hoặc trong khoảng 24-48 giờ nếu kèm theo viêm đường mật.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có biến chứng nang giả tụy lớn gây đau, chèn ép lên những cơ quan xung quanh cũng được cân nhắc can thiệp nội khoa. Ngoài ra, một số trường hợp bao gồm nang giả tụy bị nhiễm trùng, nang xuất huyết, nang giả tụy bị vỡ, viêm tụy cấp hoại tử, áp xe tụy, … cũng được xem xét can thiệp ngoại khoa.
3.4. Theo dõi, phát hiện, xử lý biến chứng
Tổn thương ở gan, thận, nguy kịch hệ hô hấp, tuần hoàn hay suy đa tạng là các biến chứng nặng của bệnh. Vì vậy, người bệnh cần được theo dõi tích cực và phát hiện biến chứng từ sớm để có hướng xử lý kịp thời.
Bệnh nhân cần được theo dõi xuyên mạch, huyết áp, nhiệt độ, nước tiểu và độ bão hòa oxy máu liên tục. Ngoài ra, cũng cần xét nghiệm công thức máu, chức năng gan, thận, điện giải cho người bệnh thường xuyên.
4. Giải đáp: Bệnh viêm tụy cấp có nguy hiểm không?
Viêm tụy cấp điều trị sớm sẽ ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng, hạn chế nhiều biến chứng nặng. Một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ở bệnh nhân viêm tụy cấp nếu không được điều trị kịp thời bao gồm:
– Nhiễm trùng tuyến tụy: đây là nguyên nhân tạo ra sự hình thành các ổ áp xe ở tuyến tụy gây viêm phúc mạc toàn thể, hoại tử mô.
– Sốc: xảy ra do nhiễm khuẩn nặng hoặc do xuất huyết. Đây là biến chứng sớm xuất hiện ngay những ngày đầu. Sốc do nhiễm khuẩn nhu mô tụy nặng thường xuất hiện ở tuần thứ 3.
– Xuất huyết: xuất huyết có thể xảy ra tại tuyến tụy, trong xoang bụng, trong ống tiêu hóa … gây tổn thương các mạch máu. Đa phần người bệnh gặp biến chứng này đều có tiên lượng nặng.
– Suy hô hấp cấp: đây là biến chứng khi bệnh đã tiến triển ở giai đoạn nặng.
– Nang giả tụy: đây là biến chứng thường gặp ở tuần thứ 2, thứ 3 kể từ khi mắc bệnh. Nang có thể tự dẫn lưu vào đường tụy rồi biến mất. Tuy nhiên, nang cũng có thể tiến triển thành áp xe hoặc gây nhiễm trùng nếu không được can thiệp sớm.
5. Cách phòng ngừa bệnh viêm tụy cấp cần thực hiện sớm
Để phòng tránh căn bệnh viêm tụy cấp, chúng ta nên:
– Hạn chế tối đa thói quen uống rượu bia, đồ uống có cồn nói chung.
– Không nên ăn quá nhiều thịt đỏ, nội tạng động vật trong một bữa ăn. Cân bằng đủ dưỡng chất, tăng cường bổ sung rau củ quả.
– Thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường. Lưu ý, bệnh viêm tụy cấp cần được điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xuất hiện.
Viêm tụy cấp là bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn tới hoại tử tụy, gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị phù hợp, bệnh vẫn có thể cải thiện tích cực.