Bệnh viêm tai ngoài là gì, có ảnh hưởng đến thính lực không, điều trị bao lâu thì khỏi,… Dù khá phổ biến trong đời sống nhưng rất nhiều người vẫn chưa hiểu hết về bệnh lý viêm tai ngoài. Hãy cùng đi tìm câu trả lời cho những vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan
1.1. Cấu tạo và chức năng tai ngoài
Tai ngoài, tai giữa và tai trong là ba bộ phận cấu tạo nên tai cùng các chức năng cảm giác âm thanh và thăng bằng cơ thể. Trong đó, tai ngoài là vị trí quan trọng, có thể quan sát bằng mắt thường và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các tác nhân vật lý, tự nhiên trong đời sống.
Tai ngoài gồm vành tai và ống tai. Trong đó:
– Vành tai còn được gọi là loa tai, là bộ phận tai được nhìn trực tiếp từ người đối diện. Vành tai được cấu tạo từ lớp sụn, da bao bọc cùng một số mạch máu và lớp mỡ bảo vệ.
– Ống tai: cấu trúc được giới hạn từ vành tai đến màng nhĩ, dài khoảng 2,5cm. Ống tai có lông tơ nhỏ và các tuyến nhờn.
Trong chức năng thính giác, vàng tai đảm nhận vị trí thu nhận, hướng âm thanh vào ống tai và truyền đến màng nhĩ. Chính bởi thế, việc tai ngoài bị viêm sẽ gây những ảnh hưởng nhất định đến khả năng nghe của người bệnh.
1.2. Bệnh viêm tai ngoài là gì?
Viêm tai ngoài là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở khu vực tai ngoài. Bệnh do các tác nhân vi khuẩn, hoặc nấm gây nên và thường bắt đầu từ tình trạng nhiễm trùng, bệnh về da,…
Viêm tai ngoài có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, kể cả ở người lớn và trẻ em. Tuy vậy, bệnh cũng có xu hướng giảm dần theo độ tuổi.
Một số yếu tố nguy cơ viêm tai ngoài:
– Người thường xuyên bơi lội hoặc hoạt động dưới nước.
– Có các chấn thương tai ngoài: Do gãi, ngứa, dị vật trong tai,…
– Sử dụng các thiết bị tai nghe, trợ thính thường xuyên.
– Thể dị ứng: viêm da cơ địa dị ứng, dị ứng thuốc nhuộm tóc, xịt keo,…
2. Chẩn đoán viêm tai ngoài
2.1. Viêm tai ngoài ở trẻ em
Trẻ em là đối tượng có tỉ lệ mắc viêm tai ngoài cao nhất hiện nay. Cha mẹ nên nghi ngờ khi nhận thấy những biểu hiện của trẻ:
– Trẻ có biểu hiện ngứa tai, thường xuyên vò tai, kéo tai.
– Khóc khi tai bị va chạm (người khác chạm hoặc tai trẻ chạm vào chăn, gối,…)
– Trẻ phản ứng lại lời gọi của cha mẹ chậm hơn. Đây có thể là dấu hiệu trẻ nghe kém.
– Trẻ sốt.
– Tai trẻ có dịch chảy ra
2.2. Viêm tai ngoài ở người lớn
Viêm tai ngoài có 4 cấp độ. Tùy từng cấp độ mà triệu chứng của bệnh cũng có những khác biệt:
– Viêm tai ngoài cấp tính: Điển hình với tình trạng ngứa tai. Ngứa kèm theo đau, sưng đỏ vành tai hoặc ống tai.
– Viêm tai ngoài mạn tính: Ngứa nhưng không đau. Không có hiện tượng phù nề.
– Viêm tai ngoài xâm lấn: Tai đau và xảy ra tình trạng tiết dịch. Người bệnh có thể sốt nhẹ. Ống tai sưng phù và xuất hiện mô hạt sau tai, ở vị trí tiếp giáp giữa ống tai và hộp sọ. Một số trường hợp nặng có thể xảy ra tình trạng liệt dây thần kinh số 7, thần kinh mặt hoặc hàm khít.
– Viêm tai ngoài ác tính: Tai đau kèm cảm giác rát. Tình trạng nhiễm trùng lan rộng.
Người bệnh thăm khám điều trị viêm tai ngoài sẽ được nội soi, lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm máu, chụp CT,… để xác định đúng chủng gây bệnh cũng như bao quát tình trạng nhiễm trùng của hiện tại. Theo từng cấp độ viêm nhiễm tai ngoài cùng sự ảnh hưởng của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định việc điều trị khác nhau với từng bệnh nhân.
3. Điều trị viêm tai ngoài đúng cách.
Các phương pháp điều trị viêm tai ngoài đa dạng, áp dụng tùy theo tình hình bệnh lý của người bệnh với các nguyên tắc:
– Nạo viêm: Các tổ chức bệnh và vùng viêm nhiễm cần được lấy đi triệt để. Tùy theo từng đơn vị và cơ sở điều trị mà có những cách khác nhau như: ống hút, que tăm bông, ánh sáng,…. Chú ý thực hiện dưới ánh sáng phù hợp và chống chỉ định việc bơm nước vào tai.
– Sử dụng thuốc phù hợp:
+ Thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh.
+ Thuốc kháng sinh dạng uống.
+ Thuốc kháng viêm có corticoid dạng uống
+ Thuốc giảm đau
Việc uống thuốc sẽ theo chỉ định phù hợp của bác sĩ. Điều này tùy thuộc hoàn toàn vào mức độ bệnh lý của người bệnh. Tình trạng viêm tai ngoài do nấm, các bác sĩ cần sử dụng thuốc chống nấm tại chỗ.
– Trích rạch và dẫn lưu mủ nếu bệnh nhân có tình trạng nhọt trong ống tai.
– Điều trị các biến chứng mà viêm tai ngoài gây ra: Trong trường hợp viêm tai ngoài gây biến chứng khác, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị kết hợp. Các tình trạng cần được cân nhắc như: thủng màng nhĩ, viêm xương chũm, liệt dây thần kinh mặt, hạch sau tai,…
Bên cạnh đó, cần kết hợp với các hoạt động vệ sinh, chăm sóc tai đúng cách: để tai khô ráo, vệ sinh sạch sẽ, hạn chế những ảnh hưởng vật lý và âm thanh lớn đến tai, chế độ ăn uống phù hợp,…
4. Phòng chống viêm tai ngoài
Để bảo vệ bản thân và người thân trước bệnh lý viêm tai ngoài, cần chú ý:
– Bơi lội tại các vùng nước sạch. Vệ sinh tai và làm sạch, làm khô sau khi bơi lội.
– Vệ sinh tai đúng cách. Tránh tình trạng dùng các vật dụng gây tổn thương ống tai khi làm sạch tai.
– Sát khuẩn và vệ sinh phù hợp khi ống tai bị trầy xước.
– Tránh vấn đề dị ứng.
Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe tai cũng như sức khỏe toàn diện của bản thân, nên đi khám sức khỏe định kỳ. Việc khám tai mũi họng định kỳ sẽ giúp chúng ta kiểm soát tình trạng sức khỏe, phòng ngừa các nguy cơ và phát hiện sớm mọi vấn đề để an tâm điều trị, sống khỏe mạnh.
Những thông tin về vấn đề viêm tai ngoài là gì trên đây hi vọng đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh lý này, nhận biết bệnh và có cho mình những phương pháp phòng, trị bệnh đúng cách. Trong đó, việc thực hiện theo chỉ định điều trị của bác sĩ là rất quan trọng, bởi mỗi trường hợp viêm tai ngoài lại có những cấp độ khác nhau. Do đó, hãy lựa chọn cho mình cơ sở y khoa uy tín khi bắt gặp tình huống này để an tâm điều trị và loại bỏ tình trạng viêm nhiễm.