Viêm loét dạ dày là gì? Bệnh có nguy hiểm không? là những câu hỏi được tất cả mọi người quan tâm về căn bệnh đường tiêu hóa phổ biến này. Hiểu đúng và rõ về bệnh sẽ là giúp chúng ta chủ động hơn trong việc phòng tránh và điều trị viêm loét dạ dày.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung viêm loét dạ dày là gì?
1.1. Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày là bệnh đường tiêu hóa phổ biến hàng đầu hiện nay. Khi lớp màng bảo vệ dạ dày bị bào mòn do một số nguyên nhân nào đó sẽ làm lộ ra các lớp bên dưới của dạ dày. Lúc này, thành niêm mạc sẽ dễ bị tác động gây ra các tổn thương và dẫn tới viêm loét dạ dày.
1.2. Hai giai đoạn phát triển của bệnh loét dạ dày
Viêm loét dạ dày được phát triển theo 2 giai đoạn là viêm loét thể cấp tính và viêm loét thể mạn tính.
Viêm loét dạ dày cấp tính
Đặc trưng ở viêm loét dạ dày thể cấp tính là các triệu chứng sẽ xuất hiện đột ngột, biểu hiện khá rõ nét nhưng diễn tiến rất nhanh trong thời gian ngắn nên nhiều người bệnh sẽ dễ chủ quan mà bỏ qua.
Ở giai đoạn này, nếu bệnh được phát hiện ngay và điều trị đúng cách, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mọi người thường bỏ qua các triệu chứng nên khiến bệnh tình trở nên phức tạp hơn và phát triển thành mạn tính.
Viêm loét dạ dày mạn tính
Khi viêm loét dạ dày cấp tính tái đi tái lại khiến tình trạng viêm sưng kéo dài, lâu dần sẽ chuyển sang dạng mạn tính. Ở giai đoạn này, các tổn thương sẽ lan rộng, việc điều trị trở nên khó khăn hơn, thậm chí còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
2. Viêm loét dạ dày gây ra những nguy hiểm gì với người bệnh?
Bên cạnh những triệu chứng tiêu hóa khó chịu như khó tiêu, đau bụng thượng vị, đầy hơi, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn và nôn,… thì viêm loét dạ dày khi đã phát triển ở giai đoạn mạn tính sẽ làm tăng nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm sau đây:
2.1. Hẹp môn vị
Viêm loét dạ dày kéo dài có thể dẫn tới tình trạng phù nề niêm mạc, tạo sẹo co kéo dẫn tới chít hẹp môn vị. Khi đó, thức ăn đi qua môn vị sẽ khó khăn hơn, cản chở quá trình tiêu hóa và dẫn tới các triệu chứng như: đau bụng, nôn mửa dữ dội kèm dịch nôn có mùi hôi, tiêu chảy,…
Khi tình trạng này kéo dài mà không được xử lý đúng cách, cơ thể người bệnh sẽ dần suy nhược, mệt mỏi, da xanh tái, sút cân nhanh chóng.
2.2. Viêm loét dạ dày là gì? Viêm loét gây biến chứng xuất huyết tiêu hóa
Đây là biến chứng thường gặp nhất do viêm loét dạ dày gây ra. Khi các vết loét trở nên nghiêm trọng, ăn sâu vào thành niêm mạc và tổn thương tới tế bào mạch máu sẽ gây ra xuất huyết dạ dày. Biến chứng này có thể khiến người bệnh bị mất máu, thiếu máu gây chóng mặt, da nhợt nhạt cùng triệu chứng nôn ra máu hoặc đi ngoài phân có màu đen.
2.3. Biến chứng thủng dạ dày
Thủng dạ dày là một dạng cấp cứu ngoại khoa cần được tiến hành phẫu thuật xử lý ngay lập tức. Biểu hiện nhận biết thủng dạ dày bắt đầu từ cơn đau bụng dữ dội, bụng gồng cứng, toàn thân không còn sức lực, mệt mỏi, mặt tái nhợt, tay chân lạnh, toát mồ hôi và có thể tụt huyết áp,…
Biến chứng thủng dạ dày nếu không được xử lý đúng và kịp thời sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
2.4. Ung thư dạ dày
Viêm loét dạ dày ban đầu chỉ là một dạng bệnh lý lành tính, nhưng khi bệnh diễn biến trở nặng có thể dẫn đến biến chứng ung thư dạ dày rất nguy hiểm. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày luôn nằm trong top 5 những bệnh ung thư phổ biến nhất.
Ở giai đoạn đầu, ung thư dạ dày hầu như không gây ra những triệu chứng điển hình nào. Có thể chỉ là những cơn đau bụng âm ỉ, ợ chua, ợ hơi hay rối loạn đại tiện,… cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm. Chính vì thế, nhiều người bệnh sẽ chủ quan bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa thông thường nên đến khi được phát hiện, ung thư dạ dày đã đều ở giai đoạn muộn.
Như vậy, viêm loét dạ dày là một bệnh lý tiêu hóa thông thường nhưng sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu người bệnh chủ quan, lơ là việc thăm khám và bỏ lỡ thời điểm “vàng” điều trị bệnh. Các biến chứng viêm loét dạ dày đều có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh nên việc phòng bệnh và điều trị bệnh đúng cách cần đặc biệt được quan tâm.
3. Điều trị viêm loét đúng cách và phòng bệnh hiệu quả
3.1. Điều trị viêm loét bằng cách nào?
Điều trị viêm loét dạ dày thường ưu tiên tập trung vào nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:
– Với trường hợp viêm loét dạ dày HP, bác sĩ sẽ lên phác đồ thuốc tiêu diệt HP tương ứng.
– Với trường hợp viêm loét do sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm thì được yêu cầu dừng hoàn toàn các loại thuốc này. Nếu tình trạng người bệnh bắt buộc phải sử dụng, bác sĩ sẽ chỉ định đơn thuốc có ít tác dụng phụ nhất có thể. Sau đó, tiếp tục tiến hành điều trị đến nguyên nhân tiếp theo.
Ngoài ra, trong các trường hợp điều trị nội khoa bằng thuốc không cho hiệu quả, bệnh diễn biến trở nặng cùng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Khi đó, bác sĩ sẽ cần xem xét, đánh giá và đưa ra quyết định có cần can thiệp phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị bệnh viêm loét.
Trên hết, người bệnh viêm loét dạ dày cần thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác bệnh, nguyên nhân gây bệnh và được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp, nhanh chóng và an toàn.
3.2. Phòng bệnh viêm loét dạ dày
Cách phòng bệnh viêm loét dạ dày hiệu quả đến từ chính chế độ ăn uống, thói quen, lối sống sinh hoạt hằng ngày của bạn. Hãy lưu ý và thực hiện những điều sau đây sẽ giúp giảm nguy cơ mắc viêm loét dạ dày:
– Thực hiện chế chế độ ăn đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Tăng cường rau xanh và các loại hoa quả tươi nhằm cung cấp chất xơ và vitamin.
– Tránh đồ ăn cay nóng, đồ ăn chua và các loại thức uống chứa chất kích thích điển hình là rượu, bia,..
– Chú ý điều chỉnh trong thói quen ăn uống như: ăn chín uống sôi, không ăn quá no hoặc để cho bụng quá đói, hãy tập trung khi ăn, ăn chậm nhai kỹ,…
– Hạn chế sử dụng các loại thuốc chống viêm, giảm đau. Nếu sử dụng cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
– Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng nhằm tránh nguy cơ nhiễm trùng.
– Duy trì và thực hiện một lối sống sinh hoạt lành mạnh bằng việc từ bỏ hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, tránh căng thẳng mệt mỏi, ngủ đủ giấc, vận động điều độ để tăng cường sức khỏe.
Như vậy, khái niệm viêm loét dạ dày là gì cùng các thông tin hữu ích về bệnh cũng đã được làm sáng tỏ. Điều chúng ta nên tuân thủ là thực hiện một chế độ ăn khoa học, sinh hoạt lành mạnh và thăm khám chuyên khoa tiêu hóa định kỳ để tầm soát bệnh một cách tốt nhất.