Menu xem nhanh:
Nguyên nhân gây viêm họng ở trẻ em
Trên thực tế các trường hợp viêm họng ở trẻ em có đến 70-80% nguyên nhân là do virus gây bệnh. Số còn lại là do liên cầu (vi khuẩn). Tức là cứ 10 trẻ bị viêm họng thì có đến 7-8 trường hợp là viêm họng do virus và không cần dùng đến thuốc kháng sinh vì kháng sinh không tiêu diệt được virus. Và khi này biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Mỗi lần thời thiết thay đổi các bệnh lý đường hô hấp trong đó có bệnh viêm họng ở trẻ em thường gia tăng. Và việc các bậc phụ huynh “vội” dùng thuốc kháng sinh ngay khi có triệu chứng là không cần thiết, gây tốn kém và còn có nguy cơ gây kháng thuốc rất nguy hiểm cho trẻ.
Trường hợp nào thì viêm họng ở trẻ chưa cần dùng thuốc kháng sinh?
Một số triệu chứng trẻ bị viêm đường hô hấp trên, viêm họng không cần sử dụng kháng sinh: Đó là khi trẻ có các biểu hiện viêm kết mạc, chảy mũi, ho, tiêu chảy, ban dạng vi rút, các bố mẹ hãy bình tĩnh theo dõi con tại nhà (hoặc đi khám nếu bố mẹ thấy không yên tâm) vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, muối biển, vệ sinh sạch răng miệng, cho trẻ súc bằng nước muối, ăn đồ loãng, uống nhiều nước ấm để hỗ trợ làm loãng dịch đờm dãi.
Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ hãy dùng thuốc hạ sốt paracetamol theo cân nặng. Nếu trẻ ho nhiều, nên đi khám để được hướng dẫn dùng loại thuốc ho phù hợp.
Vậy viêm họng ở trẻ em cần sử dụng thuốc kháng sinh khi nào?
Đó là khi bệnh viêm họng ở trẻ em xuất phát do nguyên nhân là vi khuẩn. Hoặc có một số trường hợp trẻ nhỏ bị bỗi nhiễm vi khuẩn. Tức là ban đầu có thể bé chỉ viêm họng do nguyên nhân virus nhưng con không được điều trị kịp thời hay điều trị sai cách có nguy cơ bội nhiễm, khi này bé sẽ nhiễm cả virus và vi khuẩn và khi đó việc sử dụng kháng sinh mới thực sự là cần thiết.
Như vậy, thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng khi ba mẹ đã chắc chắn rằng nguyên nhân gây viêm họng ở trẻ là do vi khuẩn, nếu chưa chắc chắn thì xin đừng tuyệt đối tự ý sử dụng kháng sinh cho bé uống. Để chắc chắn nguyên nhân do đâu, tốt nhất ba mẹ nên cho con đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để bé được chẩn đoán đúng.
Nếu thấy bé có các biểu hiện như: con sốt trên 38,5 độ C, sưng đau hạch cổ, đau đầu, nốt xuất huyết ở vòm, đau bụng, chất xuất tiết ở họng, amidan,… điều này cho thấy khả năng lớn bệnh nhi viêm họng do liên cầu tan huyết beta -nhóm A. Lúc này trẻ sẽ phải sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ và cách tốt nhất là cho con đi khám với bác sĩ để dùng đúng loại, đúng liều lượng, tuyệt đối không tự bắt bệnh và tự ý mua thuốc điều trị cho bé tại nhà.
Lưu ý gì khi sử dụng thuốc kháng sinh trị viêm họng ở trẻ nhỏ?
Tuyệt đối không nên dùng kháng sinh nửa vời hay tự ý dừng thuốc kháng sinh khi thấy trẻ hết sốt, hết ho, con ăn được lại nghĩ “trộm vía con khỏi rồi” nên thôi không dùng nữa, điều này là hoàn toàn sai lầm.
Bởi lúc này, do tác dụng của thuốc kháng sinh nên vi khuẩn đang bị yếu đi, không có sức hản kháng để gây các triệu chứng ồ ạt như ban đầu. Nhưng vi khuẩn mới chỉ yếu mà chưa chết hẳn. Nếu dừng thuốc, vi khuẩn không bị tiêu diệt, dần khoẻ lại, sống lại và dần có sức đề kháng với chính loại kháng sinh đang uống, từ đó gây nên tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm, bị nhiễm bệnh lần sau loại kháng sinh đó sẽ không cò tiêu diệt được vi khuẩn.
Đó cũng là một nguyên nhân gây tình trạng kháng thuốc “lờn thuốc” không phải do mẹ lạm dụng kháng sinh mà là do sử dụng kháng sinh sai cách.
Chính vì vậy, việc sử dụng kháng sinh phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa cần sử dụng đúng lúc, đúng liều lượng, đúng thời gian. Và chỉ định có nên sử dụng kháng sinh hay không, sử dụng như thế nào, bạn nên dành quyền quyết định cho bác sĩ, đừng tự ý lạm dụng kháng sinh trị bệnh cho bé.