Viêm gan siêu vi C là bệnh truyền nhiễm virus gây viêm gan, có nguy cơ gây tổn thương gan nghiêm trọng. Điều trị viêm gan C đòi hỏi thời gian dài, việc dùng thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ khó chịu. Vậy làm thế nào để phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan C hiệu quả? Câu trả lời có trong bài viết dưới đây, hãy tham khảo để hiểu hơn về bệnh lý này.
Menu xem nhanh:
1. Nguy cơ lây nhiễm viêm gan siêu vi C
Viêm gan C do vi-rút cùng tên (gọi tắt là HCV) xâm nhập vào máu, tấn công gây nhiễm trùng gan. Vi-rút viêm gan C lây truyền qua máu và các dịch tiết cơ thể với các con đường như sau:
– Dùng chung kim tiêm với người bệnh khi tiêm chích ma túy.
– Tái sử dụng các thiết bị, dụng cụ y tế mà không khử trùng đúng cách, đặc biệt là ống tiêm và kim tiêm.
– Truyền máu chứa vi-rút không qua sàng lọc.
– Quan hệ tình dục với người nhiễm vi-rút có nguy cơ lây nhiễm cao khi bị chảy máu, trầy xước trong quá trình quan hệ không có biện pháp bảo vệ.
– Vi-rút viêm gan C có thể lây truyền theo chiều dọc từ mẹ sang con.
Bệnh lý này không lây lan qua tiếp xúc thông thường như ôm, hôn, chia sẻ đồ ăn – thức uống với người bệnh. Đồng thời, vi-rút không lan truyền qua sữa mẹ, nước hoặc thức ăn.
Nguy cơ lây nhiễm tăng lên với các yếu tố rủi ro sau đây:
– Nhân viên y tế hoặc chăm sóc sức khỏe, thường xuyên tiếp xúc với máu bị nhiễm vi-rút.
– Từng tiêm chích ma túy có nguy cơ cao do dùng chung kim tiêm.
– Nhiễm vi-rút HIV.
– Xăm hình, xỏ khuyên, làm móng, châm cứu với dụng cụ không được khử trùng đúng cách.
– Được truyền máu hoặc ghép tạng mà máu không được đảm bảo kiểm tra cẩn thận.
– Mắc bệnh đông máu.
– Trẻ được sinh bởi người mẹ nhiễm vi-rút viêm gan C.
– Có thời gian dài điều trị chạy thận nhân tạo.
2. Quá trình tiến triển của viêm gan siêu vi C
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi-rút viêm gan B có thể phát triển theo các giai đoạn sau:
2.1. Thời kỳ ủ bệnh
Thời gian này trung bình là khoảng 45 ngày kể từ lần đầu tiếp xúc với nguồn bệnh. Quá trình ủ bệnh có thể kéo dài từ 2 đến 6 tháng.
2.2. Viêm gan siêu vi C cấp tính
Bệnh gây ra các triệu chứng sau 1 – 3 tháng kể từ khi nhiễm vi-rút, kéo dài vài tuần đến 6 tháng. Giai đoạn cấp tính của viêm gan C có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Người bệnh chỉ cần thực hiện một số biện pháp điều trị hỗ trợ. Các trường hợp khác cần dùng thuốc kháng vi-rút để tiêu diệt HCV.
2.3. Viêm gan C mạn tính
Nếu vi-rút không được loại bỏ sau 6 tháng, viêm gan C cấp sẽ trở thành mạn tính. Viêm gan C mạn làm tăng nguy cơ của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan.
2.4. Xơ gan
Khi gan bị viêm do HCV, các tế bào gan khỏe mạnh dần bị thay thế bởi các mô sẹo. Quá trình xơ hóa gan thường kéo dài khoảng 20- 30 năm. Ở những người nhiễm HIV hoặc uống nhiều rượu, quá trình này có thể diễn ra nhanh hơn.
Xơ gan phát triển qua 4 giai đoạn với mức độ tổn thương gan tăng dần. Khi gan bị xơ hóa nặng nề, các chức năng gan sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Trong đó có thể kể đến một số biến chứng đe dọa đến tính mạng như: hôn mê gan, vỡ tĩnh mạch thực quản, nhiễm trùng,…
2.5. Ung thư gan
Ung thư gan thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, do đó người bệnh cần được kiểm tra thường xuyên. Bệnh lý ung thư này có tỷ lệ tử vong cao, điều trị khó khăn và tốn kém. Phát hiện bệnh trong giai đoạn đầu sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, tăng cơ hội sống cho người bệnh.
3. Triệu chứng và biến chứng bệnh viêm gan siêu vi C
Khi gan bị tổn thương do viêm gan C cấp tính hoặc viêm gan C mạn tính, người bệnh sẽ có các dấu hiệu như:
– Mệt mỏi;
– Chán ăn;
– Dễ chảy máu, dễ bầm tím;
– Ngứa da;
– Chướng bụng;
– Nổi mạch máu trên da;
– Nước tiểu màu sẫm;
– Giảm cân không rõ nguyên do;
– Phù chân;
– Vàng da, vàng mắt (tuy nhiên khó nhận biết ở giai đoạn đầu của bệnh);
– Thường buồn ngủ, lú lẫn sa sút trí tuệ (biểu hiện bệnh não gan).
Theo thời gian, viêm gan C mạn tính có thể làm hạn chế hoạt động bình thường của gan với các biến chứng gồm:
– Nguy cơ nhiễm trùng.
– Giãn mạch máu thực quản hoặc dạ dày, có thể bị vỡ gây xuất huyết trong.
– Sỏi mật.
– Giảm bạch cầu hoặc tiểu cầu do sưng lá lách.
– Suy thận, suy phổi.
– Nguy cơ bệnh tiểu đường type 2 do kháng insulin nội tiết tố.
– Nhạy cảm hơn với các loại thuốc vì chung không được gan lọc khỏi máu.
– Xơ gan (sẹo gan).
– Suy gan: gan ngừng hoạt động do xơ gan tiến triển.
– Não gan: suy giảm trí tuệ, có thể dẫn đến hôn mê.
– Ung thư gan là biến chứng trầm trọng hàng đầu của viêm gan C.
4. Phòng ngừa viêm gan C như thế nào cho hiệu quả?
4.1. Người chưa mắc tự phòng ngừa viêm gan siêu vi C
Hiện nay không có vắc-xin phòng chống viêm gan C. Vì vậy, việc giảm nguy cơ lây truyền vi-rút đóng vai trò quyết định trong ngăn ngừa nhiễm HCV:
– Đảm bảo an toàn khi truyền máu, kiểm tra đảm bảo nguồn máu không nhiễm vi-rút.
– Không dùng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ sinh hoạt cá nhân như dao cạo râu, bấm móng tay chân, bàn chải đánh răng,…
– Vật sắc nhọn và chất thải cần được xử lý an toàn.
– Quan hệ tình dục sử dụng biện pháp bảo vệ, phòng tránh tiếp xúc máu.
– Vệ sinh tay sạch sẽ sau khi phẫu thuật, sử dụng bao cao su hoặc tiếp xúc với dịch có chứa máu, kể cả đã đeo bao tay cao su bảo vệ.
– Lựa chọn cơ sở uy tín, đảm bảo dụng cụ tiệt trùng khi thực hiện các thủ thuật can thiệp như nha khoa, xăm hình, xỏ khuyên,…
4.2. Phòng ngừa thứ cấp đối với người đã nhiễm vi-rút
Các khuyến cáo của WHO dành do những người đã nhiễm HCV bao gồm:
– Người bệnh cần được tư vấn, giáo dục về các lựa chọn chăm sóc và điều trị.
– Tiêm vắc-xin phòng viêm gan A và viêm gan B nhằm bảo vệ gan khỏi nguy cơ nhiễm trùng từ HAV, HBV.
– Người bị nhiễm viêm gan C cần sàng lọc, chăm sóc và tiến hành điều trị kịp thời. Hãy kiểm tra gan sớm, thường xuyên và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời người bệnh cần chú ý theo dõi để chẩn đoán sớm bệnh viêm gan mạn tính.
– Có chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng; tránh uống rượu; cẩn trọng khi sử dụng các loại thuốc, chất bổ sung hay thảo dược.
Trên đây là các thông tin về viêm gan siêu vi C, gồm con đường lây truyền, triệu chứng, các nguy cơ và cách phòng bệnh. Hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ về bệnh lý này và có cách phòng ngừa hiệu quả.