Viêm gan B là bệnh lý về gan nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời có thể biến chứng xơ gan, ung thư gan dẫn đến tử vong. Điều đáng lo ngại là căn bệnh này có thể lây nhiễm từ nhiều con đường. Vậy viêm gan B lây như thế nào, cách phòng ngừa ra sao?
Menu xem nhanh:
1. Khả năng lây lan của virus gây viêm gan B
Bệnh viêm gan B là bệnh lý được gây ra bởi virus HBV hay còn gọi là siêu vi viêm gan. Đây là loại virus có thể sống ngoài cơ thể hơn 7 ngày. Sau đó chúng sẽ tấn công cơ thể nếu không được tiêm ngừa vacxin viêm gan B. Thông thường, viêm gan B ủ bệnh trong vòng 75 ngày. Tuy nhiên một số trường hợp thời gian ủ bệnh có thể lên đến 60-180 ngày.
Virus viêm gan B có thể được phát hiện sau 30-60 ngày tính từ thời điểm chúng bắt đầu xâm nhập vào cơ thể. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, virus sẽ hoạt động tạo thành bệnh lý viêm gan B cấp tính, sau đó chuyển sang mãn tính. Chúng cũng có thể dễ dàng lây cho người khác qua nhiều đường truyền bệnh viêm gan B.
Với thời gian ủ bệnh kéo dài, các dấu hiệu bệnh khá mờ nhạt nên viêm gan B rất dễ lây sang người lành. Theo WHO, tốc độ truyền nhiễm của viêm gan B cao gấp 100 lần HIV.
2. Viêm gan B lây như thế nào?
Viêm gan B có thể lây nhiễm thông qua 3 con đường sau:
2.1. Viêm gan B lây như thế nào? – Qua đường máu
Một người có thể bị lây nhiễm viêm gan virus HBV qua đường máu khi:
– Tiếp xúc trực tiếp với máu người bệnh thông qua vết thương hở.
– Sử dụng chung bơm kim tiêm.
– Tiếp nhận máu người bị nhiễm HBV.
– Dùng chung vật dụng cá nhân có khả năng lây nhiễm cao như dao cạo, chỉ nha khoa, bàn chải đánh răng,…
2.2. Viêm gan B lây như thế nào? – Quan hệ tình dục
Dịch âm đạo hay tinh dịch là những nơi “cư ngụ” phổ biến của virus viêm gan B. Vì vậy, quan hệ tình dục không an toàn có thể khiến bạn có nguy cơ mắc viêm gan B và các bệnh truyền nhiễm khác.
2.3. Từ mẹ sang con
Trường hợp bệnh viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con thường xảy ra ở giai đoạn chu sinh (bắt đầu từ tuần thai thứ 28 đến ngày thứ 7 sau khi sinh) cho đến những tháng đầu kể từ lúc bé chào đời. Mặc dù vậy, không phải người mẹ nào mắc viêm gan B cũng lây sang con. Điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như:
– Số lượng virus viêm gan B có trong cơ thể mẹ (tính theo ADN) trong ba tháng cuối thai kỳ.
– Nồng độ HBeAg (đoạn kháng nguyên vỏ capsid của HBV) của thai phụ.
Lưu ý: HBV xuất hiện trong tuyến sữa mẹ với hàm lượng rất ít. Vì vậy, trẻ chỉ có thể nhiễm virus này từ mẹ qua đường bú nếu như đầu vú của mẹ có vết thương hở và chảy máu. Vì vậy, nếu xác định bản thân bị bệnh, sản phụ không nên cho con bú nếu như xuất hiện vết thương hở ở đầu vú.
3. Phòng ngừa viêm gan B
Trong tất cả các phương pháp, tiêm vaccine phòng viêm gan B được xem là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trường hợp bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính thì chỉ có thể sử dụng thuốc để kiểm soát tình trạng virus trong cơ thể. Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, cần tiêm vaccine phòng viêm gan B mũi đầu tiên càng sớm càng tốt, đặc biệt là sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu).Các mũi 2, 3 tiếp theo với khoảng thời gian cách nhau tối thiểu là 4 tuần.
Bên cạnh đó, bạn cần phòng tránh viêm gan B bằng những cách sau:
– Quan hệ tình dục thủy chung một vợ một chồng, an toàn, sử dụng bao cao su.
– Khám sức khỏe định kỳ để chắc chắn bạn không bị nhiễm bệnh.
– Trước khi có ý định mang thai cả vợ và chồng cần đi kiểm tra nhằm xác định có nhiễm bệnh không.
– Thai phụ thăm khám định kỳ trong suốt quá trình mang thai để chắc chắn rằng có một thai kỳ khỏe mạnh.
– Khi có vết thương hở, cần băng kín để tránh bị lây nhiễm virus viêm gan B.
– Nói không với việc sử dụng chung bơm kim tiêm.
– Bơm kim tiêm đảm bảo đã được vô trùng trước khi sử dụng.
– Tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, máu, các chất dịch của người khác nếu như không có dụng cụ bảo vệ.
– Không châm cứu, xăm hình, .. tại các cơ sở không uy tín.
– Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác (như bàn chải đánh răng, kìm bấm móng,…)
Kết luận
Như vậy câu trả lời cho câu hỏi “viêm gan B lây như thế nào?” đã được chúng tôi giải đáp. Nhìn chung, bệnh lý này lây qua 3 con đường chính đó là: đường máu, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con. Để phòng ngừa viêm gan B bạn cần tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Đồng thời quan hệ tình dục an toàn, tránh tiếp xúc với những vết thương hở,….