Viêm gan B là gì và phòng tránh bệnh như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan rất phổ biến tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tuy nhiên không ít người vẫn chưa hiểu rõ viêm gan B là gì, lây qua đường nào và phòng tránh ra sao? Các câu hỏi trên về viêm gan B sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.

1. Tổng quan bệnh viêm gan B

1.1. Khái niệm viêm gan B và nguyên nhân gây bệnh

Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng do virus viêm gan B (HBV) tấn công gan, có thể gây viêm gan cấp tính và mạn tính. Đây là bệnh lý về gan rất phổ biến, tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất là ở các nước đang phát triển.

HBV có thể sống được 30 phút ở 100 độ C và có thể sống 20 năm ở nhiệt độ -20 độ C. Chúng có thể tồn tại ít nhất 7 ngày ở môi trường bên ngoài cơ thể. Virus viêm gan B có thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh ở những người chưa tiêm vắc-xin trong thời gian này. HBV ủ bệnh trung bình trong 75 ngày, nhưng có thể dao động trong khoảng 30 – 180 ngày.

Việt Nam là nước có dân số hiện mắc viêm gan B với tỷ lệ cao. Bệnh lý này là nguyên nhân chính gây xơ gan và ung thư gan ở nước ta. Virus lây truyền qua tiếp xúc với máu và các dịch cơ thể khác của người nhiễm bệnh. Ở Việt Nam, đường lây truyền viêm gan B phổ biến nhất là đường từ mẹ sang con.

Viêm gan B có thể phòng ngừa hiệu quả nhờ tiêm vắc-xin với khả năng ngăn ngừa lây nhiễm và các hậu quả mạn tính đạt 95%.

Viêm gan B là gì?

Tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh được Việt Nam triển khai từ năm 2003

1.2. Triệu chứng thường gặp của viêm gan B là gì

Viêm gan B cấp tính

Thời gian ủ bệnh diễn ra trong vòng từ 1 tháng đến 6 tháng. Ở giai đoạn nhiễm trùng cấp tính, hầu hết người bệnh không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên một số trường hợp có thể trải qua các triệu chứng kéo dài vài tuần, bao gồm:

– Mệt mỏi, sốt;

Đau bụng vùng hạ sườn phải;

– Buồn nôn và nôn;

– Vàng da và mắt (còn gọi là bệnh vàng da): 1 tuần sau khi nhiễm HBV và có thể kéo dài đến 1-3 tháng;

– Nước tiểu đậm màu.

– Người bệnh có thể cảm thấy buồn ngủ, đãng trí, lơ mơ và sờ thấy gan to trong trường hợp diễn tiến nặng.

– Lòng bàn tay son và dấu sao mạch trên da là những triệu chứng hiếm gặp của bệnh.

Viêm gan mạn tính

Tương tự như thể cấp tính, phần lớn người bệnh viêm gan B mạn tính không có triệu chứng gì. Một số trường hợp nặng có thể có các triệu chứng của viêm gan cấp như: chán ăn, mệt mỏi, đau bụng. Các biểu hiện lâm sàng khác có thể gặp của bệnh gồm: gan to; dấu sao mạch, lòng bàn tay son.

Viêm gan B mạn tính lâu ngày dẫn đến xơ gan có thể gây ra các triệu chứng:

– Báng bụng;

– Vàng da;

– Xuất huyết tĩnh mạch thực quản – dạ dày;

– Tăng áp lực tĩnh mạch cửa làm xuất hiện tuần hoàn bàng hệ cửa – chủ (tĩnh mạch lớn nổi gồ trên da và tỏa ra từ rốn).

– Nữ hóa tuyến vú ở nam giới, teo nhỏ tinh hoàn do suy gan làm rối loạn nồng độ hormone giới tính trong cơ thể.

2. Đường lây truyền bệnh viêm gan B là gì?

Tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch khác của cơ thể người nhiễm HBV có thể làm lây truyền virus. 3 con đường lây nhiễm chính của viêm gan B gồm: đường từ mẹ sang con, đường máu và đường tình dục.

2.1. Đường lây viêm gan B từ mẹ sang con

Đây là cách thức lây nhiễm phổ biến và quan trọng của viêm gan B, đặc biệt tại Việt Nam. Sự lây truyền virus phần lớn xảy ra trong giai đoạn chu sinh hoặc những tháng đầu sau sinh, không lây qua nhau thai.

Nồng độ virus (HBV-DNA) và tình trạng HBeAg của mẹ vào 3 tháng cuối thai kỳ sẽ quyết định mức độ lây nhiễm viêm gan B. Nồng độ HBV-DNA của mẹ càng cao kết hợp HBeAg (+) thì khả năng lây truyền virus cho con càng cao.

Người mẹ có HBsAg thì tỷ lệ lây truyền viêm gan B cho con khoảng 20%. Tỷ lệ lây truyền là khoảng 90% nếu người mẹ có HBcAg. Trong khi đó, nếu mẹ có HBeAg khi lây truyền cho con thì trẻ có nguy cơ cao mắc viêm gan mạn tính. Tuy nhiên, các biện pháp dự phòng sau sinh như tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh có thể giúp ngăn chặn sự lây truyền HBV từ mẹ sang con.

Trong sữa mẹ có chứa virus viêm gan B với nồng độ rất thấp nên hầu như không có khả năng lây truyền. Việc lây nhiễm HBV chỉ có nguy cơ xảy ra khi vú mẹ có vết trầy xước, chảy máu.

Đường lây truyền viêm gan B là gì?

Tại Việt Nam, con đường lây truyền chính của viêm gan B là lây truyền từ mẹ sang con

2.2. Lây truyền viêm gan B qua đường máu là gì?

Nếu các vết xước, vết thương hở trên da hoặc niêm mạc tiếp xúc với máu của người nhiễm HBV thì khả năng nhiễm virus sẽ rất cao. HBV cũng được tìm thấy trong các dịch cơ thể khác như: tinh dịch, âm đạo, nước bọt, mồ hôi, nước tiểu, dịch mật, phân,… Do đó khả năng lây nhiễm có thể xảy ra khi da hoặc niêm mạc tổn thương tiếp xúc với các dịch này. Tuy nhiên tỷ lệ lây truyền trong trường hợp này rất thấp.

Việc lây truyền cũng có thể xảy ra thông qua việc dùng chung bơm kim tiêm, các dụng cụ thực hiện thủ thuật (nha khoa, xăm hình, xỏ khuyên,…) không đảm bảo khử khuẩn, dụng cụ sinh hoạt cá nhân (bàn chải đánh răng, bấm móng, dao cạo râu,…) có dính máu và dịch tiết của người bệnh.

2.3. Viêm gan B lây qua đường tình dục

Quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc dùng chung dụng cụ tình dục với người nhiễm viêm gan B có thể làm lây nhiễm HBV. Virus trong dịch tiết của người bệnh sẽ xâm nhập vào cơ thể người lành qua các vết xước nhỏ.

Hình thức lây truyền này đặc biệt phổ biến ở những người đàn ông không tiêm vaccine phòng bệnh có quan hệ tình dục đồng giới với nhiều bạn tình hoặc tiếp xúc với gái mại dâ.

3. Ai có có nguy cơ mắc viêm gan B?

Từ con đường lây nhiễm của bệnh, có thể rút ra những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh bao gồm:

– Người thường xuyên phải truyền máu hoặc các sản phẩm máu, người được ghép tạng, bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong thời gian dài.

– Người tiêm chích ma túy.

– Người sống trong các nhà tù.

– Người có tiếp xúc gần gũi (trong gia đình) hoặc có quan hệ tình dục với người nhiễm viêm gan B.

– Người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ.

– Những người thường xuyên tiếp xúc với máu và các sản phẩm máu như: nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc sức khỏe, nhân viên phòng thí nghiệm,…

4. Phòng ngừa bệnh viêm gan B

4.1. Tiêm vaccine phòng viêm gan B

Biện pháp chính và hiệu quả nhất để ngăn ngừa viêm gan B là tiêm vaccine phòng bệnh. Liều vaccine đầu tiên cần được tiêm càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ sau sinh. Các mũi tiếp theo sẽ tiêm ở tháng tuổi thứ 2, 3 và 4 theo phác đồ tiêm chủng.

Vaccine viêm gan B tạo ra kháng thể bảo vệ chống lại HBV ở 95% trẻ em và thanh niên. Hiệu quả bảo vệ của vaccine có thể kéo dài ít nhất 20 năm đến suốt đời nếu nồng độ kháng thể được tạo ra sau tiêm lớn hơn 1000 IU/L.

Tất cả những người chưa có kháng thể chống virus viêm gan B (Anti-HBs) đều cần tiêm vaccine phòng bệnh. Ở quốc gia có tỷ lệ lưu hành HBV cao như Việt Nam, việc tiêm vaccine càng thêm cần thiết. Những đối tượng có nguy cơ cao kể trên cần đặc biệt chú ý tiêm vaccine phòng HBV.

Cách phòng tránh viêm gan B là gì?

WHO khuyến cáo mũi đầu tiên của vaccine phòng HBV cần được tiêm càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ sau sinh

4.2. Các biện pháp khác để phòng ngừa viêm gan B

Bên cạnh tiêm vaccine, bạn cũng cần lưu ý những yếu tố sau để phòng bệnh hiệu quả:

– Có chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau củ quả, hạn chế dầu mỡ, giảm muối trong chế độ ăn; hạn chế uống rượu bia.

– Cẩn trọng khi sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng, sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, không dùng thuốc không rõ nguồn gốc.

– Sát trùng cẩn thận và băng kín vết thương hở, trầy xước, chảy máu.

– Sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục, quan hệ tình dục thủy chung, an toàn.

– Không dùng chung bơm kim tiêm và các vật dụng có thể dính máu của người khác (dao cạo râu, bàn chải đánh răng,…).

– Thực hiện các thủ thuật y tế và thẩm mỹ tại cơ sở y tín với các dụng cụ được đảm bảo tiệt trùng.

Bài viết đã nêu rõ viêm gan B là gì, các triệu chứng, đường lây truyền và cách phòng bệnh. Hãy tiêm vaccine phòng bệnh và tham khảo thực hiện các biện pháp trên đây để phòng tránh bệnh lý về gan nguy hiểm này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital