Không chỉ gây tổn thương nguyên phát, vi khuẩn bạch hầu còn tiết ra độc tố nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Thực chất nguồn gốc khuẩn bạch hầu là gì? Đặc điểm sinh tồn, con đường lây nhiễm, cơ chế gây bệnh của nó ra sao? Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin giúp bạn có cái nhìn tổng quan về loại khuẩn hại có lịch sử rất lâu năm này.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về vi khuẩn bạch hầu
1.1. Nguồn gốc của vi khuẩn bạch hầu
Vi khuẩn bạch hầu là tác nhân chính gây ra bệnh bạch hầu – căn bệnh được nhắc đến từ rất lâu đời. Vào năm 1883, bằng việc lấy mẫu từ lớp giả mạc của người bệnh, các nhà khoa học đã tìm ra chúng và đem nuôi cấy, phân tích.
Theo đó, khuẩn bạch hầu thuộc họ Corynebacteriaceae. Họ này gồm nhiều giống như Listeria, Erysipelothrix và Corynebacterium… Chúng ký sinh trong các loại súc vật, đất và người. Chỉ một số ít giống có khả năng gây bệnh ở người, điển hình là Corynebacterium diphtheriae. Chúng nhiễm một thực thể khuẩn mang gen tạo độc tố, chất độc mà nó tiết ra gây nên bệnh bạch hầu.
Người nhiễm bệnh bạch hầu phần lớn là trẻ dưới 10 tuổi, trong đó, bệnh này đặc biệt nguy hiểm với các bé dưới 5 tuổi. Tỉ lệ tử vong do nhiễm khuẩn bạch hầu khá cao, có thể lên đến 10% ở các nước đang phát triển. Căn bệnh này từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của toàn thế giới hàng nghìn năm trước khi có vacxin (năm 1920).
Tại Việt Nam, bệnh thường bùng phát vào khoảng tháng 8, 9, 10 hàng năm cho đến khoảng năm 2000. Sau đó, nhờ chiến dịch tiêm chủng vacxin bạch hầu, tỷ lệ người mắc đã giảm mạnh. Cho đến những ngày gần đây, bệnh lại xuất hiện trở lại với trường hợp nữ sinh tử vong ở Nghệ An, có tiếp xúc và lây bệnh cho nữ sinh khác đang sinh sống ở Bắc Giang.
1.2. Đặc điểm sinh tồn
Corynebacterium diphtheriae ký sinh ở cả ngoài môi trường và bên trong cơ thể người. Các nhà khoa học phát hiện vi khuẩn này rất hiếu khí và có khả năng phát triển mạnh ở môi trường có máu, huyết thanh.
– Loại khuẩn này có khả năng chịu được khô lạnh. Nếu được bảo vệ bởi lớp chất nhầy, chúng dễ dàng tồn tại trên đồ vật từ vài ngày đến vài tuần. Cụ thể, nếu bám trên vải, nó có khả năng sống 30 ngày, còn ở trong sữa, nước uống, nó sống được tối đa 20 ngày. Trên tử thi, vi khuẩn này tồn tại được khoảng 2 tuần.
– Khuẩn bạch hầu thường chết sau vài giờ nếu ở dưới ánh sáng trực tiếp, còn dưới ánh sáng khuếch tán, nó bị tiêu diệt sau vài ngày.
– Đặc biệt, tuy phát triển mạnh ở điều kiện lạnh nhưng ở nhiệt độ 58 độ C, khuẩn này vẫn có khả năng sống tới 10 phút. Còn trong môi trường cồn 60 độ và phenol 1%, chúng bỉ hủy diệt chỉ sau 1 phút.
2. Hình thái, kiểu gen của vi khuẩn bạch hầu
Quan sát dưới kính hiển vi, khuẩn bạch hầu được xác định là loại trực khuẩn. Đặc trưng hình thái của nó là có 1 hoặc 2 đầu phình to, kiểu hình tương tự như chữ Y, X, V, H nền còn được gọi là trực khuẩn hình chùy. Về kích thước, khuẩn bạch hầu có chiều dài từ 2 – 6 μm, chiều rộng khoảng 0,5 – 1μm. Khuẩn này không có vỏ, không di động và không sinh nha bào.
Gen khuẩn bạch hầu có 3 dạng phổ biến như sau:
– Gen Mitis: Đây là loại gen phổ biến nhất, được tìm thấy ở đa số mẫu bệnh phẩm. Nó được xác định bởi sự có mặt của gen mecrA kiểu Mitis.
– Gen Gravis: Vi khuẩn bạch hầu mang gen này thường gây bệnh nghiêm trọng, biểu hiện lâm sàng nặng hơn các kiểu gen khác. Nó được xác định khi có gen mecrA kiểu Gravis.
– Gen Intermedius: Đây là gen trung gian, có khả năng kết hợp đặc điểm các kiểu gen khác nhau.
Ngoài ra còn nhiều kiểu gen khác nữa đã được xác định bằng phương pháp phân tích phân tử di truyền.
3. Con đường lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu và cơ chế gây bệnh
3.1. Con đường lây nhiễm
Con đường lây nhiễm chính và nhanh nhất la đường hô hấp. Khi tiếp xúc gần với bệnh nhân đã nhiễm vi khuẩn bạch hầu, bạn có thể vô tình hít phải giọt bắn từ dịch bài tiết đường hô hấp mà người đó làm bắn ra môi trường khi hắt hơi, trò chuyện.
Bên cạnh đó, vì khuẩn bạch hầu có khả năng tồn tại ngoài môi trường nên các đồ dùng cá nhân của người bệnh cũng có thể chứa Corynebacterium diphtheriae. Nếu bạn chạm vào dịch bài tiết trên đồ dùng cá nhân rồi đưa tay lên miệng, bạn có nguy cơ nhiễm khuẩn.
Một trường hợp khác, khi người bệnh có tổn thương loét da, tại vị trí đó cũng có sự hiện diện của khuẩn bạch hầu. Việc tiếp xúc trực tiếp với da người bệnh rồi đưa tay lên mặt có thể khiến bạn lây nhiễm.
3.2. Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae
Khi khuẩn bạch hầu tấn công vào đường hô hấp, nó sinh sống trên niêm mạc hầu, họng. Chúng tiết ra độc tố, làm loét tại chỗ, hình thành nên lớp giả mạc màu trắng xám, bám chặt vào niêm mạc họng, sau đó có thể lan lên mũi, đi xuống khí quản.
Một mặt, nó cản trở đường thở của người bệnh, một mặt khác, ngoại độc tố nó tiết ra đi theo đường máu, tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây liệt cơ miệng, liệt tứ chi. Độc tố này cũng gây rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, suy tim và làm tổn thương tuyến thượng thận.
Bên cạnh đó, chất độc mà khuẩn bạch hầu tiết ra còn có khả năng phân giải protein, di căn trên các hệ cơ quan, làm tổn thương da và nhiễm trùng nặng. Bản chất ngoại độc tố mà khuẩn bạch hầu tiết ra là protein có kháng nguyên đặc hiệu, độc tính cao nhưng không chịu được nhiệt độ và formol. Đa phần ngoại độc tố của các loại khuẩn bạch hầu đều giống nhau, nó mất độc lực khi xử lý bằng nhiệt độ.
4. Hướng dẫn cách ngừa nhiễm vi khuẩn bạch hầu
Các tổ chức Y tế thế giới và chuyên gia hàng đầu cho biết, vacxin phòng bệnh bạch hầu cho hiệu quả trên 95%, được tích hợp trong các loại vacxin 3 trong 1, 4 trong 1, 6 trong 1.
Tại phòng tiêm chủng TCI hiện có đầy đủ các loại vacxin bạch hầu cho mọi đối tượng, được nhập khẩu chính hãng, bảo quản nghiêm ngặt và chích ngừa đúng quy trình của Bộ Y tế. Trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên và người lớn có thể đến tiêm chủng tại đây từ 7 giờ đến 17 giờ các ngày từ thứ 2 đến chủ nhật.
Ngoài ra, để ngăn chặn vi khuẩn bạch hầu phát triển, lây lan, cần chú ý:
– Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế khám điều trị, cách ly riêng, che miệng khi hắt hơi, đeo khẩu trang khi trò chuyện.
– Thường xuyên vệ sinh nơi ở sạch sẽ, khử trùng hàng ngày nếu có người mắc bệnh cư trú.
– Vệ sinh tay sạch sẽ với nước diệt khuẩn, đặc biệt trước khi ăn và sau khi tiếp xúc gần với người bệnh.
– Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, vùng có dịch.
– Thực hiện ăn chín, uống sôi, bổ sung dưỡng chất tăng cường miễn dịch…
Vi khuẩn bạch hầu là trực khuẩn tồn tại cả trong tự nhiên và cơ thể người. Khuẩn này nếu nhiễm độc tố sẽ có độc tính cực mạnh, có thể gây bệnh bạch hầu, kèm theo biến chứng, thậm chí làm tử vong. Tuy nhiên, chúng dễ dàng bị tiêu diệt bởi các tác nhân lý, hóa. Tiêm phòng bạch hầu là cách tốt nhất để loại bỏ nguy cơ nhiễm khuẩn.