Vacxin 5 trong 1 và 6 trong 1 đều là những loại vacxin phối hợp quan trọng giúp phòng các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng gây tử vong cao ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên khác với vacxin 6 trong 1, vacxin 5 trong 1 chỉ ngừa được 5 bệnh lý truyền nhiễm. Cùng tìm hiểu rõ hơn về sự giống và khác nhau của 2 loại vắc xin này qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tầm quan trọng của tiêm chủng
Bản chất việc tiêm chủng là đưa vacxin – một chế phẩm có tính kháng nguyên vào cơ thể để kích thích sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu giúp chống lại một bệnh lý truyền nhiễm nào đó. Khi đó, kháng thể sẽ có hai nhiệm vụ. Đầu tiên là tiêu diệt virus, vi khuẩn, thứ hai là tồn tại trong máu một thời gian dài để bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
Cho đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vacxin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia cùng vùng lãnh thổ đưa vacxin vào sử dụng phổ cập cho người dân. Tiêm chủng có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội, khoảng 95% người được tiêm chủng sẽ sản sinh miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, tránh được nguy cơ đối mặt với các biến chứng, di chứng nguy hiểm. Nhờ vacxin, hàng năm trên thế giới đã cứu sống khoảng 2.5 triệu trẻ khỏi nguy cơ tử vong do bệnh truyền nhiễm. Vacxin và tiêm chủng góp phần quan trọng giúp đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỉ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi.
2. Điểm giống và khác nhau giữa vacxin 5 trong 1 và 6 trong 1
2.1. Điểm giống nhau giữa vacxin 5 trong 1 và 6 trong 1
Về cơ bản, vacxin 5 trong 1 cũng như 6 trong 1 đều là những loại vacxin phối hợp quan trọng giúp phòng các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm hiện nay, có khả năng gây tử vong cao thường gặp ở trẻ nhỏ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, 6 bệnh lý nguy hiểm đối với trẻ nhỏ là bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra. Những căn bệnh này không chỉ dễ mắc phải khi trẻ đang ở những tháng đầu đời mà còn để lại những hậu quả, di chứng sức khỏe vô cùng nặng nề và tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, 2 loại vacxin trên được nghiên cứu và phát triển với một mục đích chung là đề phòng bệnh, giảm thiểu tỉ lệ mắc và số ca tử vong do bệnh gây ra.
2.2. Điểm khác nhau giữa vacxin 5 trong 1 và 6 trong 1
Vacxin 6 trong 1
Vacxin 6 trong 1 là loại vacxin phối hợp phòng được nhiều bệnh lý trong một mũi tiêm, bao gồm 6 bệnh là bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra. Hiện nay tại các cơ sở cung cấp dịch vụ tiêm chủng dịch vụ đang lưu hành 2 loại vacxin 6 trong 1 là Infanrix Hexa của Bỉ và Hexaxim của Pháp.
Vacxin 5 trong 1
Khác với vacxin 6 trong 1, vacxin 5 trong 1 chỉ ngừa được 5 bệnh lý truyền nhiễm. Hiện nay trên thị trường đang lưu hành 2 loại vacxin 5 trong 1 là Pentaxim và ComBE Five.
– Vacxin Pentaxim sản xuất tại Pháp và Canada bởi công ty Sanofi Pasteur được sử dụng tại các cơ sở cung cấp dịch vụ tiêm chủng dịch vụ có khả năng phòng 5 bệnh gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và viêm phổi – viêm màng não do vi khuẩn Hib.
– Vacxin ComBE Five được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng có khả năng phòng 5 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra.
Khi trẻ đến độ tuổi tiêm phòng, việc lựa chọn sử dụng vacxin 5 trong 1 hay 6 trong 1 là tùy vào nhu cầu và kinh tế của phụ huynh. Tuy nhiên nếu tiêm vacxin 6 trong 1, trẻ có thể ngừa đủ 6 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà không cần tiêm bổ sung, còn đối với vacxin 5 trong 1, phụ huynh cần bổ sung mũi tiêm phòng viêm gan B cho trẻ tiêm Pentaxim hoặc mũi tiêm bại liệt cho trẻ tiêm ComBE Five.
3. Lịch tiêm vacxin 5 trong 1, 6 trong 1 và lưu ý sau tiêm
3.1. Lịch tiêm vacxin
Vacxin 6 trong 1
Cả 2 loại vacxin Infanrix Hexa và Hexaxim đều có số mũi tiêm gồm 3 mũi chính và 1 mũi nhắc lại, cụ thể phác đồ được khuyến cáo như sau:
– Mũi đầu: Tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.
– Mũi 2 và 3: Tiêm khi trẻ lần lượt 3 và 4 tháng tuổi.
– Mũi 4: Mũi nhắc lại tiêm sau ít nhất 1 năm.
Vacxin 5 trong 1
Đối với mỗi loại vacxin 5 trong 1 sẽ có lịch tiêm khác nhau nhưng không quá chênh lệch. Cụ thể lịch tiêm chủng của vacxin Pentaxim là:
– Mũi đầu: Tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.
– Mũi 2 và 3: Tiêm khi trẻ lần lượt 3 và 4 tháng tuổi.
– Mũi 4: Mũi nhắc lại tiêm khi trẻ được 16 – 18 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, lịch tiêm vacxin ComBE Five chỉ gồm 3 mũi chính và 1 mũi nhắc lại:
– Mũi đầu: Tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.
– Mũi 2 và 3: Tiêm khi trẻ lần lượt 3 và 4 tháng tuổi.
– Mũi 4: Mũi nhắc lại tiêm khi trẻ được 12 – 18 tháng tuổi.
3.2. Lưu ý sau tiêm
Sau khi tiêm chủng, trẻ cần ở lại điểm tiêm và theo dõi sức khỏe trong vòng 30 phút. Khi được đưa về nhà, phụ huynh vẫn cần chú ý theo dõi sức khỏe trẻ liên tục ngay cả khi trẻ ngủ trong ít nhất 24 tiếng.
Trước khi được đưa vào sử dụng, tất cả các loại vacxin đều đã được kiểm định về tính an toàn cũng như đạt các yêu cầu từ Bộ Y tế. Tuy nhiên theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, không có vacxin nào đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các phản ứng sau khi tiêm vacxin 5 trong 1 hay 6 trong 1 cho trẻ có thể diễn biến từ nhẹ, vừa cho đến nặng. Phản ứng cũng có thể xảy ra toàn thân hoặc chỉ xảy ra tại vị trí tiêm. Một số phản ứng thông thường sau khi tiêm bao gồm:
– Sốt nhẹ.
– Sưng đỏ, đau tại nơi tiêm.
– Trẻ quấy khóc, bỏ bú, mệt.
Những phản ứng trên là hoàn toàn bình thường, có thể tự khỏi sau vài giờ và không cần điều trị. Tuy nhiên nếu trẻ có các biểu hiện bất thường dưới đây, phụ huynh cần ngay lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín gần nhất để được thăm khám, xử lý kịp thời:
– Khó thở.
– Tím tái.
– Phát ban.
– Sốt cao.
– Co giật.
– Khóc thét.
– Li bì.
– Vị trí tiêm sưng đỏ và lan rộng.
Trên đây là những điểm giống và khác của hai loại vacxin 5 trong 1 và vacxin 6 trong 1. Hi vọng thông tin trên đã phần nào giúp bạn hiểu hơn về hai loại vacxin này cũng như có cơ sở để lựa chọn loại vacxin phù hợp cho trẻ. Nếu bạn còn thắc mắc về tiêm chủng cho trẻ, hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được đội ngũ chuyên gia tư vấn và giải đáp.