Ưu và nhược điểm các phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Xét nghiệm vi khuẩn HP có thể được thực hiện theo nhiều phương pháp bao gồm: Nội soi dạ dày, test hơi thở, phân tích mẫu phân, xét nghiệm máu. Mỗi phương pháp sẽ thể hiện những ưu nhược điểm riêng và phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

1. Vì sao cần xét nghiệm vi khuẩn HP

1.1. Mục đích xét nghiệm vi khuẩn HP

Thực hiện xét nghiệm vi khuẩn HP là việc làm quan trọng và cần thiết trong các trường hợp sau đây:

– Trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn HP hoặc kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện có hay không vi khuẩn Helicobacter Pylori trong dạ dày hoặc ruột non (tá tràng).

– Xét nghiệm HP nhằm đánh giá hiệu quả điều trị tiêu diệt vi khuẩn HP sau mỗi liệu trình kháng sinh. Từ đó, giúp bác sĩ quyết định về việc điều trị sẽ được thực hiện tiếp theo như thế nào.

Mục đích xét nghiệm vi khuẩn HP dạ dày

Xét nghiệm tìm HP là chẩn đoán quan trọng cần thực hiện.

1.2. Những ai cần thực hiện xét nghiệm HP

Vi khuẩn HP có tỷ lệ lây nhiễm rất cao trong cộng đồng. Các ca bệnh đều xuất phát từ việc vô tình lây nhiễm mà chính người bệnh cũng không thể biết được. Chính vì vậy, hãy chủ động thăm khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín để tiến hành xét nghiệm tìm HP trong các trường hợp sau đây:

– Người gặp phải các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa như: đau bụng, đau bụng thượng vị, ợ chua, khó tiêu, cảm giác buồn nôn và nôn, rối loạn phân,…

– Người bị chán ăn, ăn không ngon, không muốn ăn, ăn vào khó tiêu.

– Người bệnh có tiền sử bị viêm loét dạ dày tá tràng, đã từng điều trị ung thư dạ dày sớm qua nội soi hoặc cắt polyp.

– Người bệnh bị thiếu máu, thiếu sắt không rõ nguyên nhân hoặc có dấu hiệu bị xuất huyết giảm tiểu cầu.

– Người bệnh có tiền sử thành viên trong gia đình bị ung thư dạ dày.

– Người sử dụng nhóm các thuốc Aspirin hoặc NSAID liên tục trong thời gian dài.

2. Tìm hiểu ưu – nhược điểm các phương pháp chẩn đoán HP dương tính

Hiện nay có 4 phương pháp xét nghiệm tìm HP thông dụng nhất bao gồm: nội soi dạ dày xét nghiệm máu, test hơi thở, phân tích mẫu phân. Ở mỗi phương pháp kể trên đều có ưu và nhược điểm riêng như sau.

2.1. Nội soi dạ dày

Bác sĩ đưa một ống mềm nội soi nhỏ có gắn camera bắt đầu từ miệng đi qua ống thực quản và vào tới dạ dày. Nhờ vậy bác sĩ có thể quan sát trực tiếp được hình thái tổn thương của dạ dày. Sau đó, sử dụng một thiết bị chuyên dụng để lấy một mảnh sinh thiết tại vị trí bị tổn thương để làm xét nghiệm nhằm phát hiện có hay không hoạt động của vi khuẩn HP ở dạ dày.

– Ưu điểm: Đây là phương pháp tiêu chuẩn trong chẩn đoán nhiễm khuẩn HP. Đồng thời, thông qua nội soi còn giúp đánh giá được mức độ và vị trí tổn thương hay các bệnh lý trong dạ dày có liên quan đến vi khuẩn HP để từ đó đưa ra được phác đồ điều trị bệnh phù hợp nhất.

– Nhược điểm: Khi thực hiện can thiệp nội soi, người bệnh sẽ cần thăm dò thêm nhiều các xét nghiệm khác như: nhịn ăn, xét nghiệm máu chảy, xét nghiệm đông máu cơ bản,…

Nội soi chẩn đoán HP dương tính

Nội soi dạ dày là phương pháp tiêu chuẩn trong chẩn đoán HP dương tính.

2.2. Xét nghiệm vi khuẩn HP thông qua hơi thở

Xét nghiệm HP qua hơi thở bao gồm 2 dạng là xét nghiệm hơi thở H.Pylori C13 và xét nghiệm hơi thở H.Pylori C14.

Để thực hiện việc xét nghiệm này, người bệnh sẽ cần nuốt uống 1 viên thuốc có chứa urê được bác sĩ chỉ định. Sau khoảng 15 phút, người bệnh thổi hơi thở vào một dụng cụ chuyên dụng và thực hiện theo đúng hướng dẫn, thổi từ 5-10 phút. Kết quả test hơi thở sẽ có sau khoảng 3-5 phút.

Ưu điểm: Xét nghiệm HP bằng test hơi thở ure không can thiệp, không xâm lấn, thực hiện dễ dàng, cho kết quả rất nhanh với độ chính xác cao, an toàn và phù hợp với mọi đối tượng kể cả trẻ em. Đặc biệt áp dụng cả với những trường hợp đã từng điều trị HP và cần đánh giá hiệu quả điều trị HP.

Nhược điểm: Phương pháp test HP qua hơi thở có chi phí khá cao.

2.3. Xét nghiệm máu

Khi có sự xuất hiện của vi khuẩn HP ký sinh, cơ thể sẽ đáp ứng miễn dịch bằng cách sản sinh kháng thể đặc hiệu với HP. Xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện ra loại kháng thể này để kết luận có hay không vi khuẩn HP đang hoạt động.

Ưu điểm: Xét nghiệm HP trong máu có thể được thực hiện đồng thời với các xét nghiệm sàng lọc khác và có thể được áp dụng ở hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước.

Nhược điểm: Xét nghiệm HP không phải phương pháp được ưu tiên vì thường cho kết quả dương tính giả. Nguyên nhân là các trường hợp người bệnh đã điều trị khỏi bệnh nhưng kháng thể lưu trữ vẫn còn thì kết quả xét nghiệm máu vẫn sẽ là dương tính. Không chỉ vậy, xét nghiệm máu chưa thể đánh giá chính xác vi khuẩn HP có ở dạ dày hay không vì HP vẫn có thể tồn tại trong khoang miệng, xoang,… nhưng lại không gây bệnh.

Xét nghiệm máu tìm HP

Xét nghiệm máu tìm vi khuẩn HP có thể cho kết quả dương tính ảo.

2.4. Phân tích mẫu phân

Vi khuẩn HP được đào thải từ dạ dày ra ngoài qua phân thông qua hoạt động tiêu hóa. Hiện nay, xét nghiệm tìm HP trong phân thường được thực hiện theo 2 phương pháp là test nhanh tìm kháng nguyên HP bằng phương pháp sắc ký miễn dịch và phản ứng miễn dịch huỳnh quang.

Ưu điểm: Xét nghiệm HP trong phân có giá thành rẻ, cho kết quả có độ chính xác rất cao.

Nhược điểm: Xét nghiệm phân khá mất thời gian. Đồng thời, ở khâu lấy bệnh phẩm phân cần thực hiện đúng quy trình và có liên quan đến vấn đề tế nhị đối với cả kỹ thuật viên cũng như người bệnh.

Mỗi một phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP sẽ có những ưu và nhược điểm riêng. Trên hết, người bệnh cần tiến hành thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để được bác sĩ đánh giá chi tiết và chỉ định phương pháp xét nghiệm phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital