Ung thư tuyến tụy giai đoạn 4 là thời điểm các tế bào ung thư đã lan sang các mô lân cận và có ảnh hưởng xấu tới các cơ quan khác trong cơ thể. Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tụy đều phát hiện ở giai đoạn muộn. Điều này nhiều người không khỏi băn khoăn về hiệu quả điều trị ở giai đoạn cuối và thời gian sống được là bao lâu?
Menu xem nhanh:
1. Ung thư tuyến tụy giai đoạn 4 là gì?
Khi các tế bào ác tính phát triển, phân chia và lây lan trong các mô tuyến tụy thì đây là thời điểm ung thư tụy xảy ra. Vì tụy nằm ở sát dạ dày, gan và ruột nên dạng ung thư này rất khó phát hiện và có tỷ lệ tử vong cao. Ung thư tuyến tụy chia thành 4 giai đoạn, gồm:
– Giai đoạn 1: Xuất hiện khối u khoảng <2cm trong tuyến tụy, triệu chứng lúc này còn mơ hồ, khó phát hiện.
– Giai đoạn 2: Khối u phát triển kích thước lớn hơn, xâm lấn đến các mô lân cận tuyến tụy nhưng chưa ảnh hưởng đến mạch máu và tế bào ung thư có thể hiện diện các hạch bạch huyết xung quanh.
– Giai đoạn 3: Kích thước khối u lớn đạt tới 6cm, đã có sự xâm lấn đến các mạch máu và di căn tới nhiều hạch bạch huyết cũng như các cơ quan lân cận.
– Giai đoạn 4: Di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể như: gan, phổi,…
Với riêng giai đoạn 4 (hay còn gọi là giai đoạn cuối), bệnh được đánh giá ở mức độ nặng và nghiêm trọng. Lúc này, các tế bào ung thư có thể lan tới những bộ phận xa hơn và được nhận định là giai đoạn ung thư tuyến tụy di căn. Các cơ quan mà ung thư tuyến tụy di căn điển hình có gan, phổi, xương, lớp niêm mạc ruột/bụng,…
Khi phát hiện ung thư tuyến tụy giai đoạn 4, thời gian sống của người bệnh thường dưới 1 năm. Tùy vào nhiều yếu tố như độ tuổi, mức độ đáp ứng điều trị, ý chí sống của bệnh nhân,…mà thời gian sống sẽ dài ngắn khác nhau.
2. Dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối
Với tỷ lệ tử vong lên tới 95%, khó phát hiện sớm nên ung thư tuyến tụy là “sát thủ thầm lặng” đối với sức khỏe con người. Các triệu chứng sớm của bệnh nếu không được để ý, quan tâm và can thiệp kiểm tra kịp thời sẽ là cơ hội bệnh tiến triển âm thầm và nhanh chóng. Tuy giai đoạn đầu các triệu chứng còn mơ hồ, dễ nhầm lẫn nhưng khi bệnh bước vào giai đoạn cuối thì ngày càng trở nên rõ rệt hơn:
– Vàng da và mắt: do sự tích tụ của bilirubin gây ra – một chất có màu vàng nâu sẫm có trong gan. Thông thường, gan tiết mật bilirubin đi qua ống chung vào ruột. Nếu trường hợp mật không thể tới ruột do tắc nghẽn ống mạch chủ thì lượng bilirubin sẽ tích tụ và gây nên hiện tượng vàng da, mắt.
– Nước tiểu có màu sẫm rõ rệt do nồng độ bilirubin trong máu tăng cao. Phân cũng có sắc độ sáng hơn và nhờn.
– Đau nhức vùng lưng và bụng với mức độ nặng, kéo dài: khối u ác tính ở phần thân và đuôi tụy phát triển lớn sẽ chèn ép các cơ quan lân cận và gây đau. Ung thư tụy khi bước vào giai đoạn 4 cũng là lúc di căn đến dây thần kinh xung quanh nên gây đau lưng và bụng.
– Giảm cân nhanh chóng, mất cảm giác thèm ăn: vì các khối u đã chèn ép dạ dày khiến cho thức ăn khó đi qua. Điều này sinh ra cảm giác buồn nôn, đau bụng và dễ chán ăn. Qua thời gian, cân nặng sụt giảm nhanh, gây suy nhược cơ thể.
3. Tùy chọn cách điều trị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối
3.1. Điều trị ung thư tuyến tụy giai đoạn 4
Vậy khi phát hiện ung thư tuyến tụy giai đoạn di căn thì có điều trị được không? Khi ung thư đã bước vào giai đoạn di căn thì không còn khả năng chữa trị triệt để. Tuy nhiên, vẫn có một số phương thức điều trị giúp làm chậm sự phát triển khối u, thu nhỏ khối u, giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài sự sống cho người bệnh.
Ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau. Dựa vào kết quả kiểm tra và chẩn đoán tình trạng di căn của khối u, đồng thời căn cứ vào các yếu tố như độ tuổi, giới tính, mức độ đáp ứng điều trị mà phác đồ điều trị được vạch ra phù hợp.
3.2. Làm thế nào để phòng ngừa ung thư tuyến tụy giai đoạn 4
Tâm lý chung của người bệnh khi phát hiện ung thư tụy giai đoạn muộn thường là sợ hãi, lo lắng quá mức, dễ buông xuôi vì thời gian sống không còn nhiều. Vì vậy, để phòng ngừa ung thư tụy giai đoạn 4, người bệnh nên quan tâm tới sức khỏe bằng cách kiểm tra, tầm soát ung thư ngay từ sớm. Nhờ đó sẽ phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường trong cơ thể, phát hiện mầm mống ung thư ngay từ giai đoạn khởi phát. Đặc biệt, việc điều trị ở giai đoạn đầu mang lại hiệu quả cao, triệt để và ngăn nguy cơ tái phát sau này.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thay đổi chế độ dinh dưỡng hàng ngày, thiết lập lối sống khoa học và duy trì những thói quen tốt cho sức khỏe. Luôn giữ cho bản thân một tinh thần sảng khoái, thư thái và tích cực cũng là cách ngăn ngừa căn bệnh ung thư tụy tìm đến.
Trên đây là những thông tin cần thiết về ung thư tuyến tụy giai đoạn 4. Hi vọng bài viết này đã bổ sung thêm những kiến thức bổ ích để phòng ngừa và điều trị ung thư tụy một cách hiệu quả nhất.