Ung thư dạ dày sống được bao lâu, ung thư dạ dày có chữa được khỏi không… là những câu hỏi mà người bệnh dành nhiều sự quan tâm. Hiểu được tỷ lệ sống sót sau khi mắc ung thư dạ dày phụ thuộc vào nhiều yếu tố và những con số tiên lượng chỉ mang tính chất tham khảo chứ không cụ thể cho bất kỳ cá thể nào, từ đó giúp bệnh nhân yên tâm hơn trong quá trình điều trị. Hơn thế nữa, người bệnh không nên quá lo lắng suy nghĩ tiêu cực khi nhìn vào những số liệu tiên lượng sống, mà hãy chủ động lập kế hoạch điều trị cho bản thân dành lại cơ hội sống cho chính mình.
Menu xem nhanh:
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư dạ dày
Để giải đáp chính xác câu hỏi ung thư dạ dày sống được bao lâu là rất khó, và không thể trả lời chung cho tất cả người bệnh. Bởi việc tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư dạ dày cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
– Giai đoạn ung thư: Ung thư dạ dày được chia làm 4 giai đoạn, ở mỗi giai đoạn bệnh có một mức độ xâm lấn và lan rộng của tế bào ác tính khác nhau. Ở giai đoạn đầu nhìn chung ung thư dạ dày hay bất kỳ loại bệnh ung thư nào khác đều sẽ có tỷ lệ sống sốt cao hơn nếu được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, đúng phác đồ.
– Vị trí tổn thương: Những khối u càng lớn thì vị trí tổn thương càng rộng, tế bào ác tính đã di căn và hình thành khối u mới ở những cơ quan khác thì vị trí tổn thương càng nhiều và nghiêm trọng. Điều này sẽ dẫn đến quy trình điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn.
– Phương pháp phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ triệt để tổ chức ung thư được xem là một yếu tố quan trọng, việc kiểm soát tổ chức ung thư bằng cách cắt bỏ rộng sẽ cải thiện khả năng sống sót bằng cách ngăn ngừa tái phát, giảm di căn xa.
– Số lượng phương pháp điều trị: Không chỉ điều trị đơn lẻ mà kết hợp điểm mạnh của các phương pháp điều trị, phối hợp trong từng thời điểm và mục đích điều trị khác nhau của mỗi bệnh nhân, từ đó sẽ giảm nguy cơ tử vong, tăng hiệu quả điều trị.
– Sức khỏe tổng quát: Bệnh nhân có sức đề kháng tốt thì khả năng đáp ứng điều trị sẽ cao hơn so với những trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng kém, bệnh nhân không đủ sức khỏe để theo đúng phác đồ, tiến trình điều trị.
– Bệnh lý nền: Đối với bệnh nhân ung thư dạ dày có mắc kèm theo bệnh lý nền thì cơ hội điều trị bệnh đạt hiệu quả sẽ thấp hơn những người không có bệnh lý nền.
2. Giải đáp về tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư dạ dày
Tỷ lệ sống của bệnh ung thư là một thống kê số liệu mang tính tương đối, so sánh giữa những người mắc cùng loại bệnh và giai đoạn ung thư so với dân số tổng thể. Những con số được nêu ra dưới đây không đại diện cho bất kỳ trường hợp nào, không thể dự đoán chính xác cho tất cả các trường hợp mắc ung thư dạ dày.
2.1 Ung thư dạ dày có thể sống được bao lâu đối với từng giai đoạn bệnh
Giai đoạn bệnh là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thời gian sống của người bệnh, dưới đây là tiên lượng sống sau 5 năm cho bệnh nhân ung thư dạ dày theo từng giai đoạn bệnh cụ thể.
– Giai đoạn 1: Trung bình có khoảng 71% người sống được ít nhất sau 5 năm kể từ khi chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 1A (Giai đoạn tế bào ung thư mới xuất hiện chưa lan vào lớp cơ chính của thành dạ dày hay hạch bạch huyết).
Giai đoạn 1B ung thư đã lan đến 1 hoặc 2 hạch bạch huyết gần nhất hoặc đã di chuyển đến lớp cơ chính thành dạ dày, lúc này tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn khoảng 57%.
– Giai đoạn 2 ung thư dạ dày cũng được chia thành 2 giai đoạn nhỏ là 2A và 2B, trong đó tỷ lệ sống sau 5 năm đối với giai đoạn 2A là khoảng 46%, 2B là khoảng 33%.
– Ở giai đoạn 3, ung thư dạ dày được chia nhỏ thành giai đoạn 3A (tế bào ác tính đã lan đến lớp cơ chính của thành dạ dày và kèm 7 hạch bạch huyết, hoặc xâm lấn vào lớp dưới thanh mạc và 3-6 hạch vùng lân cận, hoặc xâm lấn đến thanh mạc kèm 102 hạch vùng lân cận), 3B (ung thư đã di căn đến ít nhất 7 hạch bạch huyết chưa lan đến thanh mạc, hoặc đã lan đến thanh mạc và 2-3 hạch vùng, xâm lấn qua thanh mạc và di căn đến 1 số cơ quan lân cận, 3C (tế bào ung thư dạ dày đã xâm lấn đến thanh mạc và ít nhất 7 hạch bạch huyết hay đã xâm lấn đến cơ quan gần dạ dày và có từ 3 hạch bạch huyết trở lên).
Ở giai đoạn 3 ung thư dạ dày được tiên lượng sống sau 5 năm là khoảng 20% giai đoạn 3A, 14% giai đoạn 3B, 9% giai đoạn 3C.
– Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối cùng, tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan xa như gan, phổi, não và xương, tỷ lệ sống sốt đối với bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn này rất thấp chỉ còn khoảng 4%.
2.2 Mắc ung thư dạ dày có thể sống được bao lâu và lời khuyên cho người bệnh
Như đã đề cập phía trên bệnh ung thư dạ dày sống được bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau chứ không chỉ riêng giai đoạn bệnh. Vậy nên khi được chẩn đoán mắc bệnh chính xác ở giai đoạn nào người bệnh cũng không nên quá lo lắng mà hãy kiên trì, tuân thủ triệt để phác đồ điều trị được chỉ định bởi bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị, và cơ hội sống cho bản thân.
Ngoài ra bệnh nhân cũng cần điều chỉnh, xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cơ thể để phục hồi sức khỏe, tăng cường miễn dịch, để cơ thể đảm có sức khỏe ổn định chống lại bệnh ung thư.
Cuối cùng người bệnh nên ghi chép lại đầy đủ thông tin trong quá trình điều trị bệnh, thông báo với bác sĩ khi có những thay đổi bất thường, trao đổi và tư vấn với bác sĩ để nhận những lời khuyên phù hợp với sức khỏe. Suy nghĩ tích cực, vận động thể chất phù hợp để tăng hiệu quả điều trị.
Trên đây là những thông tin về tiên lượng sống cho bệnh nhân mắc ung thư dạ dày các giai đoạn. Có thể nói cách tốt nhất để biết mắc ung thư dạ dày có thể sống được bao lâu người bệnh cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ của mình. Bên cạnh đó, nên tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và xây dựng lối sống lành mạnh để giúp cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.