U nang tuyến vú là bệnh lý lành tính của tuyến vú. Bệnh thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 30-40. Cùng tìm hiểu u nang tuyến vú là bệnh gì qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
U nang tuyến vú là bệnh gì?
U nang vú là bệnh lành tính, bắt nguồn từ việc trong tuyến vú xuất hiện các túi dịch. Các u nang này không phải ung thư, có thể xuất hiện một hoặc số lượng nhiều, với hình dạng khác nhau (chủ yếu là dạng cầu hoặc bầu dục). Tình trạng bệnh xảy ra nhiều nhất ở phụ nữ độ tuổi 30-40, sau mãn kinh hầu hết là u tự triệt tiêu hết. Tuy nhiên một số trường hợp, người trẻ vẫn có thể mắc.
Hầu hết các u nang tuyến vú không có triệu chứng. Nếu có, người bệnh thường thấy tức, căng và đau ngực, đặc biệt là ở vùng có; vú đột nhiên lớn và căng hơn sau khi sinh; vú đột nhiên xẹp sau kỳ kinh hoặc dùng tay sờ hoặc cảm nhận thấy cục mịn dễ di chuyển trong tuyến vú…
Điều trị u nang tuyến vú thế nào?
U nang vú về cơ bản không gây hại và không cần điều trị, trừ trường hợp có u ác tính phát triển bên trong u nang. Nếu thấy phát triển nhanh hoặc đau tăng lên thì cần phải đi khám để được xử trí kịp thời. Nếu khối u nhỏ, người ta thường theo dõi và cho siêu âm lại mỗi 3 – 6 tháng xem khối u có phát triển về kích thước hay thay đổi về cấu trúc hay không.
Nếu khối u to, người ta có thể chọc hút dịch trong khối u và dẫn lưu hoặc có dấu hiệu biến chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật. Đối với những u lớn, bác sĩ có thể thực hiện chọc hút u để u tự xẹp, tuy nhiên nếu u cứ tiếp tục phát triển sau khi đã hút thì rất có nguy cơ u sẽ phát triển thành ung thư.
Các bệnh của tuyến vú cần được khám lâm sàng, chụp xquang tuyến vú, siêu âm và xét nghiệm tế bào học hoặc sinh thiết nếu cần bạn nên khám thêm chuyên khoa ung bướu.
Phòng ngừa bệnh thế nào?
- Phụ nữ trong độ tuổi 20-29: nên có lối sống lành mạnh; tự khám vú mỗi tháng 1 lần sau khi sạch kinh khoảng 5 ngày, lúc này vú ở trạng thái mềm nhất; hoặc khám vú tại bệnh viện mỗi năm 1 lần.
- Phụ nữ độ tuổi 30-39: Khám vú và siêu âm vú mỗi năm 1 lần; Tự khám vú tại nhà.
- Phụ nữ trên 40: Tầm soát ung thư vú định kỳ với các phương pháp như siêu âm vú, chụp X-quang tuyến vú, v.v. giúp phát hiện các bệnh lý ở tuyến vú, trong đó có ung thư vú.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyên phụ nữ nên sinh con sớm, đồng thời cho con bú sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh nên cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng liệu pháp hormone. Phụ nữ ở mọi độ tuổi nên có lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và duy trì cân nặng hợp lý bởi thừa cân, béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.