Khi vùng mí mắt xuất hiện khối u dù là khối u lành tính hay ác tính đều cần được chẩn đoán sớm và thực hiện các phương pháp điều trị phù hợp, nhằm kiểm soát kịp thời các biến chứng xảy ra. Vậy u mí mắt là gì, có nguy hiểm không, được điều trị bằng cách nào? Bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới này nhé!
Menu xem nhanh:
1. U mí mắt là gì?
U mí mắt là một loại khối u xuất hiện ở trên vùng mi mắt, gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ, chức năng của mi, gây cản trở tầm nhìn nếu u lớn, có thể là khối u lành tính hoặc ác tính.
Khối u vùng mi mắt thường xuất hiện ở vị trí nông nên rất dễ để nhìn thấy, nhưng đa số người bệnh thường không nghĩ rằng nó gây hại cho sức khỏe. Vì thế, bệnh thường tiến triển nặng mới được phát hiện, khiến cho quá trình điều trị trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn, thậm chí còn có thể để lại các biến chứng không mong muốn.
U vùng mi mắt được chia thành:
– U lành tính gồm có các loại: ban vàng ở người lớn tuổi, u nhú, u ống tuyến mồ hôi, nốt ruồi.
– U ác tính gồm có các loại: ung thư biểu mô tế bào đáy, tế bào vảy, u hắc tố ác tính.
2. Biểu hiện của bệnh u mí mắt là gì?
Có thể xuất hiện một hoặc nhiều khối bất thường ở vùng mí mắt, tùy tình trạng tổn thương và tính chất của khối u mà có các biểu hiện khác nhau như: màu sắc da vùng mí thay đổi, khối u ngày càng lớn dần, mí bị ngứa và đau đỏ kèm sưng, nặng mi, nhắm mở mắt khó, nhìn mờ, loét da.
3. U mí mắt có nguy hiểm không?
Ở thể trạng lành tính, khối u thường khu trú ở một vị trí cố định và ít tăng trưởng, không gây chèn ép hoặc xâm lấn đến những cấu trúc lân cận như giác mạc. Do đó, ở thể lành tính u thường không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Còn ở thể ác tính, u vùng mi mắt gây ra rất nhiều biến chứng như: kích thước khối u tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn, khi chạm vào khối u dễ gây chảy máu, vùng da xung quanh khối u sưng nề, ngứa ngáy, có thể xâm lấn và di căn đến vị trí khác, thậm chí làm tổn thương đến giác mạc gây sẹo giác mạc dẫn tới mù lòa.
Khi u vùng mi mắt đã đến giai đoạn di căn đến các nơi khác như hạch trước tai, vùng dưới cằm thì tỉ lệ tử vong của người bệnh rất cao, nên cần chú ý phát hiện và điều trị sớm những trường hợp này. Vì vậy, u mí mắt là một loại bệnh cực kỳ nguy hiểm cần được chẩn đoán sớm ở những giai đoạn đầu để kịp thời can thiệp.
4. U mí mắt được điều trị bằng cách nào?
Điều trị u mí mắt thường được áp dụng nhiều phương pháp khác nhau như: phẫu thuật, đốt điện, áp lạnh, hóa chất… Tùy từng thể u mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay có 2 phương pháp điều trị phổ biến là điều trị bằng laser CO2 và phẫu thuật.
4.1. Phẫu thuật cắt bỏ khối u
Phẫu thuật được bác sĩ chỉ định trong trường hợp khối u phát triển nhanh có dấu hiệu tiến triển thành u ác tính. Do đó, phẫu thuật sẽ lấy khối u ra khỏi mi mắt, đồng thời thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh để chẩn đoán là khối u lành tính hay khối u ác tính.
– Đối với u ở vùng bờ mi: Bác sĩ sẽ sử dụng thanh đè nhựa và dao phẫu thuật để cắt bỏ khối u, sau đó tiến hành cầm máu, khâu da và vá da mi tại chỗ cho bệnh nhân. Mẫu bệnh phẩm sẽ được đưa đến khoa giải phẫu bệnh để làm xét nghiệm.
– Đối với u ở các vị trí khác của mi: Bác sĩ sẽ dùng dao rạch một đường song song với đường bờ mi, trực tiếp trên phần da của khối u, rồi tiến hành tách khối u ra khỏi mi mắt, cuối cùng tiến hành khâu da và đóng vết mổ cho bệnh nhân.
– Đối với những u ác tính: Bác sĩ dùng thanh đè nhựa đưa vào cùng đồ và kết mạc để cắt bỏ và rửa sạch khối u mang đi giải phẫu bệnh, sau đó cầm máu và tạo hình mi 1 thì hoặc 2 thì, cuối cùng đóng vết mổ lại và băng ép vết mổ cho bệnh nhân.
Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u chống chỉ định với các trường hợp sau:
– U có dấu hiệu lan rộng và đi vào phần sâu như hốc mắt.
– Tổng trạng người bệnh không ổn định, chưa sẵn sàng cho cuộc phẫu thuật.
4.2. Sử dụng laser CO2
Phương pháp laser CO2 được sử dụng trong điều trị u mí mắt lành tính. Phương pháp này có ưu điểm hơn các phương pháp khác là tạo một trường mổ sạch, không gây chảy máu, cắt chính xác toàn bộ tổ chức u, không gây ảnh hưởng tới các tổ chức xung quanh, làm sẹo đẹp, thời gian phục hồi ngắn.
Đối với từng thể u khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định laser CO2 với cường độ và thời gian phù hợp:
– Đối với u mỡ vàng, u ống tuyến mồ hôi, u mềm, nốt ruồi dùng laser CO2 công suất 10 – 15W, thời gian xung 0,1 – 0,2s, đường kính chùm tia 0,3 – 0,5mm để bóc bay từng lớp cho đến hết khối u.
– Với sẹo xấu mi trên do di chứng chắp, nhọt tự vỡ, tổn thương có hình thái bề mặt gồ ghề, các cầu da co kéo, đôi khi có màu nâu ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Dùng laser CO2 công suất 20W, đường kính chùm tia 1mm, thời gian xung 0,1s bóc bay các vùng gồ ghề, cắt đứt cầu da, giải phóng co kéo.
Dù là khối u lành tính hay ác tính, u mí mắt đều đe dọa đến sức khỏe của người bệnh, nó có thể biến chuyển thành u ác tính và gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nếu phát hiện các khối u vùng mi mắt người bệnh nên đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.