Viêm túi mật cấp có thể gây vỡ mật, thủng mật, tràn mật dẫn đến nhiễm trùng ổ bụng khiến người bệnh gặp nguy hiểm về tính mạng. Biết được những triệu chứng viêm túi mật cấp sẽ giúp người bệnh điều trị kịp thời, ngăn chặn được những tác động nguy hiểm cho sức khỏe.
Menu xem nhanh:
1. Triệu chứng viêm túi mật cấp
Ở hầu hết người bình thường đều gặp cơn đau quặn bụng ở vị trí mạn sườn phải khi bị viêm túi mật cấp. Cơn đau kéo dài trong nhiều giờ (thường là hơn 6 giờ) và càng ngày càng nghiêm trọng. Theo thời gian, người bệnh nếu hít thở sâu cũng sẽ làm gia tăng cơn đau, thành bụng trở nên căng cứng, cả người có dấu hiệu sốt ở mức nhiệt độ chưa quá cao.
Đối với người cao tuổi, triệu chứng viêm túi mật cấp tính thường là biểu hiện toàn thân và thường gây lẫn lộn với các bệnh lý khác. Cụ thể như bị biếng ăn, cơ thể suy nhược, có thể sốt hoặc không.
Cơn đau viêm túi mật có thể dữ dội hoặc âm ỉ, tuy nhiên trạng thái quặn nhói xuất hiện khá nhiều. Đi kèm với đó là các dấu hiệu như đi ngoài có phân màu đất sét, nôn, màu da trở nên vàng, đặc biệt khi ăn vào thì càng đau dữ dội, bụng bị đầy hơi…
Viêm túi mật cấp có thể chuyển sang trạng thái viêm túi mật mạn tính nếu không điều trị. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra biến chứng là rất lớn khi bị viêm túi mật cấp.
2. Biến chứng viêm túi mật cấp
Trường hợp viêm túi mật cấp không điều trị kịp thường gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
– Hoại tử vùng túi mật, vỡ mật, thủng mật
– Dịch mật tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc
– Đau bụng dữ dội do nhiễm trùng ổ bụng, sốt rét, tắc ruột
– Da trở nên vàng vọt có thể là dấu hiệu sỏi tắc nghẽn ống mật chung, ứ mật
– Thành túi mật bị bào mòn bởi sỏi, tạo thành lỗ thủng tiến vào ruột non gây tắc ruột
Những biến chứng trên nếu không kịp thời giải quyết sẽ cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng, có thể khiến người bệnh tử vong.
3. Chẩn đoán viêm túi mật cấp bằng cách nào?
Các triệu chứng của bệnh không quá đặc trưng và dễ gây nhầm lẫn nên cần được thăm khám và xét nghiệm, thực hiện các chẩn đoán hình ảnh để có kết quả chính xác. Bệnh nhân nếu gặp các triệu chứng kể trên cần nhập viện ngay để được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa. Khám lâm sàng là bước đầu tiên xác định bệnh, bác sĩ sẽ khai thác các yếu tố bệnh lý và triệu chứng cụ thể, sờ và kiểm tra bụng để xác định vùng bị đau. Sau đó, người bệnh được chỉ định thực hiện các xét nghiệm như sau:
– Siêu âm ổ bụng: các hình ảnh sẽ được tạo ra bởi sóng âm. Hiện tại, đây là xét nghiệm được sử dụng nhiều nhất trong chẩn đoán viêm túi mật cấp
– Chụp X-quang phần đường mật: các hình ảnh túi mật và ống dẫn mật được hiển thị rõ nét trên X – quang
– Chụp CT: chụp cắt lớp vi tính dùng chùm tia X chiếu qua bộ phận đường mật để thu được hình ảnh ở những góc độ khác nhau, tái tạo và dựng lại qua máy tính.
Các xét nghiệm trên nhằm mục đích xác định độ dày thành túi mật, quan sát sỏi và phần viêm ở túi mật để đưa ra giải pháp điều trị thích hợp với người bệnh.
4. Điều trị viêm túi mật cấp tính
Viêm túi mật cấp tính cần được đưa đến bệnh viện kịp thời để bác sĩ lên phác đồ điều trị thích hợp. Các trường hợp cấp tính thường lựa chọn chỉ định phẫu thuật cắt bỏ để tránh tái phát viêm túi mật vào sau này.
4.1. Điều trị trước khi phẫu thuật cắt bỏ
Sau khi nhập viện và xác định bị viêm túi mật cấp tính, người bệnh sẽ cần nhập viện và theo dõi. Cơ thể lúc này cần hạn chế bổ sung các loại thực phẩm hay thức ăn để túi mật được nghỉ ngơi hoàn toàn. Người bệnh được truyền dịch, bù nước để chống mất sức. Một số loại thuốc giảm đau và chống nhiễm trùng cũng được truyền để tình trạng viêm túi mật ổn định lại. Bệnh nhân có chỉ định cắt túi mật trong khoảng thời gian 72h kể từ khi cơn đau bụng được phát hiện.
4.2. Phẫu thuật cắt bỏ phần túi mật bị viêm
Sau khi xác định người bệnh có thể tiến hành cắt bỏ túi mật, bệnh viện sẽ sắp xếp lịch mổ để thực hiện cắt bỏ túi mật, chấm dứt tình trạng viêm túi mật cho người bệnh. Phương pháp cắt bỏ hiện nay được áp dụng phổ biến là mổ hở và mổ nội soi.
Mổ nội soi là giải pháp được đại đa số bệnh nhân lựa chọn do ít đau, tốc độ hồi phục nhanh và gần như không để lại sẹo trên thành bụng. Trái ngược, mổ hở khiến bệnh nhân chịu đau đớn vì vết rạch khá dài trên bụng, mất khá nhiều thời gian để phục hồi sức khỏe và có thể có biến chứng chảy máu, nhiễm trùng.
Sau khi cắt bỏ túi mật, chấm dứt tình trạng viêm túi mật cấp, người bệnh hoàn toàn yên tâm vì việc tiêu hóa thức ăn vẫn diễn ra bình thường. Mật sẽ chuyển vào ruột non thay vì túi mật như bình thường.
Triệu chứng viêm túi mật cấp có thể không quá rõ ràng, do đó những cơn đau bụng kéo dài thường không nên xem nhẹ. Người bệnh nên tìm đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu gặp những cơn đau dài ở khu vực mạn sườn phải hoặc các dấu hiệu bất thường khác.