Triệu chứng men gan tăng cao không nên bỏ qua

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Men gan tăng cao chứng tỏ có bất thường xảy ra đối với tế bào gan. Nhận biết được những triệu chứng men gan tăng sẽ giúp bạn chủ động hơn trong thăm khám sức khỏe để phát hiện bệnh sớm.

1. Men gan tăng cao là gì và có nguy hiểm không?

Các enzyme xúc tác trong gan (như ALT, AST, GGT, ALP) sẽ được giải phóng, hòa tan vào máu tạo nên một nồng độ men gan nhất định. Hàm lượng này cao hơn ngưỡng bình thường đồng nghĩa với việc men gan tăng. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho biết tế bào gan đang bị tổn thương.

Bên cạnh đó, chỉ số men gan tăng còn phản ánh tình trạng gan đang bị tổn thương ở mức độ nào. Chỉ số này càng cao thì tế bào gan càng bị tổn hại nghiêm trọng trên diện rộng.

Men gan cao nếu được kiểm soát kịp thời sẽ không gây hại cho sức khỏe. Ngược lại, nếu không được điều trị sớm và đúng cách, tình trạng tổn thương gan sẽ ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chức năng gan, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Men gan tăng cao

Men gan tăng cho biết tế bào gan đang bị tổn thương, cần được điều trị kịp thời

2. Những triệu chứng men gan tăng cao

Thực tế, các triệu chứng men gan tăng là không nhiều, có khi không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào. Người bị tăng men gan vẫn có thể sinh hoạt bình thường.

Giai đoạn tăng men gan có thể kéo dài từ một hai tuần đến vài tháng và cũng có thể kéo dài đến vài năm. Rất nhiều người có chỉ số men gan cao mà không biết cho đến khi làm các xét nghiệm máu.

Nếu chỉ số men gan tăng nhẹ từ 1-2 lần so với giới hạn bình thường thì cơ thể của người bệnh chưa nhận thấy những triệu chứng rõ rệt. Song, nếu chỉ số men gan tăng hơn 5 lần thì các triệu chứng điển hình của men gan cao sẽ thấy rõ. Cụ thể như:

2.1. Vàng da do men gan tăng cao

Vàng da, vàng mắt là dấu hiệu dễ nhận thấy bằng mắt thường nhất khi men gan tăng. Nguyên nhân của tình trạng này là do gan không chuyển hóa và thanh thải được sắc tố mật bilirubin. Tế bào gan khi chết đi, giải phóng vào máu sẽ gây ra hiện tượng vàng da, vàng mắt. Ngoài ra, móng tay cũng chuyển vàng và trong khoang miệng có màng nhầy.

2.2. Phân nhạt màu và nước tiểu đậm màu

Một dấu hiệu khác để nhận biết men gan tăng là nước tiểu có màu đậm hơn bình thường, kèm theo phân có màu trắng. Khi gan bị tổn thương, các dịch tiêu hóa sẽ đi vào máu, gây các tình trạng nói trên.

Khi phát hiện những triệu chứng này, người bệnh cần khẩn trương đến bệnh viện để được thăm khám và chữa trị. Rất có thể chức năng gan của bạn đã bị tổn thương nghiêm trọng.

2.3. Ngứa da

Tế bào gan bị tổn thương, không đảm bảo chức năng lọc thải độc tố. Chúng tích tụ trong da gây ngứa và khó chịu. Mức độ ngứa da có thể nhẹ hay nghiêm trọng phụ thuộc vào chỉ số men gan tăng ít hay nhiều.

Men gan tăng cao gây ngứa da

Men gan cao có thể gây ngứa da

2.4. Phù nề

Đây là một triệu chứng khác của men gan tăng, xuất hiện khi chức năng thanh lọc và đào thải của gan bị suy giảm. Tình trạng phù nề thường gặp nhất ở  phần dưới của cơ thể như mắt cá chân, bàn chân.

2.5. Triệu chứng khác khi men gan tăng cao

Ngoài những triệu chứng điển hình trên thì người bệnh có thể gặp một số dấu hiệu như: buồn nôn, đau bụng hạ sườn phải, giãn các vi mạch ở vùng cổ và vùng mặt đi ngoài, mệt mỏi, chán ăn, tâm lý thay đổi, giảm ham muốn tình dục….

Khi xuất hiện 1 trong các triệu chứng trên, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Người bệnh không nên trì hoãn thăm khám, tình trạng gan tổn thương kéo dài sẽ nặng nề hơn, làm giảm hiệu quả điều trị và phục hồi chức năng gan.

Men gan tăng cao gây đau bụng

Đau nhẹ vùng bụng là một trong những biểu hiện có thể gặp khi men gan tăng

2. Cách phát hiện men gan tăng cao

Người bệnh cần thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ men gan. Bác sĩ dựa vào các chỉ số men gan như AST, ALT… để đánh giá tình trạng men gan tăng ở mỗi người. Tuy nhiên để đánh giá chính xác và toàn diện nguyên nhân men gan tăng cao, bác sĩ phải thực hiện nhiều xét nghiệm cận lâm sàng khác như: Siêu âm gan, siêu âm hệ thống dẫn mật, siêu âm hệ thống tụy tạng,…

3. Men gan tăng cao – phải làm sao?

3.1. Thăm khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa Gan mật

Người bệnh cần tuân thủ phác đồ của bác sĩ trong điều trị tình trạng men gan cao. Để đảm bảo hiệu quả điều trị thì cần căn cứ vào tình trạng, nguyên nhân, cơ chế của bệnh:

– Nếu men gan tăng do viêm gan virus: Phác đồ điều trị gồm thuốc kháng virus để ức chế sự hoạt động của virus, hạ men gan và bảo vệ gan.

– Nếu men gan tăng do sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá: Người bệnh cần dừng ngay những thói quen gây hại cho gan. Đồng thời người bệnh có thể kết hợp thêm các thuốc tăng cường chức năng gan, giúp quá trình thải độc gan hiệu quả.

– Nếu men gan tăng do các bệnh lý khác tại gan (như gan nhiễm mỡ, xơ gan,…): Điều trị từ căn nguyên để bảo vệ tế bào gan, duy trì nồng độ men gan ổn định.

3.2. Đảm bảo lối sống khoa học

Khi gặp tình trạng men gan cao, bạn cần phải chú ý duy trì một lối sống sinh hoạt khoa học. Kết hợp với việc điều trị tích cực, một số thói quen sinh hoạt sau có thể giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng men gan tăng:

– Không hút thuốc lá, không uống rượu bia

– Không sử dụng các đồ uống có ga, chất kích thích

– Hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, đặc biệt là có mỡ động vật.

– Bổ sung, cân bằng các chất dinh dưỡng có lợi vào chế độ ăn hàng ngày như các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, B1, B2, B6 có trong trứng, ngũ cốc, sữa, rau xanh…

– Tích cực luyện tập thể dục thể thao để tăng tuần hoàn máu, kiểm soát cân nặng, giảm mỡ thừa trong cơ thể bảo vệ và duy trì chức năng ổn định cho gan.

– Ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ, tránh thức quá khuya ảnh hưởng đến hoạt động gan

– Uống nhiều nước để quá trình đào thải chất độc trong gan diễn ra nhanh hơn…

Tình trạng tế bào gan bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau sẽ dẫn đến men gan tăng cao. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm nguyên nhân và tiến hành điều trị tích cực là việc làm cần thiết.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital