Triệu chứng khó nuốt ở cổ họng gợi ý bệnh đường tiêu hóa

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Phạm Thái Sơn

Trưởng khoa Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Khó nuốt (dysphagia) là triệu chứng mà nhiều người gặp phải nhưng thường bị xem nhẹ hoặc nhầm lẫn với các vấn đề không liên quan đến tiêu hóa. Thực tế, khó nuốt có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng và cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bài viết này sẽ làm rõ những nguyên nhân liên quan đến những bệnh lý tiêu hóa phổ biến gây ra triệu chứng khó nuốt ở cổ họng.

1. Khó nuốt là gì và phân loại triệu chứng khó nuốt

Khó nuốt là tình trạng cảm thấy khó khăn khi nuốt thức ăn, đồ uống, hoặc thậm chí là nước bọt. Khó nuốt có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng và có thể phân thành hai loại chính.

– Khó nuốt cơ học: Do có sự cản trở vật lý trong đường tiêu hóa, chẳng hạn như khối u, viêm, hoặc sẹo.

– Khó nuốt chức năng: Do có sự rối loạn trong hoạt động của các cơ quan và cơ chế nuốt, bao gồm thần kinh và cơ.

Triệu chứng khó nuốt ở cổ họng và những lưu ý

Khó nuốt khiến bạn không thể ăn uống bình thường, khó nuốt kèm theo đau rát, giảm cân, nôn mửa, sặc, hoặc khàn giọng, là những dấu hiệu bạn nên nhanh chóng đi thăm khám kiểm tra

2. Điểm mặt các nguyên nhân phổ biến gây khó nuốt ở cổ họng

2.1 Viêm thực quản gây triệu chứng khó nuốt ở cổ họng

Viêm thực quản là tình trạng viêm nhiễm lớp niêm mạc của thực quản, có thể do nhiều nguyên nhân như:

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản gây viêm và loét.

– Nhiễm trùng: Vi khuẩn, virus, hoặc nấm có thể gây viêm thực quản, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.

– Dị ứng thực phẩm: Một số người có phản ứng dị ứng với thực phẩm nhất định, gây viêm và khó nuốt.

2.2 Barrett thực quản

Barrett thực quản là biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản mạn tính, trong đó tế bào lót thực quản biến đổi thành loại tế bào tương tự như ở ruột non. Barrett thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản nếu không được điều trị.

2.3 Hẹp thực quản

Hẹp thực quản là sự thu hẹp của lòng thực quản, có thể do:

– Sẹo từ viêm thực quản hoặc loét thực quản.

– Khối u trong thực quản: Lành tính hoặc ác tính.

– Bệnh lý hệ thống: Như xơ cứng bì, gây dày và cứng các mô liên kết.

2.4 Co thắt thực quản

Co thắt thực quản là rối loạn vận động của thực quản, gây ra các cơn co thắt không đồng bộ hoặc quá mạnh. Điều này làm cản trở sự di chuyển của thức ăn xuống dạ dày và gây ra khó nuốt.

2.5 Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản – GERD

GERD là nguyên nhân phổ biến nhất gây khó nuốt. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân chẳng hạn như chế độ ăn uống, sức ép tác động đến ổ bụng lớn (mang thai, thừa cân béo phì), bất thường ở cơ thắt dưới thực quản không đóng kín, cho phép dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, gây viêm và kích ứng. Từ đó dẫn đến các triệu chứng điển hình như khó nuốt, ợ nóng, ợ chua, đau ngực, ho mạn tính.

2.6 Co thắt tâm vị (Achalasia) gây triệu chứng khó nuốt ở cổ họng

Achalasia là bệnh lý rối loạn vận động thực quản, trong đó cơ vòng dưới thực quản không giãn ra đủ để cho phép thức ăn di chuyển xuống dạ dày. Điều này dẫn đến sự ứ đọng thức ăn và triệu chứng khó nuốt ở cổ họng.

Nguyên nhân phổ biến gây triệu chứng khó nuốt ở cổ họng

Rối loạn vận động thực quản trong đó cơ thắt dưới không giãn ra đúng cách là một trong những nguyên nhân gây khó nuốt, nuốt nghẹn

2.7 Ung thư thực quản

Ung thư thực quản là nguyên nhân nghiêm trọng nhất gây triệu chứng khó nuốt ở cổ họng. Khối u trong thực quản có thể cản trở sự di chuyển của thức ăn và gây ra nhiều triệu chứng khác nữa.

3. Tầm quan trọng của việc chẩn đoán chính xác khó nuốt và điều trị kịp thời

Khó nuốt không chỉ gây ra sự khó chịu mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý liên quan tại đường tiêu hóa nghiêm trọng. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân giúp điều trị kịp thời không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi do hít phải, suy dinh dưỡng, và ung thư. Có một số phương pháp được sử dụng để chẩn đoán xác định nguyên nhân gây triệu chứng khó nuốt ở cổ họng là:

Nội soi thực quản – dạ dày

– Chụp X-quang thực quản với barium

– Chụp CT, MRI

– Đo áp lực nhu động thực quản độ phân giải cao – High-Resolution Manometry

– Đo pH trở kháng thực quản trong vòng 24h.

4. Chi tiết các phương pháp chẩn đoán khó nuốt ở cổ họng

4.1 Khám lâm sàng, khai thác tiền sử

Bước đầu tiên trong chẩn đoán khó nuốt là thu thập chi tiết lịch sử y khoa của bệnh nhân và thực hiện khám lâm sàng:

– Tiền sử bệnh lý: Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng khó nuốt, thời gian xuất hiện, tần suất và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Các yếu tố khác như sụt cân, đau ngực, trào ngược, và tiền sử bệnh lý tiêu hóa cũng sẽ được khai thác.

– Khám lâm sàng: Bao gồm việc kiểm tra cổ họng, miệng, và các cơ quan khác có liên quan. Bác sĩ có thể sử dụng đèn soi hoặc dụng cụ y khoa khác để kiểm tra sự hiện diện của viêm nhiễm, khối u, hoặc dị vật.

4.2 Thực hiện các xét nghiệm kiểm tra chẩn đoán hình ảnh

Nội soi dạ dày – thực quản

Đây là một phương pháp chẩn đoán phổ biến khi người bệnh có triệu chứng khó nuốt ở cổ họng. Quá trình nội soi sẽ giúp bác sĩ quan sát trực tiếp lớp niêm mạc và phát hiện các tổn thương như viêm, loét, hẹp hoặc khối u.

Chụp X-quang thực quản barium

Là một phương pháp chẩn đáon không xâm lấn giúp đánh giá cấu trúc và chức năng của thực quản bằng cách bệnh nhân uống một loại chất cản quang. Khi chất lỏng di chuyển xuống thực quản, các hình ảnh X-quang được chụp lại để quan sát sự cản trở hoặc hẹp trong lòng thực quản, co thắt, hoặc khối u.

4.4 Thăm dò chức năng xác định nguyên nhân gây triệu chứng nuốt nghẹn ở cổ

Đo áp lực, nhu động thực quản độ phân giải cao – HRM

Đây là kỹ thuật thăm dò chức năng chuyên sâu đo lường áp lực và sự vận động của thực quản để đánh giá chức năng cơ học của nó. Đặc biệt hữu ích trong chẩn đoán các rối loạn vận động thực quản như achalasia, co thắt thực quản lan tỏa, hoặc rối loạn vận động hỗn hợp.

Phương pháp này sử dụng một ống nhỏ và mỏng được đưa qua mũi xuống thực quản. Ống này có các cảm biến áp lực để đo lường sự co thắt của cơ thực quản khi bệnh nhân nuốt. Quá trình này giúp xác định sự phối hợp và sức mạnh của các cơ trong thực quản.

Thăm dò chức năng xác định nguyên nhân gây triệu chứng nuốt nghẹn ở cổ

Đo HRM tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Đo pH trở kháng thực quản 24h

Là phương pháp được đánh giá cao trong chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản bằng cách sử dụng một ống nhỏ và mỏng được đưa qua mũi xuống thực quản, gắn với một cảm biến đo pH. Thiết bị này ghi lại các vấn đề tại thực quản suốt 24 giờ. Giúp xác định mức độ và tần suất của trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản, liên quan đến triệu chứng khó nuốt và các triệu chứng khác của GERD.

Thu Cúc TCI là một trong số ít các bệnh viện tại Miền Bắc đang ứng dụng hai phương pháp này trong chẩn đoán. Với hệ thống máy móc hiện đại nhập khẩu từ Mỹ cùng đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên làm chủ chuyên môn, đảm bảo giúp người bệnh có kết quả chẩn đoán chính xác, và nhanh chóng. Từ đó kịp thời điều trị đúng phác đồ, trúng đích, kiểm soát được hiệu quả và triệt để nguyên nhân gây ra khó nuốt và các triệu chứng liên quan

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital