Các bất thường ở dây thần kinh tọa không còn là vấn đề hiếm gặp. Bệnh có thể gây chèn ép các rễ thần kinh, gây ra các nhiều triệu chứng tùy vào vị trí rễ thần kinh bị tổn thương. Trong đó đau rễ dây thần kinh tọa là triệu chứng nổi bật.
Menu xem nhanh:
1. Những điều cần biết về bệnh đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa là tình trạng rất phổ biến, thường gặp ở những người từ 30 – 50 tuổi, tỷ lệ mắc ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Nguyên nhân gây đau là do dây thần kinh tọa bị chèn ép, thường liên quan đến tình trạng viêm xương khớp (thoái hóa), thoát vị đĩa đệm, chấn thương…
Theo thống kê, 80% các trường hợp đau thần kinh tọa là do bệnh lý đĩa đệm chèn vào rễ dây thần kinh tọa.
2. Một số dấu hiệu cảnh báo đau rễ dây thần kinh tọa thường gặp
2.1 Đau nhức
Đau nhức khó chịu kéo dài dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, từ vùng lưng dưới dọc xuống mông, đùi là biểu hiện đặc trưng của bệnh này. Phần lớn trường hợp triệu chứng đau chỉ xảy ra và ảnh hưởng đến một bên chân khi phát tác. Triệu chứng đau do dây thần kinh tọa bị chèn ép thường nặng hơn ở chân so với lưng, đặc biệt là khu vực bắp chân dưới đầu gối.
Các cơn đau có thể xảy ra liên tục hoặc ngắt quãng. Cường độ đau khác nhau ở mỗi người: một số chỉ bị nhói nhẹ, một số khác lại đau rát.
2.2 Tê ngứa khó chịu
Ngoài đau nhức, tê ngứa giống như kim châm ở mặt sau chân cũng là biểu hiện thường gặp ở người bị đau dây thần kinh tọa.
2.3 Suy yếu cơ
Tình trạng yếu cơ chủ yếu xảy ra ở chân và bàn chân khiến bệnh nhân có áp lực đè nặng lên chân, gây khó khăn khi đi lại hoặc đứng thẳng.
2.4 Đau khi tư thế thay đổi
Một triệu chứng đau thần kinh tọa dễ nhận thấy là cơn đau nhức xuất hiện mỗi khi cơ thể vận động. Việc ngồi lâu, đứng dậy đột ngột hoặc đứng thẳng thường xuyên, cúi người về phía trước, vặn mình ho… đều khiến mức độ đau tăng lên dữ dội.
Một số bệnh nhân còn đau nghiêm trọng hơn khi nằm. Điều này có thể gây rối loạn giấc ngủ. Thay vì nằm thẳng và ngừa, người bệnh nên nằm nghiêng và kẹp gối giữa hai chân để giảm tình trạng đau nhức khó chịu.
3. Triệu chứng đau thần kinh tọa theo vị trí rễ thần kinh chịu ảnh hưởng
Tùy vào vị trí rễ thần kinh bị chèn ép, người bệnh còn có thể bắt gặp các biểu hiện đặc trưng khác nhau.
3.1 Đau rễ dây thần kinh tọa L4
– Đau nhức chủ yếu tập trung ở hông, đùi và các khu vực bên trong đầu gối, bắp chân.
– Mất cảm giác ở bắp chân.
– Suy nhược cơ đùi và hông, 2 chân có xu hướng chụm vào nhau.
– Phản xạ của gân khớp gối suy giảm.
3.2 Đau thần kinh tọa ở rễ thần kinh L5
– Cơn đau nhức phát sinh ở mông và mặt ngoài của đùi, cẳng chân.
– Mất cảm giác ở phần da giữa ngón trỏ và ngón cái
– Cơ mông, chân suy yếu.
– Chuyển động mắt cá chân và nâng ngón chân cái lên gặp khó khăn.
3.3 Đau rễ dây thần kinh tọa S1
Theo nghiên cứu, đau thần kinh tọa do rễ thần kinh S1 bị chèn ép là trường hợp cơ bản nhất, các triệu chứng thường bao gồm:
– Đau nhức vùng mông, bắp chân ở mặt sau, thậm chí là cả bàn chân và ngón chân
– Tê liệt ngón chân út, áp út và thậm chí cả ngón giữa
– Không thể nâng phần gót chân lên khỏi mặt đất
– Yếu cơ ở chân và mông.
– Phản xạ giật gân mắt cá giảm một cách rõ rệt
4. Nguyên tắc và cách điều trị đau dây thần kinh tọa
Phương pháp điều trị đau dây thần kinh tọa được lựa chọn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Nguyên tắc cơ bản trong điều trị đau thần kinh tọa là:
– Điều trị tổn thương dây thần kinh tọa dựa theo nguyên nhân.
– Điều trị nội khoa trong trường hợp bệnh nhẹ và vừa.
– Khi có biến chứng thì cần điều trị bằng ngoại khoa.
Các phương pháp điều trị bệnh đau dây thần kinh tọa chèn ép rễ thần kinh bao gồm:
4.1 Điều trị nội khoa
Trong điều trị nội khoa, người bệnh cần áp dụng chế độ nghỉ ngơi phù hợp, nằm giường cứng, tránh mang vác vật nặng thường xuyên, tránh lao động quá sức, không ngồi hoặc đứng quá lâu. Các phương pháp điều trị nội khoa cho bệnh nhân bị chèn ép rễ thần kinh tọa gồm:
Dùng thuốc
Để giảm các triệu chứng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bệnh nhân các loại thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, vitamin nhóm B, thuốc giảm đau thần kinh, tiêm corticosteroid ngoài màng cứng… đặc biệt trong trường hợp đau do rễ dây thần kinh tọa bị chèn ép.
Vật lý trị liệu
Việc sử dụng phương pháp vật lý trị liệu có tác dụng phục hồi dần dần các chức năng của dây thần kinh tọa, giảm đau, cải thiện cơ. Các phương pháp vật lý trị liệu phổ biến gồm: dùng đai lưng hỗ trợ, massage, thể dục trị liệu bằng các bài tập kéo giãn cột sống, bơi, xà đơn treo nhẹ người…
4.2 Điều trị ngoại khoa
Phương pháp này thường được áp dụng trong các trường hợp nặng, đã dùng các phương pháp nội khoa nhưng không đem lại hiệu quả. Lúc này, người bệnh sẽ được điều trị ngoại khoa bằng phương pháp phẫu thuật lấy nhân đệm hoặc cắt cung sau đốt sống.
Ngoài ra, người bệnh có thể tự điều trị hỗ trợ tại nhà. Các phương pháp thường dùng là chườm lạnh hay chườm nóng tại khu vực tổn thương để giảm bớt cơn đau. Một vài phương pháp khác như châm cứu, nắn xương khớp có thể được áp dụng trong điều trị đau thần kinh tọa. Tuy nhiên cần lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện những phương pháp chữa đau thần kinh tọa kể trên.
Trên đây là những thông tin về tình trạng đau rễ thần kinh. Khi thấy các triệu chứng đau nhức bất thường, bạn cần thăm khám sớm chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những khiến bệnh tăng nặng, gây khó khăn cho điều trị và gây ra những biến chứng như teo cơ, liệt vận động… Nếu có nhu cầu thăm khám, bệnh nhân vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch.