Trẻ 3 tháng bị táo bón, cha mẹ cần làm gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ 3 tháng bị táo bón khiến cha mẹ căng thẳng và lo lắng không biết nên làm thế nào. Vậy vì sao ở độ tuổi này trẻ bị táo bón và cha mẹ nên làm gì trong trường hợp này? Hãy tham khảo bài viết dưới đây.

1. Lý do khiến trẻ 3 tháng bị táo bón

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ 3 tháng bị táo bón

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ 3 tháng bị táo bón

Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ 3 tháng tuổi uống sữa hoàn toàn thì làm sao táo bón. Tuy nhiên thực tế thì không phải như vậy, tình trạng táo bón có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Nhất là đối với trẻ sơ sinh, khi bắt đầu làm quen với việc tự tiêu hóa thức ăn thì tình trạng táo bón hay rối loạn tiêu hóa hoàn toàn có thể xảy ra với trẻ. Nguyên nhân gây táo bón thường gặp nhất là:

1.1. Lượng nước được cung cấp không đủ với nhu cầu của trẻ

Táo bón bản chất là tình trạng phân bị hấp thụ nhiều nước dẫn đến phân bị rắn lại. Đối với trẻ sơ sinh, trẻ 3 tháng tuổi, nước được cung cấp hoàn toàn thông qua sữa. Khi trẻ không bú đủ sữa mẹ hoặc ăn không đủ lượng sữa công thức cần thiết sẽ gây nên tình trạng thiếu nước và táo bón.

Đối với trẻ ăn sữa công thức, pha sữa quá đặc không giúp trẻ hấp thu nhiều dưỡng chất hơn mà còn khiến dinh dưỡng kém hấp thu do không đủ lượng nước, trẻ thiếu nước và bị táo bón. Chính vì thế pha sữa đặc cũng là nguyên nhân khiến bé bị táo bón.

1.2. Chế độ ăn uống của mẹ

Nguồn dinh dưỡng của trẻ sơ sinh hoàn toàn đến từ sữa mẹ hoặc sữa công thức nếu có. Đối với bé bú sữa mẹ, chế độ ăn của mẹ sẽ tác động gián tiếp tới tiêu hóa của trẻ thông qua sữa. Mẹ có thói quen ăn đồ cay nóng, dầu mỡ,.. trẻ sẽ dễ bị gặp phải tình trạng táo bón.

1.3. Trẻ đang mắc bệnh lý

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, tình trạng táo bón còn có thể xuất phát từ chính cơ thể trẻ. Trong trường hợp trẻ mắc các dị tật về đường ruột như phình đại trạng, suy giáp trạng, hay hệ tiêu hóa bị tổn thương,.. cũng có thể gây ra táo bón.

2. Nhận biết dấu hiệu trẻ táo bón

Khi trẻ bị táo bón, thông thường có những dấu hiệu điển hình sau đây:

Số lần đi tiêu giảm, bé khó chịu quấy khóc,.. là triệu chứng điển hình của táo bón

Số lần đi tiêu giảm, bé khó chịu quấy khóc,.. là triệu chứng điển hình của táo bón

2.1. Bé giảm đi tiêu

Ở trẻ 3 tháng tuổi, mức độ đi tiêu trung bình là từ 1 – 2 lần/ ngày. Nếu bé đi tiêu giảm dần xuống 1 lần/ngày và vài ngày 1 lần, cha mẹ cần cẩn trọng bởi đây là dấu hiệu đặc trưng cho thấy có thể bé đang bị táo bón.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần phân biệt với thời kỳ giãn ruột của bé. Giãn ruột là hiện tượng sinh lý tự nhiên thường xảy ra khi trẻ được 2 tháng tuổi. Nếu là giãn ruột sinh lý, bé sẽ giảm đột ngột đi tiêu, có thể kéo dài từ 1 tuần tới 10 ngày không đi tiêu. Tuy nhiên mọi hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ đều diễn ra bình thường.

2.2. Bé bị căng thẳng khi đi tiêu

Do táo bón, phân thường rất khó tự đẩy ra ngoài. Chính vì thế trẻ thường có phản ứng rặn để kích thích đẩy phân. Tuy nhiên điều này làm bé bị căng thẳng khi đi vệ sinh. Cha mẹ có thể quan sát một cách dễ dàng biểu hiện của trẻ: trẻ có biểu hiện rặn, mặt đỏ, gồng mình, thậm chí khóc bởi phân cứng làm đau bé.

Táo bón lâu ngày và những phản ứng rặn gắng sức của bé có thể khiến trẻ bị trĩ ngay từ độ tuổi rất nhỏ. Chính vì thế mà cha mẹ cần nhanh chóng giúp trẻ cải thiện tình trạng táo bón.

2.3. Trẻ bị trướng bụng và đầy hơi

Thức ăn được nạp vào cơ thể không được tiêu hóa và đào thải ra ngoài sẽ nhanh chóng khiến trẻ gặp phải tình trạng chướng bụng và đầy hơi. Cha mẹ đặt tay lên bụng trẻ sẽ cảm nhận thấy bụng căng cứng, xoa bụng trẻ có thể kích thích phản ứng xì hơi và hơi xì rất nặng mùi

2.4. Hình thái phân

Quan sát phân của bé là một trong những cách nhận biết bé có bị táo bón hay không cũng như mức độ táo bón của trẻ. Khi bé bị táo bón, phân sẽ cứng và vón cục. Các mức độ táo bón có thể nhận biết thông qua một số đặc điểm như:

– Ở trạng thái bình thường, phân của trẻ thường mềm, trơn và ít nặng mùi.

– Phân cục hơi khô rắn và có những vết nứt trên bề mặt cho thấy trẻ bắt đầu có dấu hiệu táo bón, thiếu nước dẫn đến tính chất phân khô dần.

– Phân khối khô rắn và xuất hiện những rãnh sần sùi rõ nét, mức độ táo bón gia tăng.

– Phân cứng và rời rạc thành từng viên như phân dê, cho thấy bé đang bị táo bón nặng. Mùi phân cũng nặng dần theo các mức độ do bị tích tụ lâu ngày trong đường ruột.

2.5. Trẻ bỏ ăn, quấy khóc

Trẻ bỏ ăn, quấy khóc là hậu quả từ các ảnh hưởng của táo bón. Bé luôn cảm thấy khó chịu, quấy khóc, bỏ ăn, ngủ không sâu giấc. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ, khiến trẻ suy dinh dưỡng, còi cọc và chậm lớn,…

3. Xử trí đúng khi trẻ bị táo bón

Nếu tình trạng táo bón ở trẻ kéo dài, cha mẹ cần đưa bé đi thăm khám

Nếu tình trạng táo bón ở trẻ kéo dài, cha mẹ cần đưa bé đi thăm khám

Táo bón kéo dài ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ. Trẻ 3 tháng bị táo bón kéo dài có thể mắc bệnh trĩ nội, đối mặt với nguy cơ nứt trực tràng…. Chính vì vậy cha mẹ cần xử trí kịp thời và đúng cách ngay từ khi trẻ có biểu hiện bị táo bón:

– Trẻ bú mẹ: cần xem xét lượng sữa cho trẻ bú hằng ngày đã đủ hay chưa, đông thời xem xét lại chế độ ăn của mẹ xem có cân bằng và hợp lý hay không. Mẹ nên ăn nhiều rau củ quả, nhiều chất xơ, uống nhiều nước và hạn chế các đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, các đồ ăn đồ uống chứa cồn hay chất kích thích,…

– Đối với trẻ uống sữa công thức: Trước hết cần pha đúng tỷ lệ nước, sữa khi cho trẻ ăn. Xem xét nếu tình trạng táo bón vẫn diễn ra cần đổi loại sữa phù hợp với trẻ.

– Thực hiện một số biện pháp đơn giản giúp trẻ dễ tiêu hóa và đẩy phân ra ngoài như: thực hiện mát xa bụng cho trẻ, cho trẻ thực hiện động tác đạp xe, ngâm hậu môn trong nước ấm để làm giãn hậu môn giúp bé dễ đi vệ sinh; thụt phân cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ nếu trẻ vẫn không thể tự đi vệ sinh.

– Đưa trẻ thăm khám nếu táo bón kéo dài đến 2, 3 ngày kèm theo các bất thường như quấy khóc, bỏ bú, sốt,… Nếu trẻ táo bón nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, cha mẹ cũng nên đưa bé đi kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân.

Trên đây là một số vấn đề liên quan đến tình trạng táo bón ở trẻ 3 tháng tuổi. Hi vọng những thông tin này sẽ mang đến những kiến thức hữu ích tới cha mẹ trong hành trình nuôi dưỡng con trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital