Trào ngược dạ dày lưỡi trắng: Nguyên nhân và cách khắc phục

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Phạm Thái Sơn

Trưởng khoa Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Trào ngược dạ dày lưỡi trắng không chỉ làm cho người mắc cảm thấy phiền toái mà còn gây khó khăn và mất tự tin trong các hoạt động giao tiếp hàng ngày. Bài viết này sẽ chia sẻ những kiến thức cần thiết để bạn nắm rõ tình trạng này và đưa ra các giải pháp hiệu quả để khắc phục.

1. Những điều cần biết về trào ngược dạ dày gây trắng lưỡi

1.1. Trào ngược dạ dày lưỡi trắng là bệnh lý gì?

Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là một tình trạng phổ biến liên quan đến đường tiêu hóa. Khi bị trào ngược dạ dày, các dịch dạ dày, dịch mật và thức ăn không tiêu hóa hết sẽ trào ngược lên vùng hô hấp trên và miệng, gây ra các triệu chứng như ợ nóng, ợ hơi và ợ chua. Các dịch trào ngược này chứa axit và enzyme tiêu hóa, có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản và thay đổi môi trường tại đó. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển, dẫn đến viêm lưỡi và xuất hiện các mảng trắng trên bề mặt lưỡi.

Hiện tượng trào ngược dạ dày lưỡi trắng là kết quả của việc nấm miệng phát triển, khiến bề mặt lưỡi phủ một lớp rêu trắng như kem. Bệnh nhân có thể cảm thấy miệng chua, đắng kéo dài suốt cả ngày, và có thể đau hoặc chảy máu khi đánh răng hay cố gắng cạo lưỡi.

Mặc dù lưỡi trắng do trào ngược dạ dày không quá nghiêm trọng và có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc, nhưng việc điều trị triệt để chứng trào ngược dạ dày là cần thiết. Điều này sẽ giúp loại bỏ nấm miệng tận gốc, ngăn ngừa chúng lây lan và tái phát.

Trào ngược dạ dày lưỡi trắng là tính trạng xuất hiện lớp rêu trắng dày trên bề mặt lưỡi

Trào ngược dạ dày lưỡi trắng: xuất hiện lớp rêu trắng dày trên bề mặt lưỡi

1.2. Nguyên nhân trào ngược dạ dày lưỡi trắng do đâu?

Sự xuất hiện của tình trạng lưỡi trắng do trào ngược dạ dày chủ yếu là do nấm Candida phát triển trong khoang miệng. Loại nấm này thường tồn tại trên da của con người. Khi cơ thể khỏe mạnh, hệ miễn dịch có khả năng kiểm soát và ngăn chúng phát triển quá mức. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch suy yếu do bệnh tật hoặc mất cân bằng trong cơ thể, nấm Candida có thể phát triển mạnh mẽ và gây ra vấn đề sức khỏe.

Tình trạng trào ngược dạ dày cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của nấm Candida. Khác với lớp niêm mạc dạ dày được bảo vệ bởi lớp nhầy dày đặc, niêm mạc thực quản, họng và miệng không có lớp bảo vệ này. Khi axit dạ dày và thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản và miệng, chúng có thể gây tổn thương niêm mạc hầu họng và các khu vực khác, bao gồm cả lưỡi.

Ngoài ra, miệng chứa rất nhiều vi khuẩn và nấm gây hại. Khi dịch vị và thức ăn từ dạ dày trào ngược và bám vào khoang miệng, môi trường trong miệng bị thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến tổn thương lưỡi và nấm miệng. Lưỡi trắng là dấu hiệu cho thấy người bệnh đã bị nhiễm nấm miệng.

2. Điều trị trào ngược dạ dày lưỡi trắng như thế nào?

2.1. Điều trị bằng thuốc trị nấm giúp giảm biểu hiện

Mục tiêu của việc điều trị tình trạng lưỡi trắng là loại bỏ nấm, ngăn chúng phát triển thêm và gây ra các vấn đề cho các bộ phận khác trong cơ thể. Nhiễm nấm có thể được xử lý qua các phương pháp sau:

– Nấm miệng thường được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các loại thuốc chống nấm. Trong số đó, thuốc chống nấm toàn thân như itraconazole là phổ biến nhất. Thuốc này có khả năng kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển của nấm sang các khu vực khác trong cơ thể. Thuốc có sẵn dưới dạng viên nén hoặc dung dịch súc miệng.

– Trong những trường hợp nhiễm nấm nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng fluconazole dưới dạng tiêm. Nếu sau khi hoàn thành một liệu trình điều trị mà bệnh không có dấu hiệu cải thiện hoặc bệnh nhân không thể dùng fluconazole vì lý do nào đó, bác sĩ có thể chỉ định thay thế bằng itraconazole, voriconazole hoặc amphotericin B trong một liệu trình từ 14 đến 21 ngày.

Sử dụng thuốc chống nấm

Sử dụng thuốc chống nấm

2.2. Làm sạch các bợn trắng ở lưỡi

Điều trị trào ngược dạ dày trắng lưỡi cần có bước làm sạch bợn ở lưỡi. Mảng trắng xuất hiện trên bề mặt lưỡi có thể gây ra mùi hôi miệng, làm cho người bệnh cảm thấy thiếu tự tin khi giao tiếp. Hơn nữa, đây còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển mạnh. Vì vậy, khi gặp tình trạng lưỡi trắng do trào ngược dạ dày, ngoài việc sử dụng thuốc chống nấm và duy trì vệ sinh răng miệng hằng ngày, bệnh nhân cũng cần chú ý làm sạch lưỡi để loại bỏ mảng trắng.

2.3. Đừng quên vệ sinh sạch sẽ răng miệng

Các chuyên gia thường khuyến nghị người bị trào ngược dạ dày lưỡi trắng nên chăm sóc răng miệng từ 2-3 lần/ngày sau khi ăn. Ngoài ra, có thể kết hợp với việc sử dụng các dung dịch sát khuẩn để vệ sinh toàn bộ miệng và ngăn chặn sự sinh sôi của vi khuẩn, nấm. Một số dung dịch sát khuẩn có thể sử dụng bao gồm:

– Nước muối sinh lý: Bệnh nhân có thể dùng nước muối sinh lý để súc miệng hàng ngày. Đây là phương pháp hiệu quả giúp loại bỏ vi khuẩn và mùi hôi trong khoang miệng và vùng họng.

– Nước chanh hoặc nước giấm táo: Dung dịch từ nước chanh hoặc giấm táo cũng có thể dùng để súc miệng mỗi ngày nhằm hạn chế sự phát triển của nấm miệng. Bệnh nhân có thể pha loãng nước chanh hoặc giấm táo với nước sạch và dùng để súc miệng mỗi sáng và tối, mỗi lần ít nhất 30 giây trước khi nhổ ra.

Đừng quên vệ sinh răng miệng sạch sẽ

Đừng quên vệ sinh răng miệng sạch sẽ

2.4. Bổ sung nước hỗ trợ làm sạch khoang miệng

Việc cung cấp đủ 2-3 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể duy trì quá trình trao đổi chất hiệu quả. Đặc biệt, khi mắc chứng trào ngược dạ dày kèm lưỡi trắng, người bệnh nên uống nước thường xuyên hơn. Nước giúp làm sạch khoang miệng liên tục, từ đó ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

2.5. Điều quan trọng nhất: Điều trị tận gốc bệnh trào ngược dạ dày (GERD)

Các biện pháp trên chỉ mang tính chất tạm thời trong việc khắc phục tình trạng lưỡi trắng do trào ngược dạ dày. Để giải quyết triệt để, người bệnh cần điều trị tận gốc căn nguyên gây ra trào ngược dạ dày. Việc điều trị có thể được thực hiện hiệu quả hay không dựa vào sự chẩn đoán chính xác.

Một số phương pháp chẩn đoán hiện nay có thể kể tới đo pH thực quản 24h – tiêu chuẩn vàng đánh giá GERD, đo áp lực và nhu động thực quản HRM, nội soi dạ dày thực quản,… Các phương pháp trên hiện đều đang được ứng dụng tại Thu Cúc TCI.

Đo pH thực quản là cách chính xác nhất để chẩn đoán GERD

Đo pH thực quản là cách chính xác nhất để chẩn đoán GERD

Điều chỉnh lối sống là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong phác đồ điều trị trào ngược dạ dày. Do đó, người bệnh nên điều chỉnh chế độ ăn uống, hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá, nước ngọt có gas, chocolate, thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng và nhiều gia vị. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc giúp giảm acid dạ dày, tăng cường co thắt cơ vòng thực quản, và đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày.

Trong trường hợp không hiệu quả, bác sĩ có thể xem xét điều trị bằng phẫu thuật.

Trào ngược dạ dày lưỡi trắng có thể được hạn chế và cải thiện bằng các phương pháp tạm thời khác nhau. Tuy vậy, để đẩy lùi hiệu quả triệu chứng này, cần kiểm soát tốt trào ngược dạ dày thực quản.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital