Trào ngược dạ dày – thực quản là hiện tượng các chất dịch có trong dạ dày như pepsin, HCl, dịch mật… trào ngược lên thực quản, gây nên các tổn thương tại thực quản, hầu, họng.
Menu xem nhanh:
Dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản
Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh nhân đó là ợ chua, ợ hơi, nóng rát sau xương ức, vị chua trong miệng, đau rát họng. Triệu chứng này trầm trọng hơn vào ban đêm, ở tư thế nằm. Một số dấu hiệu ít gặp hơn là ợ từng đợt, nấc, thiếu máu nhược sắc do viêm thực quản chảy máu rỉ rả…
Biến chứng của trào ngược dạ dày
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như:
- Viêm loét thực quản, nếu nặng và kéo dài đưa đến hẹp thực quản. Viêm loét thực quản cũng có thể gây chảy máu.
- Barret thực quản: trào ngược dạ dày thực quản diễn ra trong một thời gian dài làm cho niêm mạc thực quản biến đổi tựa như niêm mạc ruột, gọi là Barrett thực quản. Barrett thực quản là tổn thương tiền ung thư, có thể chuyển thành ung thư thực quản. Khi đã chuyển thành barrett thực quản thì không thể điều trị hết bằng thuốc, mà cần theo dõi kỹ bằng nội soi, nếu có dấu hiệu nguy cơ cao chuyển sang ung thư thì can thiệp bằng thủ thuật hoặc là phẫu thuật.
- Viêm phổi: nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ em và người già có thể gây nên viêm phổi do hít dịch trào ngược vào đường thở.
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Các biện pháp điều trị bao gồm: thay đổi lối sống, điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và các thủ thuật khác. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể bởi các nguyên nhân gây bệnh thường không tồn tại riêng lẻ, mà kết hợp trên cùng một bệnh nhân.
Mục tiêu điều trị là làm lành các vết viêm loét trong dạ dày, ngăn chặn stress, giảm tiết acid dạ dày, tăng tốc độ tiêu hóa để làm rỗng dạ dày. Trên thực tế, việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn.