Bệnh tai mũi họng là thuật ngữ y học chỉ các bệnh lý xảy ra tại các cơ quan này. Các bệnh về tai mũi họng thường có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu không sớm được kiểm soát, điều trị, chúng thường sẽ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu mối liên hệ mật thiết giữa tai, mũi, họng
Tai, mũi, họng bản chất là các hốc thông với nhau. Đối với việc vận hành và duy trì sự sống của cơ thể, tai, mũi và họng là các bộ phận đóng vai trò quan trọng. Cụ thể:
– Tai: Tiếp nhận tất cả mọi âm thanh xung quanh, từ đó góp phần giúp cơ thể có thể giữ được thăng bằng tốt hơn;
– Mũi: Không chỉ nhận biết tất cả các mùi hương, mũi còn giúp làm ẩm không khí trước khi vào phổi. Không những thế, mũi còn có tác dụng ngăn chặn các loại vi sinh vật gây hại tấn công cơ thể. Đặc biệt. mũi còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến vị giác.
– Họng: Có vai trò như một “người vận chuyển” giúp đưa không khí vào phổi và thức ăn vào hệ tiêu hóa.
Chính nhờ cấu tạo giải phẫu sinh lý thông nhau đặc biệt nên chỉ cần một trong ba bộ phận gặp vấn đề sức khỏe thì cả hai bộ phận còn lại cũng không tránh khỏi liên lụy. Khi xảy ra các bệnh về tai, mũi, họng, chúng không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt mà còn có nguy cơ để lại nhiều biến chứng.
2. Điểm mặt 4 bệnh tai mũi họng thường gặp
2.1. Viêm mũi dị ứng – Bệnh tai mũi họng phổ biến nhất
Có rất nhiều nguyên do gây ra viêm mũi dị ứng nhưng phổ biến nhất là các yếu tố như:
– Thời tiết thay đổi đột ngột khiến mũi không kịp thích nghi;
– Ô nhiễm môi trường, không khí có quá nhiều khói bụi, khói thuốc lá, khí thải độc hại… và các loại vi sinh vật gây hại như virus, vi khuẩn, nấm mốc…;
– Một số tác nhân gây dị ứng khác như lông động vật, phấn hoa…;
– Cơ địa nhạy cảm;
Nếu bạn không có động thái can thiệp để kiểm soát và điều trị dứt điểm các triệu chứng viêm mũi dị ứng, bệnh sẽ nhanh chóng trở thành mạn tính. Khi đó, bệnh không chỉ tái diễn nhiều lần mà còn rất khó để điều trị dứt điểm. Không những thế, bệnh còn gây ra các triệu chứng khó chịu như: Ù tai, đau nhức đầu âm ỉ, kéo dài… Có thể thấy những dấu hiệu này rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh viêm mũi xoang.
Viêm mũi dị ứng không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh hoạt. Không ít trường hợp bị viêm mũi dị ứng gặp phải hiện tượng rối loạn khứu giác hay ngủ ngáy.
2.2. Viêm amidan – Bệnh tai mũi họng có thể xảy ra ở mọi đối tượng
Viêm amidan là bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn là trẻ nhỏ, người cao tuổi, bà bầu và những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch.
Viêm amidan khiến người bệnh đau họng dữ đội, đặc biệt là khi nói và khi nuốt. Bệnh do rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do sự tấn công ồ ạt của các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.
Bệnh ở giai đoạn khởi phát, người bệnh chỉ cần dùng thuốc để điều trị. Tuy nhiên, bệnh trở thành mạn tính, có thể người bệnh cần phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ amidan. Bởi lẽ, viêm amidan mạn tính có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng:
– Nhiễm trùng gây áp xe amidan, biến amidan trở thành “ổ” viêm và là nguyên nhân gây ra loạt bệnh nhiễm trùng vùng lân cận như: viêm răng, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai…
– Vi khuẩn ở amidan có thể từ nước bọt, xâm nhập vào sâu cơ thể gây ra viêm màng tim, viêm cầu thận… nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng huyết;
– Viêm amidan khiến amidan phì đại quá phát, gây ra chứng ngủ ngáy, thậm chí là ngưng thở khi ngủ;
– “Xác” vi khuẩn và tế bào chết tích tụ trong các hốc amidan gây hôi miệng;
2.3. Nhiễm trùng tai – Bệnh lý về tai phổ biến
Phần lớn, tai bị viêm nhiễm có thể là do:
– Vi sinh vật hoặc các tác nhân gây bệnh xâm nhập và bị mắc kẹt bên trong tai;
– Chất lỏng hoặc dịch nhầy (đặc trưng ráy tai, dịch mủ do viêm nhiễm hoặc dị ứng) ứ đọng và tích tụ bên trong tai, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật sinh sôi và phát triển.
Triệu chứng điển hình của bệnh nhiễm trùng tai là hiện tượng chảy dịch và cảm giác đau nhức dữ dội, lan ra khắp má, sau tai, thái dương… Thậm chí, bệnh còn khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc tiếp nhận âm thanh và giữ thăng bằng. Đối với trẻ nhỏ, bệnh có nguy cơ gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ.
Bệnh viêm tai có thể xảy ra ở tất cả mọi người nhưng chủ yếu là ở những người:
– Thường xuyên bơi lặn;
– Ráy tai ướt;
– Thường xuyên dùng tai nghe hoặc máy trợ thính;
– Nghe nhạc âm lượng lớn hoặc hay tiếp xúc với những nơi có tiếng ồn lớn;
2.4. Viêm xoang – Bệnh lý về mũi gây ra nhiều biến chứng
Xoang là hệ thống các hốc rỗng nằm trong sọ mặt, rải rác ở hai bên mũi, từ hàm trên đến giữa trán. Các hốc xoang được bao phủ bởi một lớp niêm mạc. Khi lớp niêm mạc này bị các loại vi sinh vật sẽ gây ra hiện tượng nhiễm trùng, được gọi là viêm xoang.
Tùy vào vị trí, viêm xoang được chia thành các loại:
– Viêm xoang hàm;
– Viêm xoàng trán;
– Viêm xoang bướm;
– Viêm xoang sàng trước;
– Viêm xoang sàng sau;
Chính vì nằm ở những vị trí phức tạp và nhạy cảm nên viêm xoang gây ra nhiều ảnh hưởng đến các bộ phận xung quanh như: Đau nhức răng hàm trên, họng, má, trán, hốc mắt, thái dương, đỉnh đầu… Không những thế, biến chứng của viêm xoang cũng rất nghiêm trọng:
– Biến chứng đến mắt: Viêm mắt, áp xe mắt, viêm dây thần kinh thị giác… Lâu dài, người bệnh có nguy có bị suy giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn nếu không điều trị;
– Biến chứng đến não: Viêm màng não, nhiễm trùng não;
– Biến chứng đến tai, mũi, họng: Viêm amidan, viêm họng, viêm mũi, viêm tai…;
– Biến chứng đến mạch máu: Gây viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng huyết…;
Có thể nói, các bệnh về tai mũi họng rất dễ mắc và để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm. Hy vọng, bài viết này đã giúp các bạn hiểu được mối quan hệ giữa ba bộ phận này, từ đó hiểu hơn về các bệnh tai mũi họng và biết cách phòng ngừa ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe!