Bệnh lý nhãn khoa glocom nếu không được điều trị kịp thời, có thể làm dây thần kinh thị giác bị tổn thương, dẫn đến thị lực mất không hồi phục. Điều trị tăng nhãn áp về cơ bản là có 4 phương pháp. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ thông tin chi tiết 4 cách điều trị bệnh glocom, đọc ngay bạn nhé!
Thủy dịch ở phần trước nhãn cầu có nhiệm vụ tạo hình và nuôi dưỡng nhãn cầu. Thủy dịch mới được nhãn cầu sản xuất liên tục. Khi thủy dịch mới ra đời, thủy dịch cũ thoát khỏi nhãn cầu thông qua một hệ thống cố định, nhờ vậy nhãn áp hay IOP luôn được giữ ổn định. Tuy nhiên, nếu hệ thống này không hoạt động bình thường vì nguyên nhân nào đó, thủy dịch không thoát hoặc thoát khỏi nhãn cầu rất chậm, nhãn áp sẽ tăng, gây bệnh glocom.
Bệnh glocom có hai loại phổ biến:
– Glocom góc mở: Glocom góc mở là loại glocom phát sinh khi thủy dịch thoát kém dù cấu trúc dẫn lưu vẫn hoạt động tốt. Glocom loại này còn được gọi là glocom âm thầm, vì nó không biểu hiện rõ ràng, ngay cả khi người bệnh đã mất một phần thị lực. Thông thường, glocom góc mở chỉ được phát hiện khi ở giai đoạn nặng hoặc khi người bệnh thăm khám vì một nguyên nhân khác.
– Glocom góc đóng: Glocom góc đóng là loại glocom phát sinh khi thủy dịch thoát kém do cấu trúc dẫn lưu (không gian giữa mống mắt và giác mạc) hoạt động kém. Người bệnh glocom góc đóng thường đột ngột đau mắt và suy giảm thị lực.
Menu xem nhanh:
1. 4 phương pháp điều trị bệnh glocom
Một điều đáng buồn là những tổn thương mà glocom gây ra cho người bệnh có thể sẽ tồn tại vĩnh viễn. Mặc dù vậy, điều trị tích cực glocom vẫn giúp người bệnh hạn chế chúng tiến triển trầm trọng. Dưới đây là 4 phương pháp điều trị bệnh glocom bạn có thể tham khảo:
1.1. Cách điều trị bệnh glocom bằng thuốc nhỏ mắt
Thuốc nhỏ mắt thường được bác sĩ chỉ định để điều trị bệnh glocom trong giai đoạn đầu, với mục đích cải thiện quá trình thoát thủy dịch, giảm thủy dịch trong nhãn cầu. Các thuốc nhỏ mắt điều trị bệnh glocom phổ biến là prostaglandin, chất ức chế anhydrase carbonic, thuốc co đồng tử, thuốc chẹn beta, chất đồng vận alpha, chất ức chế rho kinase.
Các thuốc này có nhiều tác dụng phụ như cay mắt, đỏ mắt, làm thay đổi màu mắt hoặc màu da xung quanh mắt, đau đầu, khô miệng, khó thở… Tuy nhiên, các tác dụng phụ này của chúng vẫn có thể được hạn chế nếu bạn nhắm mắt 1 – 2 phút sau nhỏ thuốc hoặc ấn nhẹ khóe mắt, nơi gần mũi và lau sạch thuốc tràn khỏi mắt, thời gian ấn khóe mắt cũng là 1 – 2 phút. Bạn cũng nên sử dụng thêm nước mắt nhân tạo để hạn chế tác dụng phụ của thuốc nhỏ mắt điều trị glocom. Nước mắt nhân tạo bạn dùng nên chứa natri hyaluronate.
1.2. Cách điều trị bệnh glocom bằng laser
Bác sĩ sẽ xem xét điều trị laser bệnh glocom nếu điều trị bằng thuốc nhỏ mắt không hiệu quả:
– Laser Trabeculoplasty: Phương pháp này sử dụng laser để mở cấu trúc dẫn lưu thủy dịch.
– Laser Cyclodiode: Phương pháp này sử dụng laser để phá hủy một số mô tạo thủy dịch để giảm lượng thủy dịch được sản xuất.
– Laser Iridotomy: Phương pháp này sử dụng laser để mở các lỗ trong mống mắt, giúp thủy dịch thoát qua các lỗ đó.
Sau điều trị laser, không loại trừ khả năng người bệnh vẫn cần dùng thuốc nhỏ mắt để tiếp tục điều trị.
1.3. Cách điều trị bệnh glocom bằng thuốc uống
Để tăng sự thoát thủy dịch hoặc giảm lượng thủy dịch được sản xuất, bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc như thuốc chẹn beta, chất ức chế anhydrase carbonic.
Tuy nhiên, tương tự như thuốc nhỏ mắt, thuốc uống điều trị bệnh glocom cũng có nhiều tác dụng phụ bạn cần lưu ý. Đó là tiểu nhiều, ngứa ở ngón tay, ngón chân, đau dạ dày, sỏi thận, trầm cảm…
1.4. Cách điều trị bệnh glocom bằng phẫu thuật
Nếu thuốc điều trị bệnh glocom không phát huy tác dụng, phẫu thuật là phương pháp được bác sĩ chỉ định cho người bệnh. Theo đó, người bệnh có thể sẽ được phẫu thuật bằng một trong hai phương pháp sau:
– Cắt bè củng giác mạc: Trong phương pháp phẫu thuật bệnh glocom này, bác sĩ sẽ mở một khe trong củng mạc và một sẹo bọng trong kết mạc. Thủy dịch có thể thoát qua khe và vào trong sẹo bọng này. Tại sẹo bọng, các mô xung quanh sẽ hấp thụ thủy dịch, từ đó nhãn áp được giảm.
– Cấy ghép dẫn lưu: Trong phương pháp phẫu thuật bệnh glocom này, bác sĩ sẽ dùng chèn một ống silicon vào nhãn cầu, để cải thiện khả năng dẫn lưu thủy dịch. Trẻ em hoặc các trường hợp glocom phát sinh do các tình trạng sức khỏe khác là đối tượng thường được chỉ định phương pháp cấy ghép dẫn lưu.
2. Một số lưu ý kiểm soát bệnh glocom khác
Bên cạnh tuân thủ các chỉ định điều trị phía trên, người bệnh cũng cần thực hiện một số lưu ý kiểm soát bệnh glocom trong sinh hoạt hàng ngày như sau:
– Ăn uống lành mạnh: Ăn uống đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng là đạm, chất béo, tinh bột, Vitamin và khoáng chất. Trong đó, tăng cường tiêu thụ các Vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe thị giác như kẽm, Vitamin A, C, E…
– Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày: Tập thể dụng thường xuyên rất có ích trong kiểm soát bệnh glocom góc mở. Bởi thế, mỗi ngày, hãy cố gắng vận động tối thiểu 30 phút.
– Kê cao đầu khi ngủ: Kê cao đầu, khoảng 20 độ, khi ngủ bằng một chiếc gối mềm có thể giúp giảm nhãn áp hiệu quả.
– Bảo vệ mắt cẩn thận: Đeo kính râm hoặc các loại kính khác khi làm việc với các thiết bị điện tử, khi chơi thể thao và khi ra ngoài nói chung, để bảo vệ mắt.
Phía trên là thông tin về 4 cách điều trị bệnh glocom. Theo đó, khi có triệu chứng bệnh lý nhãn khoa này, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín gần nhất càng sớm càng tốt. Tại đó, bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán xác định và chỉ định phương pháp điều trị bệnh glocom phù hợp cho người bệnh. Hy vọng rằng, với những thông tin này, sức khỏe thị lực của bạn và gia đình sẽ được bảo vệ an toàn.