Viêm loét dạ dày tá tràng trẻ em là bệnh khá phổ biến ở nước ta. Hiện nay ngày càng có nhiều trẻ em bị bệnh do chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học. Các bé còn nhỏ chưa tự ý thức được việc bảo vệ sức khỏe. Vì vậy các bậc phụ huynh cần nắm vững các kiến thức cơ bản để giúp con nhận biết và phòng tránh bệnh sớm.
Menu xem nhanh:
1. Một số nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em
Viêm loét dạ dày tá tràng trẻ em là bệnh lý thuộc hệ tiêu hóa. Bệnh được chia thành hai nhóm: Tiên phát và thứ phát. Bệnh khởi phát từ nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau.
1.1 Vi khuẩn HP
Đa phần các trường hợp mắc bệnh viêm loét dạ dày trẻ em là do nhiễm vi khuẩn HP. Vi khuẩn sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ sống trong lớp nhầy của niêm mạc dạ dày. Khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ tiết ra độc tố gây kích thích làm dạ dày tá tràng bị viêm loét.
1.2 Các nguyên nhân
Viêm loét dạ dày tá tràng thứ phát do một số bệnh như: Suy thận, choáng, stress thuốc ( corticoides, kháng viêm không steroids, aspirin,…), nhiễm trùng,…
1.3 Viêm loét dạ dày tá tràng trẻ em do môi trường sống không đảm bảo
Viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em thường xuất hiện ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân là ở các nước này kinh tế xã hội còn kém, văn hóa thấp, nguồn nước ô nhiễm,…Nhiều người vẫn còn giữ thói quen nhai cơm, mớm cơm cho trẻ dẫn tới lây nhiễm chéo giữa các thành viên trong gia đình.
2. Triệu chứng viêm dạ dày trẻ em cần lưu ý
Triệu chứng viêm loét dạ dày ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn tuy nhiên khó phát hiện hơn. Đôi khi các bé chưa thể nhận biết được các dấu hiệu khi bị bệnh vì thế các bậc cha mẹ cần hiểu rõ về các triệu chứng nhằm giúp con phát hiện bệnh sớm.
2.1 Trẻ bị đau bụng vùng thượng vị
Trẻ sẽ thường cảm thấy đau bụng ở vùng thượng vị. Cơn đau có thể xuất hiện ở các mức độ khác nhau từ âm ỉ tới dữ dội tùy thuộc vào mức độ viêm loét. Thời gian diễn ra cơn đau thường kéo dài vài phút hoặc có thể lên tới vài tiếng đồng hồ. Cơn đau thường liên quan tới bữa ăn như đau sau khi ăn hoặc khi đói.
2.2 Buồn nôn, ợ hơi
Trẻ thường có cảm giác buồn nôn và nôn sau khi ăn no. Hiện tượng này xảy ra do ảnh hưởng của các vết loét khiến dạ dày co bóp mạnh. Bên cạnh đó khi dạ dày tá tràng gặp vấn đề sẽ khiến hoạt động tiêu hóa bị ngưng trệ. Thức ăn khi đưa vào dạ dày không thể tiêu hóa hết tích tụ lại. Chúng lên men và tạo thành hơi đẩy lên cổ họng gây ợ hơi, ợ chua.
2.3 Khó tiêu, chán ăn
Lượng thức ăn không được tiêu hóa hết trong dạ dày sẽ khiến cho trẻ luôn có cảm giác đầy bụng. Tình trạng này kéo dài gây ra lười ăn, chán ăn. Cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ bị thiếu hụt dưỡng chất dẫn tới suy nhược, giảm cân đột ngột.
2.4 Rối loạn tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng trẻ em
Một trong các dấu hiệu thường gặp khi trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng là rối loạn tiêu hóa. Biểu hiện là trẻ thường bị tiêu chảy xen kẽ táo bón. Dạ dày và tá tràng bị viêm loét gây ra ảnh hưởng tới toàn bộ hệ tiêu hóa do đây là cơ quan hoạt động thống nhất.
Nếu trẻ có dấu hiệu đau bụng dữ dội và kéo dài cha mẹ cần đưa con đi khám ngay. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời nhằm tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm.
3. Chế độ ăn cho trẻ em bị viêm loét dạ dày tá tràng
Nếu không may trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng thì cha mẹ cần hết sức lưu ý đến chế độ ăn uống của con. Ăn uống đủ chất giúp nâng cao sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời các bậc phụ huynh cũng cần hạn chế con ăn các loại thức ăn không tốt cho dạ dày tá tràng.
– Bổ sung đầy đủ các nhóm dinh dưỡng: Vitamin, muối khoáng, vi chất,…phù hợp với trẻ. Cung cấp đủ vitamin thiết yếu giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa. Tăng cường khả năng hấp thu dinh dưỡng, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
– Cho con ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm gánh nặng lên hệ tiêu hóa. Thức ăn nên được chế biến bằng cách hầm nhừ, luộc, nghiền nát
– Không nên vừa ăn vừa uống. Đặc biệt nên hạn chế uống nước có gas
– Sử dụng nguồn protein dễ tiêu từ: Nạc vai lợn, lườn gà, trứng ( hấp, dạng kem caramen, súp), sữa và các chế phẩm từ sữa
– Hạn chế ăn thực phẩm gây kích thích dạ dày: Lạp sườn, xúc xích, thức ăn quá cứng, rau quả nhiều chất xơ, rau sống, đồ muối chua, thức ăn chua cay, đồ chiên xào chứa lượng dầu mỡ lớn
– Tận dụng nguồn vitamin, beta – caroten đến từ khoai lang, khoai tây
– Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm vì hệ tiêu hóa của các bé còn non nớt
– Các bé dưới 6 tháng tuổi chỉ nên cho bú sữa mẹ và bú nhiều cữ trong ngày. Đối với trẻ lớn hơn không nên ăn cơm cùng cạnh vì bé sẽ không chịu mà mà nuốt chửng gây gánh nặng cho dạ dày.
4. Phòng ngừa viêm dạ dày tá tràng trẻ em
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý rất dễ mắc phải. Bên cạnh đó thì bệnh còn rất dễ tái nhiễm. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần có biện pháp phòng bệnh từ sớm cho con.
– Khuyến khích trẻ luyện tập thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi. Việc này giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, tránh xa bệnh tật
– Hạn chế con chơi điện tử, xem điện thoại, ti vi quá nhiều
– Khuyến khích con nghỉ ngơi đúng giờ, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya
– Bố mẹ cũng nên dành thời gian trò chuyện, tâm sự cùng con để giảm bớt căng thẳng trong học tập và cuộc sống
– Tuyệt đối không được mớm cơm cho con để tránh lây nhiễm vi khuẩn HP từ người lớn sang trẻ nhỏ
– Tạo cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cùng xà phòng
– Sắm cho trẻ đồ dùng cá nhân, bát, cốc riêng. Tuyệt đối không nên để trẻ sử dụng chung đồ với người lớn đang mắc bệnh
Mong rằng với những thông tin về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng trẻ em đã trang bị cho các bậc phụ huynh các kiến thức cần thiết. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con phát hiện bệnh sớm. Nếu trẻ không may bị bệnh cần được thăm khám và điều trị ngay để tránh gây ra biến chứng nguy hiểm.