Tăng nhãn áp là bệnh lý thường gặp ở mắt, ảnh hưởng lớn tới thị lực và có thể dẫn tới mù loà nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị sớm. Cùng tìm hiểu về bệnh tăng nhãn áp và triệu chứng cụ thể của bệnh để nhận biết và chủ động điều trị khoa học ngay trong bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Tăng nhãn áp là bệnh gì?
Mắt khoẻ mạnh có dạng quả cầu, đường kính 2cm, chứa một dung dịch có thể nuôi dưỡng các cơ quan trong mắt, được gọi là thuỷ dịch. Trong một số trường hợp, thuỷ dịch bị bít tắc do không thể thoát ra khỏi mắt thì sẽ khiến cho áp suất trong mắt tăng cao. Từ đó, hình thành nên bệnh tăng nhãn áp, hay còn gọi là glocom, thiên đầu thống.
Bệnh lý này gây tổn tương thị trường mắt, lõm teo đĩa thị vì nhãn áp trong mắt tăng quá cao. Tăng nhãn áp ảnh hưởng lớn tới thị lực của người bệnh, đặc biệt là khi phát hiện muộn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tăng nhãn áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu có thể dẫn tới mù loà ở người bệnh, chỉ đứng sau đục thuỷ tinh thể và bệnh bán phần sau của mắt. Hiện nay, có tới hơn 24 nghìn người Việt bị mù loà do tăng nhãn áp gây ra và con số này đang ngày càng tăng lên, trẻ hoá.
2. Tăng nhãn áp và triệu chứng
Tăng nhãn áp là bệnh về mắt nguy hiểm, có nhiều hình thái với các cơ chế bệnh sinh khác nhau. Do đó, biểu hiện lâm sàng của từng hình thái bệnh cũng khác nhau.
2.1. Tăng nhãn áp góc đóng cơn cấp
Khi mắc tăng nhãn áp hình thái góc đóng đơn cấp, người bệnh thường rơi vào tình trạng:
– Đau nhức mắt dữ dội
– Mắt đỏ
– Mi mắt sưng nề
– Chảy nước mắt
– Sợ ánh sáng
– Nhìn mờ, có quầng xanh đỏ
– Kết mạc cương tụ rìa mạnh
– Giác mạc phù nề
– Tiền phòng nông, không trong
– Đồng tử mất phản xạ, giãn méo
– Bờ đồng tử mất viền sắc tố,
– Mống mắt cương tụ
– Thể thủy tinh đục
– Rạn bao thể thủy tinh
– Dịch kính phù nề
– Không soi rõ đáy mắt
– Nhãn cầu căng cứng…
2.2. Tăng nhãn áp góc đóng bán cấp
Đối với hình thái tăng nhãn áp góc đóng bán cấp, người bệnh thường gặp phải tình trạng:
– Đau nhức mắt, nhức đầu
– Nhìn mờ
– Kết mạc cương tụ nhẹ
– Giác mạc phù nề nhẹ
– Tiền phòng nông
– Đồng tử giãn méo
– Mống mắt có đám thoái hóa
– Mất viền sắc tố bờ đồng tử
– Thể thủy tinh phù nhẹ
– Lõm teo đĩa thị giác…
2.3. Tăng nhãn áp góc đóng mạn tính
Hình thái này thường không quá phổ biến và có rất ít triệu chứng có thể nhận biết thông thường. Người bệnh thường chỉ đau nhức nhẹ vùng mắt, nhìn mờ, thị lực giảm từ từ. Chỉ tới khi thị lực giảm nặng hoặc gần như mất hoàn toàn thì người bệnh mới ý thức được và đi khám.
2.4. Tăng nhãn áp góc mở
Hình thái tăng nhãn áp góc mở thường xuất hiện âm thầm với các triệu chứng không quá rõ ràng như:
– Thị lực giảm
– Cảm giác nặng mắt
– Nhìn mờ
– Có quầng xanh đỏ…
Đôi khi, triệu chứng bệnh chỉ xuất hiện một cách bất chợt và không rõ nét khiến người bệnh thường chủ quan.
Nhìn chung, tăng nhãn áp là một bệnh lý có thể gây suy giảm thị lực mạnh, thậm chí mù loà nên việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng. Nếu nhận thấy bản thân có các triệu chứng bất thường kể trên, người bệnh nên đi khám ngay để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh tăng nhãn áp có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ đối tượng nào do nguyên nhân chính là thuỷ dịch không thể thoát ra ngoài và lưu thông để nuôi dưỡng các cơ quan trong mắt. Phần lớn người mắc bệnh là do di truyền, có nghĩa là bệnh sẽ truyền từ các thành viên trong gia đình như cha mẹ, con cái.
Ngoài ra, một nguyên nhân hiếm gặp và ít phổ biến hơn dẫn tới tăng nhãn áp là chấn thương hoặc bị tác động hoá học vào mắt. Tình trạng này dẫn tới nhiễm trùng mắt, khiến các mạch máu bị chặn lại và gây ra áp suất lớn bên trong mắt.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra, trong quá trình phẫu thuật mắt để điều trị bệnh lý nhãn khoa cũng có thể gây tác động và dẫn tới tăng nhãn áp. Tuy vậy, nguy cơ này chiếm tỷ lệ người mắc bệnh vô cùng nhỏ.
4. Nguyên tắc điều trị
Việc điều trị tăng nhãn áp hiện nay được đánh giá là chưa có phương pháp đặc hiệu. Phần lớn các phương pháp đều mang tính chất khắc phục hoặc làm giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn.
Theo đó:
4.1. Phương pháp chẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp dựa trên các kỹ thuật kiểm tra thị lực của người bệnh. Phát hiện tổn thương đặc biệu của bệnh thông qua việc kiểm tra thị lực, đo nhãn áp, kiểm tra thị trường mắt và soi đáy mắt.
Cần lưu ý, một số người mắc cao huyết áp, tiểu đường sẽ có nguy cơ cao bị tăng nhãn áp hơn so với người khoẻ mạnh bình thường. Vì vậy, mọi người nên thăm khám nhãn khao thường xuyên hoặc ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường.
4.2. Biện pháp điều trị
Dựa vào đặc trưng thể trạng, mức độ bệnh lý để bác sĩ đưa ra phương án điều trị bệnh phù hợp với từng người. Nguyên tắc chung trong việc điều trị chính là ổn định nhãn áp. Từ đó, giảm thiểu nguy cơ hệ thống thần kinh thị giác bị tổn thương và dẫn tới mù loà.
Việc điều trị có thể sử dụng thuốc, laser hoặc phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ:
– Thuốc và laser sẽ thay đổi hệ thống bài tiết và giúp thuỷ dịch có thể lưu thông ở trong mắt.
– Phẫu thuật cắt bè củng mạc để tạo một đường lưu thông giữa tiền phòng, tăng khả năng thuỷ dịch lưu thông.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được kiểm tra thị lực thường xuyên, sinh hoạt với một lối sống lành mạnh để đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị lực.
Như vậy có thể thấy, việc nhận biết sớm tăng nhãn áp và triệu chứng đóng vai trò vô cùng quan trọng để mọi người có thể kiểm soát tình trạng sức khỏe thị lực của bản thân. Ngay khi phát hiện thấy dấu hiệu lạ ở mắt, mọi người nên tới các cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị đúng với phác đồ bác sĩ đưa ra.