Nhiễm khuẩn tiết niệu xảy ra ở tất cả các bộ phận trong hệ tiết niệu. Căn bệnh này không nặng nhưng lại dễ tái phát và gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phòng ngừa và điều trị sớm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin cho độc giả về tình trạng bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân nào gây nhiễm khuẩn tiết niệu ?
Nhiễm khuẩn tiết niệu thường do vi khuẩn E.Coli gặp trong khoảng 80% các trường hợp.
Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh còn do mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp là Chlammydia, lậu cầu…
Ở phụ nữ: Trong trường hợp viêm bàng quang tái phát ở phụ nữ (trên 3 lần/năm), đặc biệt là viêm bàng quang sau giao hợp, các nguyên nhân thường do bất thường giải phẫu (hẹp lỗ tiểu, túi thừa niệu đạo…); Việc lau tại chỗ từ sau ra phía trước sau khi đại tiện dễ gây nhiễm khuẩn tiết niệu do đã kéo vi trùng có trong phân từ hậu môn đến lỗ tiểu.
Vệ sinh không đúng cách sau khi giao hợp, khi kinh nguyệt, hay tình trạng táo bón thường xuyên cũng gây nhiễm khuẩn tiết niệu.
Ở nam giới: Nhiễm khuẩn tiết niệu thường gặp là viêm niệu đạo do quan hệ tình dục không an toàn. Ở đàn ông cao tuổi, nhiễm khuẩn tiết niệu thường gặp nhất liên quan đến bệnh phì đại tuyến tiền liệt gây chèn ép niệu đạo gây tắc dưới cổ bàng quang dẫn đến sự ứ đọng nước tiểu.
Ở trẻ em: Nguyên nhân gây bệnh là do dị dạng tiết niệu bẩm sinh
2. Biểu hiện của bệnh thế nào?
Đôi khi nhiễm khuẩn tiết niệu không có triệu chứng gì nhất là ở người cao tuổi, ngoài sốt đơn thuần.
Viêm bàng quang thể hiện với tiểu buốt và tiểu dắt, tiểu máu, nước tiểu đục, hôi. Thường có đau vùng bụng dưới.
Viêm niệu đạo có biểu hiện như viêm bàng quang và có thể kèm theo có mủ chảy ra từ lỗ tiểu. Thường do bệnh lây truyền qua đường tình dục.
3. Nhiễm khuẩn tiết niệu có thể gây biến chứng?
Nếu không phát hiện và điều trị sớm, nhiễm khuẩn tiết niệu sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Nhiễm khuẩn tiết niệu thấp (viêm bàng quang, viêm niệu đạo) nếu điều trị muộn hoặc điều trị không hiệu quả sẽ diễn biến thành nhiễm khuẩn ngược dòng gây viêm thận bể thận.
Nhiễm khuẩn tiết niệu có sốt (viêm thận bể thận, viêm tiền liệt tuyến) có thể dẫn đến biến chứng nhiễm khuẩn máu (vi trùng xâm nhập máu) với nguy cơ sốc nhiễm trùng rất nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiễm khuẩn có thể gây áp-xe thận, hủy hoại thận hoặc có thể dẫn đến suy thận.
Viêm tiền liệt tuyến có thể gây biến chứng đặc hiệu là bí tiểu cấp tính hoặc viêm tinh hoàn.
Với phụ nữ có thai, tất cả các dạng nhiễm khuẩn tiết niệu đều nguy hiểm cho mẹ và cả thai nhi với nguy cơ sảy thai hoặc đẻ non.
4. Điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu như thế nào?
Các nhiễm khuẩn tiết niệu phải được điều trị hiệu quả ngay từ khi có triệu chứng đầu tiên để tránh dẫn đến biến chứng nặng. Tuyệt đối không tự điều trị, nhất là không tự dùng lại số thuốc còn thừa của lần điều trị trước. Sử dụng kháng sinh bừa bãi dễ dẫn đến tình trạng vi khuẩn nhờn thuốc.
Chính vì thế khi thấy những dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và có chỉ định điều trị phù hợp.