Tìm hiểu về nguyên nhân và cách điều trị ung thư dạ dày

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Theo Globocan 2020, ung thư dạ dày đứng thứ 4 về số ca mắc mới và đứng thứ 3 về tỉ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam. Cùng tìm hiểu thêm về nguyên nhân và cách điều trị ung thư dạ dày qua bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày bắt nguồn từ sự phát triển bất thường và ngoài kiểm soát của các tế bào trong dạ dày. Sự biến đổi bất thường này sẽ dần tiến triển và tạo nên tổn thương ung thư dạng chồi sùi hoặc dạng loét.

Trong giai đoạn mới hình thành khối u, những tổn thương bên trong chưa biểu hiện rõ qua các triệu chứng trên cơ thể người bệnh. Chính vì vậy, bệnh khó được phát hiện nếu không tầm soát sớm bằng các phương pháp chẩn đoán hiện đại.

Ung thư dạ dày có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong dạ dày, phổ biến nhất là tổn thương phần thân dạ dày và phần giao nhau của dạ dày với thực quản.

Nguyên nhân và cách điều trị ung thư dạ dày như thế nào

Ung thư dạ dày nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa và đe dọa tính mạng người bệnh

Các giai đoạn phát triển của ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày được chia thành 5 giai đoạn phát triển, mức độ tổn thương ở mỗi giai đoạn không giống nhau. Cụ thể:

– Giai đoạn 0: là giai đoạn sớm nhất, khối u chỉ mới xuất hiện ở niêm mạc dạ dày.

– Giai đoạn 1: khối u đã gây tổn thương lớp thứ 2 của dạ dày.

– Giai đoạn 2: tế bào ung thư lan sang lớp niêm mạc dạ dày.

– Giai đoạn 3: tế bào ung thư xâm lấn vào hạch bạch huyết và lan sang cả các cơ quan khác trong cơ thể.

– Giai đoạn 4: tế bào ung thư đã di căn xa, lan ra khắp cơ thể, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh.

2. Nguyên nhân gây nên ung thư dạ dày

Nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày thường liên quan đến một số tổn thương tiền ung thư và các yếu tố về môi trường, nội sinh hay di truyền. Điển hình là những nguyên nhân dưới đây.

2.1. Tổn thương tiền ung thư

Viêm dạ dày mãn tính, viêm teo mãn tính niêm mạc dạ dày, biến đổi dị sản tế bào dạ dày, biến đổi loạn sản tế bào dạ dày,… nếu không được điều trị kịp thời đều có thể dẫn tới ung thư dạ dày.

Nguyên nhân và cách điều trị ung thư dạ dày - viêm dạ dày

Tình trạng viêm dạ dày kéo dài có thể dẫn đến ung thư dạ dày

2.2. Vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP có thể gây nên những tổn thương tiền ung thư như viêm loét niêm mạc dạ dày. Loại vi khuẩn này dễ lây lan khi chúng ta dùng chung bát, đũa, chén, cốc,… nên bạn cần chú ý khi đi ăn tại các nhà hàng hay quán ăn bên ngoài.

2.3. Chế độ ăn uống

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của ung thư dạ dày. Khi ăn nhiều các loại thực phẩm mặn, nhiều muối, đặc biệt là các món như dưa muối, cà muối, thịt cá muối, thịt nướng, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh,… sẽ dễ làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Những món ăn này cũng thúc đẩy vi khuẩn HP phát triển nhanh và hoạt động nhiều hơn.

Bên cạnh đó, thói quen ăn quá nhanh cũng là nguyên nhân dễ làm dạ dày tổn thương do thức ăn chưa được nhai kỹ, enzym trong nước bọt cũng chưa kịp tiết ra để phân hủy thức ăn. Lúc này, thức ăn sẽ đi xuống dạ dày khi lượng dịch vị còn chưa đủ để chúng được tiêu hóa nên dễ bị ứ đọng và gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày, tăng tiết axit, làm dạ dày viêm loét. Theo thời gian, những tổn thương này sẽ dần dẫn đến ung thư dạ dày.

2.4. Lạm dụng thuốc lá, đồ uống có cồn

Uống quá nhiều rượu, bia cũng là nguyên nhân khá phổ biến gây nên ung thư dạ dày, hút thuốc lá cũng vậy.

Lý do là nicotin trong thuốc lá có thể phá hủy hệ hô hấp và hệ tiêu hóa. Khi hít phải khói thuốc, chất cortisol sẽ được sản sinh ra nhiều hơn làm cho tình trạng viêm loét nặng hơn, niêm mạc dạ dày dần bị suy yếu đi.

Nguyên nhân và cách điều trị ung thư dạ dày - hút thuốc lá

Hút thuốc lá sẽ làm tổn thương dạ dày, tạo điều kiện cho các tế bào ung thư phát triển

2.5. Yếu tố di truyền

Nếu trong gia đình có người thân từng mắc hay đang mắc ung thư dạ dày thì tỉ lệ mắc bệnh ở các thành viên khác cũng cao hơn. Do đó, hãy thường xuyên khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ để có thể phát hiện ra bệnh sớm nhất.

2.6. Nhóm máu và bệnh thiếu máu ác tính

Theo kết quả từ nhiều nghiên cứu, nhóm máu cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Cụ thể, những người thuộc nhóm máu O có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các nhóm máu khác đến hơn 30%. Ngoài ra, bệnh thiếu máu ác tính cũng dễ dẫn đến ung thư dạ dày.

2.7. Ô nhiễm môi trường sống

Ngày nay, môi trường ngày càng ô nhiễm, lượng khói bụi và chất thải có trong không khí càng nhiều cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

2.8. Tuổi tác và giới tính

Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, yếu tố tuổi tác và giới tính cũng ảnh hưởng nhất định đến nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Tỉ lệ mắc bệnh ở tuổi trung niên cao hơn nhiều so với người trẻ tuổi, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gần gấp đôi so với nữ giới.

2.9. Từng phẫu thuật dạ dày

Những người đã từng thực hiện phẫu thuật dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn hẳn. Vì vậy, nếu đã từng phẫu thuật dạ dày thì bạn cần thường xuyên thăm khám và kiểm tra sức khỏe để phát hiện bệnh kịp thời.

3. Cách điều trị ung thư dạ dày

Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, kích thước khối u, tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của người bệnh mà bác sĩ có thể lựa chọn các cách điều trị sau:

3.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày là phương pháp đầu tiên và phổ biến nhất để điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Khoảng 10-14 ngày sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể ra viện. Ở giai đoạn cuối, bác sĩ cũng có thể phẫu thuật tạm thời cho bệnh nhân, nhằm lập lại lưu thông của đường tiêu hóa, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

3.2. Xạ trị

Phương pháp này sử dụng các tia phóng xạ năng lượng cao ở mức cho phép để tiêu diệt các tế bào ung thư, hạn chế ảnh hưởng tới các mô lành xung quanh.

Trong điều trị ung thư dạ dày, xạ trị thường được kết hợp sau phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại. Xạ trị có thể kết hợp với hóa trị để thu nhỏ kích thước khối u và giảm thiểu các triệu chứng của bệnh.

3.3. Hoá trị

Hóa trị là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư nhờ các loại thuốc hóa chất được đưa vào cơ thể thông qua đường uống hoặc tiêm. Hóa trị có thể được sử dụng đồng thời để hỗ trợ cho phẫu thuật và xạ trị, nhằm mục đích xử các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể, ngăn chặn ung thư tái phát.

3.4. Điều trị miễn dịch

Đây là phương pháp kích thích hệ miễn dịch của người bệnh tự chống lại và tiêu diệt tế bào ung thư.

Tóm lại, ung thư dạ dày có thể được điều trị thành công nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Nắm được nguyên nhân và cách điều trị ung thư dạ dày sẽ giúp bạn chủ động tầm soát ung thư định kỳ và có cơ hội khỏi bệnh nhanh hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital