Chứng đầy hơi – khó tiêu, trướng bụng là một trong các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, gây ra cảm giác khó chịu sau khi ăn cho người bệnh. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng thường làm giảm chất lượng bữa ăn hằng ngày của bệnh nhân, lâu ngày dẫn đến tình trạng chán ăn và ảnh hưởng đến việc hấp thu các chất dinh dưỡng của cơ thể.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây đầy hơi, khó tiêu
Chế độ ăn không cân đối: do ăn quá no hoặc ăn nhiều các loại thực phẩm khó tiêu, dễ sinh hơi khiến tiêu hóa chậm. Một số loại thực phẩm dễ gây đầy hơi, khó tiêu là thực phẩm giàu tinh bột, chất xơ, món ăn chiên, rán, xào nhiều dầu mỡ, rượu, bia và đồ uống có ga…
Thói quen ăn uống không khoa học: thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ, ăn không đúng giờ, ngủ ngay sau khi ăn… làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, gây ra tình trạng đầy hơi, khó tiêu.
Rối loạn tiêu hóa: do độc tố từ các loại thức ăn, loạn khuẩn đường ruột, dư axit dịch vị, nhiễm khuẩn gây loét dạ dày – tá tràng… hoặc tình trạng cơ thể suy nhược, mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ kéo dài… gây giảm tiết các men tiêu hóa, giảm nhu động đường tiêu hóa gây trướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.
Bệnh về đường tiêu hóa: một số bệnh về tiêu hóa như viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư dạ dày ảnh hưởng đến khả năng co bóp để tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra các bệnh tuyến tụy, bệnh sỏi mật, viêm gan cũng đẫn đến suy giảm chức năng gan – mật, giảm bài tiết mật và enzym tiêu hóa, dẫn đến hiện tượng đầy hơi và khó tiêu.
Tác dụng phụ của một số loại thuốc: như thuốc kháng sinh, giảm đau kháng viêm, thuốc trị tiểu đường, huyết áp, thuốc tránh thai… cũng gây ra chướng hơi, đầy bụng, khó tiêu.
2. Biểu hiện của chứng đầy hơi khó tiêu
Ở những người bị đầy hơi khó tiêu, các triệu chứng khó chịu thường xảy ra sau các bữa ăn, bao gồm:
- Chán ăn, cảm giác ăn nhanh no
- Cảm giác vướng nghẹn vùng cổ họng khi ăn
- Thường xuyên ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn và nôn
- Cảm giác bụng tức nặng, chứa đầy nước, đầy hơi
- Thở khó khăn, đi lại nặng nề
- Đau bụng râm ran.
- Có thể kèm theo tiêu chảy, táo bón
Nhìn chung, các triệu chứng này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Nhưng nếu tình trạng đầy hơi khó tiêu diễn ra thường xuyên và kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức và dẫn đến suy kiệt. Trong nhiều trường hợp, các biểu hiện của chứng đầy hơi và khó tiêu cũng là triệu chứng của một số bệnh lý khác nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị bệnh triệt để.
3. Điều trị chứng đầy hơi và khó tiêu
Thay đổi thói quen ăn uống: ăn đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, cân đối các thành phần dinh dưỡng bao gồm đạm, mỡ, đường… Hạn chế ăn thực phẩm chiên rán, thực phẩm nhiều tinh bột và chất xơ, các gia vị nóng như mù tạt, ớt, hạt tiêu…. Ngoài ra nên hạn chế uống rượu và các đồ uống có chất kích thích khác như cà phê, nước có ga…
Chế độ sinh hoạt hợp lý: cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, thư giãn giúp tinh thần thoải mái, giải tỏa căng thẳng, ngủ đủ giấc, không nên thức khuya, tập luyện thể dùng đều đặn với các bài tập phù hợp với tuổi tác và thể trạng.
Điều trị bằng thuốc: dùng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ như thuốc chống axit, chống tiết axit và chống đầy hơi do thừa axit dịch vị, thuốc điều hòa sự co bóp dạ dày, thuốc men tiêu hóa giúp dạ dày tiêu hóa tốt hơn…
Để tìm hiểu thêm các thông tin hữu ích khác, xin vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUỐC TẾ THU CÚC
Địa chỉ: 286 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
Email: contact@thucuchospital.vn
Liên hệ khám chữa bệnh: 0936 388 288
Hotline: 0936 388 288
Website: benhvienthucuc.vn