Bệnh ung thư vòm họng ở giai đoạn đầu rất khó để phát hiện. Bởi các triệu chứng của bệnh gần như giống với bệnh lý tại tai – mũi – họng thông thường nên người bệnh thường có tâm lý chủ quan. Do vậy mà các phương pháp tầm soát ung thư vòm họng có thể phát hiện các bất thường sớm nhất, từ đó tăng cơ hội điều trị bệnh được thành công.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư vòm họng là gì?
Ung thư vòm họng là bệnh lý ung thư ác tính xảy ra tại vòm họng. Bệnh lý này xuất phát từ vùng biểu mô tế bào vảy tăng sinh không kiểm soát ở phần cao nhất của hầu họng ngay phía sau mũi. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, các tế bào ung thư theo đường bạch huyết và đường máu sẽ di căn đến hạch ở cổ và nhiều cơ quan khác như xương, não… thậm chí gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng người bệnh.
Theo thông tin từ GLOBOCAN 2018, ung thư vòm họng là bệnh lý đứng đầu trong nhóm ung thư vùng đầu – mặt – cổ và đứng thứ 5 trong nhóm bệnh lý ung thư phổ biến tại Việt Nam.
Ung thư vòm họng có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp nhất là độ tuổi từ 20 đến 65, sau 65 tuổi tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng giảm dần. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn ở nữ giới 2-3 lần.
Người bệnh cần chú ý để có thể phân biệt giữa ung thư vòm họng với ung thư hạch bạch huyết – một loại ung thư ác tính tác động vào hệ miễn dịch. Ung thư hạch bạch huyết có thể xuất phát từ bất kỳ vị trí nào trên cơ thể bao gồm cả vòm họng. Trong khi đó, ung thư vòm họng lại xuất phát từ sự tăng sinh không kiểm soát của tế bào họng tại khu vực này.
2. Nguyên nhân và một số dấu hiệu nhận biết ung thư vòm họng
2.1. Nguyên nhân của bệnh lý ung thư vòm họng
Tính tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có khẳng định về nguyên nhân dẫn tới ung thư vòm họng. Tuy nhiên, những yếu tố sau có thể làm gia tăng khả năng phát triển của bệnh:
– Virus Epstein: Loại virus này thường được tìm thấy ở người bệnh được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng. Nhưng không phải tất cả người bệnh mắc loại virus này đều mắc ung thư vòm họng.
– Sử dụng thực phẩm muối hoặc lên men: Các thực phẩm muối chưa chín kỹ, thành phần nitrat có lợi sẽ chuyển thành nitrit. Khi tới dạ dày, chúng sẽ kết hợp với đạm thủy phân từ các thực phẩm khác tạo thành nitrosamine có khả năng gây ung thư cao.
– Lạm dụng rượu bia, thuốc lá quá mức: Khói thuốc lá chứa các chất độc hại gây tổn thương các tế bào lành là tác nhân chính gây ung thư vòm họng. Nam giới có thói quen hút thuốc lá trên 30 năm thì nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao gấp 27 lần người bình thường. Nếu có sử dụng bia rượu sẽ tăng lên khoảng 25-50%.
– Tiền sử gia đình có người từng mắc ung thư vòm họng cũng làm nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
2.2. Dấu hiệu nhận biết nên thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư vòm họng
Khi bệnh ở giai đoạn sớm rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm họng, cảm cúm thông thường. 70% người bệnh mắc ung thư vòm họng phát hiện khi bệnh ở giai đoạn cuối, khiến cho việc điều trị trở lên khó khăn và gây ra nhiều biến chứng bệnh nguy hiểm.
– Đa số người mắc bệnh lý này đều cảm thấy có một hoặc nhiều khối u ở khu vực phía sau cổ. Các khối u này thường sẽ không gây đau, sự xuất hiện của các tế bào ung thư sẽ di căn nhanh chóng tới các hạch vùng cổ.
– Thường nghe thấy tiếng ve kêu, ù tai, có cảm giác đầy tai… nguy hiểm hơn là nhiễm trùng tai, mất thính lực không thể hồi phục.
– Đau nửa đầu, đau sâu trong hốc mắt, đau nhức vòm họng, khó nuốt, khó mở miệng, tê bì vùng mặt là triệu chứng hay gặp ở người mắc ung thư vòm họng.
– Ngạt một bên mũi, chảy nước mũi dịch có lẫn máu.
– Khó thở, khó phát âm hoặc giọng nói bị thay đổi, cảm giác tiếng bị vọng.
Khi khối u đã di căn và xâm lấn tới các cơ quan khác trong cơ thể, người bệnh sẽ có những triệu chứng khác như mệt mỏi, sút cân nhanh, đau xương…
3. Phương pháp tầm soát ung thư vòm họng được áp dụng phổ biến
3.1. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu sẽ giúp xác định được các kháng nguyên hay kháng thể của virus EBV. Chỉ số xét nghiệm SCC (xét nghiệm huyết tương) đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá ung thư vòm họng ở từng mức độ và phát hiện tình trạng di căn của các tế bào.
3.2. Nội soi NBI cũng là một trong các phương pháp tầm soát ung thư vòm họng thường gặp
Đây là phương pháp có thể phát hiện tình trạng tăng sinh mạch máu đối với những trường hợp tế bào ung thư vòm họng ở giai đoạn sớm. Từ đó có thể giúp kết quả điều trị đạt được một kết quả tốt nhất và tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh thành công.
3.3. Sinh thiết vòm họng
Phương pháp này thường được tiến hành qua thiết bị nội soi, đặc biệt là công nghệ nội soi NBI sẽ cho kết quả chính xác hơn. Các mẫu mô tế bào ở vị trí nghi ngờ ung thư sẽ được tiến hành lấy mẫu mô và quan sát dưới kính hiển vi để xác định chính xác tế bào ung thư. Đây là xét nghiệm quan trọng nhất để khẳng định người bệnh có mắc ung thư vòm họng hay không.
3.4. Chụp CT/MRI
Chụp CT và MRI giúp đo kích thước, xác định vị trí khối u, di căn hạch và sự xâm lấn các mô xung quanh. Đây là các phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến trong tầm soát ung thư vòm họng.
Thực hiện sàng lọc ung thư sớm có thể kịp thời phát hiện và kiểm soát nguy cơ mắc bệnh ngay cả khi chưa xuất hiện triệu chứng. Chính vì vậy mà bạn nên lựa chọn sàng lọc tại cơ sở uy tín để phát hiện bệnh chính xác. Bạn có thể tham khảo và trải nghiệm thăm khám tại Hệ thống y tế Thu Cúc TCI với hệ thống gói tầm soát sức khỏe được thiết kế khoa học, đầy đủ các danh mục khám thiết yếu. Đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, luôn nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ và giải đáp các vấn về sức khỏe mà người bệnh đang gặp. Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, máy móc công nghệ cao luôn được chú trọng đầu tư giúp quá trình chẩn đoán bệnh có kết quả được chính xác nhất. Ngoài ra, bạn còn được trải nghiệm không gian thăm khám rộng rãi, thân thiện tạo cảm giác thoải mái khi người bệnh tới thăm khám tại Thu Cúc TCI.
Hãy chủ động thực hiện tầm soát sức khỏe để xây dựng các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân một cách tốt nhất nhé!