Đúng như tên gọi – thuốc tránh thai khẩn cấp được sử dụng trong những trường hợp quan hệ mà không dùng biện pháp tránh thai. Vậy hiệu quả của phương pháp này ra sao, nó có an toàn không… Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về biện pháp tránh thai này nhé.
Menu xem nhanh:
1. Thuốc tránh thai khẩn cấp là gì và những trường hợp nên sử dụng
Phương pháp này còn có tên gọi khác là biện pháp tránh thai sau quan hệ – là một hình thức kiểm soát sinh sản có thể được sử dụng dành cho phụ nữ, sau khi quan hệ tình dục không an toàn, hoặc có thực hiện biện pháp tránh thai nhưng không thành công (chẳng hạn như dùng bao cao su nhưng bị rách). Tuy nhiên, cần nhớ rằng, thuốc ngừa thai khẩn cấp không phải là phương pháp ngừa thai thường xuyên.
Các trường hợp khẩn cấp có thể sử dụng bao gồm: chị em bị cưỡng hiếp, chị em có thực hiện biện pháp tránh thai như bao cao su nhưng bị rách hoặc tuột khi quan hệ tình dục, chị em quên uống thuốc tránh thai hàng ngày…
2. Các loại thuốc ngừa thai khẩn cấp và cách sử dụng
Thuốc ngừa thai khẩn cấp có 2 loại được sử dụng hiện nay:
Loại 1 viên: chứa Levonorgestrel 1,5mg
Cách dùng: Uống ngay 1 viên duy nhất càng sớm càng tốt sau khi quan hệ và trong vòng 120h sau khi quan hệ
Loại 2 viên: có chứa Levonorgestrel 0,75mg.
Cách dùng: Uống cùng lúc 2 viên hoặc uống 1 viên đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi quan hệ, sau đó uống viên tiếp theo cách viên thứ nhất 12h (không được uống cách nhau trên 16h). Lưu ý rằng với loại này, chị em cần uống đủ 2 viên mới có tác dụng tránh thai.
Thuốc ngừa thai khẩn cấp loại 2 viên hiện đang được sử dụng phổ biến hơn cả.
3. Cơ chế hoạt động của thuốc tránh ngừa khẩn cấp
Tương tự như thuốc tránh thai hàng ngày, thuốc khẩn cấp cũng chứa hormone sinh dục nữ progestin, tuy nhiên hàm lượng trong loại thuốc này khá cao, giúp ngăn ngừa việc mang thai.
Với một hàm lượng lớn progestin liều cao đưa vào cơ thể, thuốc có thể giúp ức chế quá trình rụng trứng hoặc làm đặc dính chất nhầy cổ tử cung, không cho tinh trùng di chuyển đến gặp trứng, hoặc ngăn không cho trứng đã thụ tinh làm tổ trong tử cung. Nhờ đó, hiện tượng mang thai sẽ không xảy ra.
4. Hiệu quả của thuốc tránh thai khẩn cấp và 2 yếu tố quan trọng nhất
Tỷ lệ thành công trung bình của biện pháp tránh thai này là 75-80%, tuy nhiên tỷ lệ cao hơn, thấp hơn lại phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: thời gian uống sau khi quan hệ và cân nặng của chị em.
4.1 Tỷ lệ thành công theo thời gian uống
Theo thống kê, nếu như chị em uống thuốc ngay trong vòng 24h đầu tiên sau quan hệ, hiệu quả tránh thai sẽ đạt 95%; Nếu uống trong vòng 25h-48h tiếp theo, hiệu quả tránh thai giảm xuống 85%; Với những người uống muộn hơn, trong khoảng thời gian từ 49-72h sau đó, hiệu quả chỉ còn 58%.
4.2 Tỷ lệ thành công theo cân nặng của chị em
Tỷ lệ thành công của thuốc tránh thai khẩn cấp tới 98% đối với những người có cân nặng trung bình khi được thực hiện trong vòng bốn ngày sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ.
Thuốc không có hiệu quả nếu bạn nặng hơn 70kg và trong trường hợp này, nên đặt vòng tránh thai khẩn cấp bằng đồng. Nếu bạn quyết định muốn dùng thuốc khẩn cấp, bạn nên dùng liều gấp đôi so với người bình thường. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ và nhân viên y tế trước khi sử dụng.
Lưu ý: Một số chị em sử dụng thuốc không đúng cách, chẳng hạn uống quá muộn, hoặc uống nhiều lần/ tháng, hiệu quả sẽ giảm sút, và có thể dẫn tới mang thai ngoài ý muốn. Chính bởi vậy, dù sau khi sử dụng thuốc nhưng nếu thấy có dấu hiệu như chậm kinh thì nên thử que để xác định chắc chắn có thai hay không.
5. Tác dụng phụ có thể gặp của thuốc ngừa thai khẩn cấp
Các thành phần trong thuốc tránh thai chủ yếu là các hormone nội tiết tố nữ như: hormone estrogen, hormone progesterone,… Các loại hormone nội tiết có tác dụng ngăn ngừa quá trình thụ tinh, đồng thời thuốc tránh thai hàng ngày cũng làm tăng nồng độ hormone trong cơ thể chị em phụ nữ và gây ra một số tác dụng phụ như:
- Một số người có tác dụng phụ nhẹ như buồn nôn hoặc nôn.
- Rong kinh, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
- Đau đầu và mệt mỏi
6. Có thể sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp như biện pháp tránh thai thông thường không?
Mặc dù đây là phương pháp tránh thai có hiệu quả cao, nhưng lại không được khuyến khích dùng thường xuyên. Việc làm dụng thuốc có thể làm tăng nguy cơ gây teo niêm mạc tử cung, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người nữ. Đồng thời, thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh gan, thận, tim mạch… Thêm vào đó, thuốc khẩn cấp không giúp bạn phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục và không bảo vệ bạn trong lần quan hệ sau. Vì vậy, tốt nhất chị em nên chọn cho mình một biện pháp tránh thai lâu dài và an toàn hơn.
7. Những chị em không nên dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp
- Những phụ có dấu hiệu mang thai hay nghi ngờ mang thai không nên dùng thuốc, mặc dù nguy cơ ảnh hưởng của thuốc tới thai nhi chưa được chứng minh cụ thể.
- Người bị bệnh tiểu đường, tim mạch, gan thận, ung thư…
- Những phụ nữ có tiền sử mắc bệnh về rối loạn tuần hoàn máu não, động kinh, viêm tắc tĩnh mạch, bệnh huyết khối…
8. Những lưu ý khi dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp để đạt hiệu quả cao
- Để thuốc phát huy hiệu quả tối đa, chị em nên tuân thủ thời gian uống thuốc. Uống càng sớm càng hiệu quả và ngược lại.
- Không nên uống 2 viên khẩn cấp trong vòng 1 tháng
- Trường hợp dù đã uống thuốc nhưng vẫn thấy chậm kinh, hãy thử que hoặc đến bệnh viện để khám, xác định có mang thai hay không bởi không có phương pháp nào tránh thai hiệu quả 100%
- Mặc dù đây là phương pháp tránh thai hiệu quả nhưng không thể ngăn lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, và cũng không phải phương pháp tránh thai tối ưu lâu dài, do vậy, bạn vẫn nên chọn một phương pháp tránh thai khác an toàn hơn.
Hi vọng những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp, sẽ giúp chị em có kiến thức để sử dụng thuốc tránh thai an toàn và hiệu quả.