Thai ngoài tử cung không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản mà còn gây ảnh hưởng tới tính mạng của người phụ nữ. Vậy, thai ngoài tử cung là gì, có nguy hiểm không, làm thế nào để nhận biết và đề phòng, mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Định nghĩa thai ngoài tử cung là gì?
Thông thường, sau khi trứng gặp tinh trùng và được thụ tinh ở vòi trứng sẽ di chuyển và làm tổ ở buồng tử cung. Tuy nhiên, có 1 lí do nào đó khiến cho trứng không nằm trong buồng tử cung mà nằm bên ngoài tử cung (có thể là vòi trứng, buồng trứng, cổ tử cung…). Hiện tượng đó được gọi là thai ngoài tử cung (hay còn gọi là thai ngoài dạ con, chửa ngoài tử cung, chửa ngoài dạ con).
Tuy chỉ chiếm tỷ lệ từ 0,45 – 1,05% nhưng chửa ngoài tử cung là một bệnh lý sản khoa cấp tính, túi thai sẽ không được buồng tử cung bảo vệ, khi vỡ sẽ gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, đe dọa tới tính mạng thai phụ.
2. Nguyên nhân gây ra thai ngoài tử cung là gì?
Những nguyên nhân dẫn đến chửa ngoài tử cung phần lớn là do các bệnh viêm nhiễm và các bất thường ở cơ quan sinh dục.
Cụ thể:
- Phụ nữ mang thai lần đầu khi đã qua tuổi 35
- Các bệnh viêm nhiễm và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Chlamydia trachomatis, viêm tiểu khung, viêm vòi trứng, viêm vùng chậu…
- Bệnh u nang buồng trứng
- Các vấn đề bẩm sinh về ống dẫn trứng: nhỏ hẹp hoặc có dị tật…
- Đã từng phá thai, thực hiện phẫu thuật vùng bụng, đặc biệt là vòi trứng và vùng chậu
- Đặt vòng tránh thai
- Nghiện thuốc lá
- Đặc biệt: Những người có tiền sử đã từng chửa ngoài tử cung
3. Dấu hiệu để phát hiện thai ngoài tử cung là gì?
Ngoài những dấu hiệu giống người mang thai bình thường như: chậm kinh, tức ngực, buồn nôn, đau bụng… những người có thai ngoài dạ con còn có những dấu hiệu bất thường sau và nhất định không được bỏ qua:
Âm đạo ra máu bất thường:
Nếu bạn là người có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, đã có dấu hiệu chậm kinh và có thai khi thử thai, nhưng nay lại phát hiện ra một chút máu ở đáy quần lót thì không được chủ quan. Đặc biệt, nếu như hiện tượng này kéo dài thì khả năng cao là bạn đã có thai ngoài dạ con.
Đau bụng:
Đây có lẽ là dấu hiệu phổ biến nhất khi mang thai nhưng đối với người chửa ngoài tử cung thì hiện tượng đau bụng xảy ra dữ dội hơn, khó chịu hơn, và đôi khi đau bụng xuất hiện cùng xuất huyết âm đạo. Theo thời gian, túi thai càng phát triển thì mức độ đau bụng sẽ càng tăng cao.
Đặc biệt, khi túi thai vỡ sẽ xuất hiện hiện tượng chảy máu ồ ạt, bụng đau dữ dội, quặn thắt, kéo dài liên tục, cơ thể toát mồ hôi, chân tay lạnh, khó thở, chóng mặt, tụt huyết áp, thậm chí là ngất xỉu.
4. Thai ngoài tử cung nguy hiểm như thế nào?
Nắm được những biến chứng nguy hiểm của chửa ngoài tử cung sẽ giúp phụ nữ có sự chuẩn bị và các biện pháp xử lý kịp thời:
Vỡ thai ngoài tử cung gây xuất huyết ồ ạt
Vị trí ngoài tử cung không phù hợp cho thai làm tổ. Do đó, khi thai lớn, các gai nhau phát triển để tìm nguồn dinh dưỡng nuôi thai sẽ phá vỡ cấu trúc bám dính. Đến khi bào thai không còn bám dính nữa sẽ dẫn đến hiện tượng vỡ thai, gây ra xuất huyết ồ ạt và trầm trọng. Nếu không được cấp cứu và bù máu kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ bị trụy mạch, thậm chí là tử vong. Còn nếu được truyền máu kịp thời thì cũng có nguy cơ bị dị ứng, mắc bệnh truyền nhiễm, sốc phản vệ…
Nguy cơ tái phát
Theo nhiều thống kê cho thấy, cứ 10 người thì sẽ có đến 7 người bị tái phát thai ngoài dạ con. Bởi lẽ những nguyên nhân gây bệnh rất khó được giải quyết triệt để. Hơn nữa, việc mang thai ngoài dạ con lần 1 cũng gây ra những tổn thương cho vòi trứng, vùng chậu… và tiếp tục trở thành nguyên nhân gây bệnh cho những lần sau.
Nguy cơ vô sinh sau thai ngoài tử cung
Có đến 50% phụ nữ bị vô sinh sau khi thực hiện mổ thai ngoài dạ con. Lý giải cho hiện tượng này là do cấu trúc các cơ quan sinh dục bị tổn thương, thậm chí có nhiều trường hợp đã phải cắt bỏ một bên vòi trứng, gây hạn chế khả năng thụ thai.
Các biến chứng khi thai chết lưu
Xuất huyết âm đạo kéo dài, thiếu chất dinh dưỡng, không đủ không gian để phát triển… là những nguyên nhân khiến thai ngoài tử cung chết lưu. Khi đó, mẹ sẽ phải đối mặt với hai nguy cơ lớn nhất là rối loạn đông máu và nhiễm trùng ổ bụng, dẫn đến sốc nhiễm trùng và đe dọa tính mạng. Ngoài ra, thai chết lưu còn gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của người mẹ, nhất là khi mẹ bị hiếm muộn.
5. Điều trị chửa ngoài tử cung
Chửa ngoài tử cung đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người mẹ nên cần được phát hiện và điều trị sớm. Nguyên tắc điều trị cơ bản là làm thế nào để “lấy” được khối thai ra ngoài càng sớm càng tốt, hoặc ngăn chặn sự phát triển của thai và làm thai “biến mất”.
Hiện nay có một số cách điều trị tình trạng thai ngoài tử cung đó là: sử dụng thuốc, phẫu thuật, theo dõi sự thay đổi của khối thai.
Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai sớm nhất có thể (nhất là khi thai chưa vỡ) để đảm bảo không gây ảnh hưởng hay tổn thương tới các bộ phận lân cận. Khi thai đã vỡ, bác sĩ sẽ không chỉ mổ lấy thai mà có nguy cơ phải cắt bỏ vòi trứng.
Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, chửa ngoài tử cung không nhất thiết lúc nào cũng bắt buộc phải phẫu thuật. Trong trường hợp nếu được phát hiện từ sớm, khi kích thước túi thai còn nhỏ, chưa bị vỡ, bác sĩ có thể sẽ chỉ định tiêm thuốc để ngăn chặn sự phát triển của khối thai và làm cho khối thai tự tiêu. Nếu như khối thai đã có kích thước trên 3cm thì chỉ cần phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở.
Tóm lại, việc lựa chọn phương pháp điều trị nào là tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, do đó mẹ bầu nên đi kiểm tra, thăm khám định kỳ, đều đặn và có sự theo dõi của bác sĩ để có sự tư vấn và phương án phù hợp, đảm bảo sức khỏe nhất.
6.Cách phòng tránh chửa ngoài cổ tử cung
Chửa ngoài tử cung là một bệnh lý rất nguy hiểm, với phần lớn nguyên nhân là do viêm nhiễm và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, do đó, việc phòng tránh là rất cần thiết. Các chị em có thể tham khảo những biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh các bộ phận sinh dục (đặc biệt là trong kỳ nguyệt san, sau khi quan hệ tình dục và sau khi sinh), thụt rửa đúng cách, mặc quần áo rộng rãi
- Quan hệ tình dục an toàn, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm
- Hạn chế nạo phá thai
- Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện các dị tật trong các cơ quan sinh dục, các bệnh viêm khoang chậu, viêm vòi trứng… (nếu có)
- Với những phụ nữ có tiền sử chửa ngoài tử cung thì phải đợi tối thiểu 6 tháng, khi các chức năng sinh sản dần ổn định thì mới nên có thai trở lại.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về định nghĩa, dấu hiệu nhận biết, các biến chứng, cách điều trị và phòng tránh thai ngoài tử cung. Mong rằng bài viết đã cung cấp cho các chị em phụ nữ những thông tin cần thiết!