Giãn ống tuyến vú là bệnh lý lành tính ở vú, không phải ung thư. Bệnh thường xuất hiện ở phụ nữ nhiều con, phụ nữ thời kỳ mãn kinh nhưng cũng có thể gặp ở người trẻ tuổi, thậm chí hiếm hơn là nam giới.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về giãn ống tuyến vú
Giãn ống tuyến vú hay còn được gọi là giãn ống dẫn sữa, là tình trạng ống dẫn sữa chính bị giãn rộng. Nếu có vi trùng xâm nhập từ bên ngoài vào núm vú, đến ống dẫn sữa sẽ gây ra tình trạng viêm, hay gọi là bội nhiễm. Viêm nhiễm thường xảy ra quanh ống tuyến sữa bị giãn hoặc trong lòng ống.
Giãn ống tuyến vú là bệnh lành tính, không phải ung thư. Bệnh thường xuất hiện ở phụ nữ cho con bú lâu năm, có nhiều con hoặc phụ nữ sắp và đã mãn kinh. Song, bệnh cũng có thể gặp ở những người phụ nữ trẻ (khoảng 30 tuổi), thậm chí hiếm hơn là nam giới và bé gái.
2. Nguyên nhân khiến ống tuyến vú bị giãn
Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ống tuyến vú bị giãn rộng. Trong đó, các nguyên nhân cơ bản thường gặp nhất phải kể đến là:
– Sự thay đổi hormone
Tình trạng hormone trong cơ thể thay đổi có thể ảnh hưởng tới mô liên kết của tuyến vú.
– Thói quen hút thuốc
Nghiên cứu cho thấy, chất nicotin trong thuốc lá có thể gây hại cho ống dẫn sữa, làm tắc nghẽn và viêm ống tuyến vú. Do đó, những người phụ nữ có thói quen hút thuốc sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
– Tụt núm vú
Tụt núm vú có thể gây tắc tuyến sữa, gây viêm, nhiễm trùng và dẫn tới tình trạng giãn ống dẫn sữa.
– Thiếu vitamin A
Thiếu vitamin A có thể gây ra những thay đổi bất thường ở trong ngực và làm ống tuyến vú bị giãn.
3. Triệu chứng ống tuyến vú bị giãn
Không phải bất cứ người nào mắc bệnh cũng có triệu chứng. Đa số trường hợp (66%) người mắc bệnh lý này không có triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, một số chị em sẽ có những dấu hiệu sau:
– Chảy dịch ở núm vú
Dịch chảy ở núm vú thường có mủ trắng đục, đôi khi có màu đen hoặc hơi xanh.
– Cảm giác nổi cục, sưng tấy ở núm vú
Núm vú và các mô ngực xung quanh khi sờ vào có cảm giác nổi cục, sưng tấy, cương cứng hoặc đỏ.
– Núm vú bị thụt vào trong
Tình trạng viêm, sưng ống tuyến vú có thể khiến núm vú tụt vào trong.
– Viêm hoặc sốt
Khi ống dẫn sữa bị tắc, lượng sữa sẽ tích tụ lại bên trong, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên một số người bệnh có thể bị viêm và sốt.
4. Ống tuyến vú bị giãn có nguy hiểm tới tính mạng?
Theo các chuyên gia, ống tuyến vú bị giãn là bệnh lành tính, không nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, bệnh gây nhiều đau đớn và ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Do đó, ngay khi xuất hiện những dấu hiệu như núm vú kéo vào trong, xuất hiện khối u trong vú, sưng đau kéo dài… người bệnh cần đi thăm khám càng sớm càng tốt. Bởi việc thăm khám kịp thời sẽ giúp chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó có biện pháp can thiệp cũng như tầm soát nguy cơ mắc ung thư vú.
5. Chẩn đoán và điều trị ống tuyến vú bị giãn như thế nào?
5.1. Chẩn đoán giãn ống tuyến vú
Sau khi thăm khám lâm sàng, tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một hay nhiều phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng để có kết luận chính xác như:
– Chụp X-quang tuyến vú
Chụp X-quang tuyến vú được thực hiện nhằm hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán những bệnh lý về tuyến vú ở nữ giới. Bởi phương pháp này có thể cung cấp nhiều thông tin, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng của tuyến vú. So với chụp X-quang thông thường, phương pháp chụp X-quang tuyến vú sử dụng chùm tia X có cường độ thấp và bước sóng dài, chiếu qua tuyến vú và ghi lại những hình ảnh, sự bất thường ở vú.
– Siêu âm quầng vú và núm vú
Thực hiện siêu âm giúp bác sĩ đánh giá tình trạng ống dẫn sữa, từ đó xác định chính xác vị trí tổn thương nếu có. Bác sĩ sẽ dùng đầu phát sóng và thu sóng với dòng sóng âm cao để có thể ghi lại hình ảnh.
– Chọc hút kim nhỏ hoặc sinh thiết lõi
Với phương pháp chọc hút kim nhỏ, bác sĩ sẽ sử dụng một chiếc kim nhỏ rỗng và ống xi lanh để lấy mẫu mô vú và quan sát chúng dưới kính hiển vi. Trong trường hợp núm vú tiết dịch hoặc dịch lẫn máu, người bệnh sẽ được chỉ định lấy dịch núm vú để xét nghiệm, mục đích nhằm xác định nguyên do dẫn đến chảy dịch núm vú.
5.2. Điều trị giãn ống tuyến vú như thế nào để đạt hiệu quả?
Điều trị ống tuyến vú giãn nhẹ
Thông thường, với những trường hợp nhẹ các bác sĩ sẽ điều trị triệu chứng và phòng ngừa tại nhà như sau:
– Dùng gạc sạch nhúng vào nước ấm, sau đó vắt ráo và đắp lên vị trí ngực bị sưng hoặc đau để làm dịu triệu chứng.
– Nếu núm vú rỉ mủ hoặc chảy dịch, người bệnh có thể đặt miếng gạc sạch ở bên trong áo ngực để thấm dịch cũng như hạn chế dịch thấm ra áo bên ngoài. Lưu ý, nữ giới nên lựa chọn những loại áo ngực có chất liệu thoáng mát, mềm mại để dễ chịu hơn.
– Tránh nằm nghiêng bên vị trí ngực đau, mục đích để ngực bớt sưng và giúp làm dịu cơn đau.
Điều trị ống tuyến vú giãn nặng
Trường hợp áp dụng những phương pháp trên nhưng tình trạng của người bệnh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí tiến triển nặng hơn thì sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị bằng cách:
– Sử dụng thuốc kháng sinh từ 10 – 14 ngày tùy theo mức độ bệnh, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân. Trong quá trình dùng kháng sinh, người bệnh cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng hoặc cắt giảm liều khi thấy triệu chứng có dấu hiệu suy giảm.
– Sử dụng thuốc giảm đau như acetaminophen, paracetamol hay ibuprofen để giảm cơn đau nhức khó chịu ở ngực. Giống như uống thuốc kháng sinh, người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng bác sĩ hướng dẫn để nhanh chóng làm dứt triệu chứng.
– Phẫu thuật cắt bỏ ống vú bị giãn được bác sĩ chỉ định khi: núm vú tiết dịch có lẫn máu hoặc dịch tiết loãng; nghi ngờ có khối u vú, để kéo núm vụ bị tụt ra bên ngoài, áp-xe, chàm vú (do dịch tiết núm vú gây nên).
Tuyến vú của nữ giới là bộ phận nhạy cảm và rất dễ mắc bệnh. Vì vậy khi xuất hiện triệu chứng hoặc nghi ngờ bệnh giãn ống tuyến vú, hãy tới cơ sở y tế để kịp thời thăm khám, điều trị, tránh ảnh hưởng xấu tới cuộc sống.