Bệnh tăng huyết áp trẻ em là tình trạng trẻ có huyết áp cao hơn hoặc bằng 95% so với những trẻ cùng chiều cao, giới tính, độ tuổi. Bệnh có thể xảy ra khi trẻ con rất nhỏ, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cùng tìm hiểu nguyên nhân trẻ em bị tăng huyết áp, các triệu chứng nhận biết để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Tăng huyết áp trẻ em là bệnh gì?
Huyết áp được định nghĩa là áp lực máu chảy qua các mạch cơ thể. Ở người bị tăng huyết áp, tim đẩy máu qua các mạch khắp cơ thể trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến mạch máu, tim và nhiều cơ quan trong cơ thể.
Tăng huyết áp ở trẻ được định nghĩa là trẻ có huyết áp cao hơn hoặc bằng 95% so với những trẻ cùng chiều cao, giới tính, độ tuổi. Tăng huyết áp ở trẻ em không dễ chẩn đoán như người trưởng thành mà phải dựa vào các tiêu chuẩn riêng.
Như vậy những trẻ em độ tuổi khác nhau thì sẽ có chỉ số huyết áp tăng cao khác nhau. Cụ thể:
– Trẻ 3-6 tuổi: huyết áp trên 116/76 mmHg.
– Trẻ 7-10 tuổi: huyết áp trên 122/78 mmHg.
– Trẻ 11-13 tuổi: huyết áp trên 126/82 mmHg.
– Trẻ 14-16 tuổi: huyết áp là trên 136/86 mmHg.
– Trẻ 16-19 tuổi: huyết áp là trên 120/81 mmHg.
Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp, cha mẹ cần cung cấp thông tin đầy đủ cho bác sĩ điều trị về tiền sử bệnh, chế độ ăn uống, sinh hoạt ở nhà, trường học, các hoạt động thể chất, tác nhân gây căng thẳng thần kinh ở trẻ.
Bác sĩ cũng sẽ tiến hành thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân gây tăng huyết áp ở trẻ như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm một số bộ phận cơ thể.
2. Nguyên nhân gây cao huyết áp trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân gây tăng huyết áp đối tượng là trẻ em. Tuy nhiên, các chuyên gia chia làm 2 nhóm nguyên nhân chính để dễ dàng trong việc chẩn đoán bệnh.
2.1. Tăng huyết áp trẻ em do nguyên nhân nguyên phát
Tăng huyết áp đối tượng trẻ em do nguyên nhân nguyên phát nghĩa là không xác định rõ nguyên nhân. Nguyên do này hay xảy ra ở trẻ lớn 6 tuổi trở lên. Một số nguy cơ dẫn đến cao huyết áp nguyên phát ở trẻ bao gồm:
– Béo phì, thừa cân
– Gia đình có tiền sử huyết áp cao
– Chế độ ăn mặn, nhiều muối
– Cholesterol cao
– Đường huyết lúc đói cao
– Bị tiểu đường type 2
– Ít vận động
– Tiếp xúc với khói thuốc
– Hút thuốc
– Giới tính nam
2.2. Tăng huyết áp trẻ em do nguyên nhân thứ phát
Tăng huyết áp đối tượng trẻ em có thể do nguyên nhân thứ phát như:
– Do thần kinh: Tăng áp lực nội sọ, tổn thương hố sau, thân tủy, viêm tủy, rối loạn thần kinh thực vật, hội chứng Guillain – Barre…
– Do thận tiết niệu: Viêm cầu thận, thận đa nang, thận trào ngược, chấn thương thận, u thận, tắc niệu quản,….
– Do sử dụng thuốc: Thuốc có các thành phần như Cocain, Sirolimus, Hormon, Amphetamine, Licorice…
– Do tim mạch: Bệnh tắc tĩnh mạch, hẹp eo động mạch chủ, bệnh tim bẩm sinh gây tăng huyết áp, bệnh Shunt động – tĩnh mạch…
– Do chứng rối loạn giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ.
– Do các nguyên nhân khác: Do tăng canxi máu, truyền bạch cầu, tắc đường hô hấp trên mạn tính, sau phẫu thuật sửa hẹp eo động mạch chủ…
3. Dấu hiệu tăng huyết áp trẻ em
Trẻ bị tăng huyết áp thường có những biểu hiện đáng chú ý như sau:
– Đau đầu, chóng mặt, đỏ mặt, mệt mỏi
– Phù, co giật do huyết áp cao
– Nôn ói
– Hồi hộp, đánh trống ngực
– Đổ mồ hôi
– Giảm thị lực
4. Trẻ em bị tăng huyết áp có nguy hiểm không?
Giống như ở người lớn, bệnh cao huyết áp ở trẻ cũng là bệnh nguy hiểm bởi nó hiếm khi bộc lộ triệu chứng rõ ràng, biến chứng đến bất ngờ gây nguy hiểm.
Nếu trẻ bị tăng huyết áp kéo dài, không phát hiện, không can thiệp điều trị kịp thời sẽ gây ra những hậu quả vô cùng khó lường như biến chứng suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não.
Vì vậy, để phòng tránh bệnh, các bác sĩ khuyến cáo trẻ em từ 3 tuổi cần được theo dõi huyết áp và tái khám sức khỏe định kỳ. Nhất là gia đình có người tiền sử tăng huyết áp hoặc trẻ con thừa cân, béo phì. Bệnh nếu được phát hiện sớm sẽ giúp bác sĩ điều trị ngăn ngừa biến chứng và tiến triển một cách hiệu quả.
5. Phòng tránh tăng huyết áp ở trẻ em
Bệnh cao huyết áp tuy khá nguy hiểm với trẻ nhưng cha mẹ có thể phòng ngừa dễ dàng bằng cách rèn luyện cho con lối sống thật sự khoa học như sau:
– Duy trì chế độ ăn uống cân bằng. Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, nhiều đường, thức ăn mặn không phù hợp độ tuổi. Trẻ nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, sữa chua, chất xơ…
– Lượng muối phù hợp cho trẻ 4-8 tuổi là 1,2g/ ngày. Trẻ lớn hơn là 1,5g/ ngày.
– Duy trì cân nặng của con hợp lý, tránh béo phì, tăng cân quá mức.
– Giúp con tăng cường hoạt động thể chất bằng cách vui chơi, tham gia hoạt động xã hội, tập thể dục.
– Hạn chế cho con xem tivi, máy tính, chơi game quá lâu và hay ngồi một chỗ.
– Duy trì lịch học phù hợp, để con tránh những căng thẳng, stress do việc học.
6. Cách đo huyết áp đúng kỹ thuật ở trẻ em
Lưu ý quan trọng, chỉ có những trẻ được chẩn đoán tăng huyết áp tại các cơ sở y tế mới cần phải theo dõi huyết áp tại nhà. Cha mẹ có thể chủ động tự đo huyết áp cho con, nhưng cần tuân theo hướng dẫn kỹ thuật tiêu chuẩn như sau:
– Dụng cụ đo cụ thể là máy đo huyết áp phải có kích thước bóng hơi phù hợp với trẻ. Bóng hơi chính là bộ phận dùng để quấn quanh tay.
– Trẻ cần được nghỉ ngơi 10-15 phút trước khi đo huyết áp.
– Trong quá trình đo trẻ nên nằm yên tĩnh, không quấy khóc.
– Nên tiến hành đo huyết áp ở cả 2 tay do 1 số trường hợp huyết áp tay trái thường bị giảm hơn.
– Sau khi có kết quả, cha mẹ so sánh với chỉ số huyết áp ở mục 1 theo độ tuổi, giới tính của con. Nếu giá trị nằm ngoài tiêu chuẩn nên đo lại hoặc cho con đến cơ sở y tế để thăm khám.
Tóm lại, bệnh tăng huyết áp trẻ em có thể xảy ra khi trẻ con rất nhỏ, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó tăng cân, béo phì là một yếu tố góp phần gia tăng bệnh lý. Cao huyết áp có thể để lại biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời cho trẻ. Để phòng tránh tăng huyết áp cũng như nhiều bệnh lý khác, cha mẹ nên duy trì cho con một lối sống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ.