Sỏi thận – tiết niệu là bệnh lý thường gặp và hiện đang có xu hướng gia tăng ở cả nam và nữ. Nhiều phương pháp hiện đại, ít xâm lấn đã được áp dụng điều trị hiệu quả căn bệnh này. Trong đó tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser được xem là kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực điều trị sỏi tiết niệu. Phương pháp lấy sỏi theo đường “tự nhiên” không xâm lấn và giúp bảo tồn tối đa chức năng thận.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi thận – tiết niệu và phương pháp nội soi tán sỏi ống mềm
Sỏi thận là hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng tại thận lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Sỏi thận hình thành một cách âm thầm và thường không dấu hiệu cụ thể. Chỉ khi sỏi phát triển đến một kích thước nhất định, sự di chuyển của chúng có thể cọ sát vào niêm mạc đường niệu gây viêm loét, chảy máu, nhiễm trùng. Lúc này những cơn đau quặn thận cùng với những bất thường khi đi tiểu kèm hiện tượng sốt cao hoặc ớn lạnh xuất hiện ở người bệnh. Nguy hiểm hơn nếu sỏi nằm kẹt trong cuống đài thận sẽ gây bế tắc, làm giãn đài bể thận, thận ứ nước, suy thận. Khi này, chỉ định bắt buộc trong điều trị là phải phẫu thuật lấy sỏi để ngăn chặn biến chứng.
Hiện nay, phương pháp nội soi niệu quản ngày càng phát triển và dần là kỹ thuật thay thế phẫu thuật mở hay phẫu thuật nội soi sau phúc mạc trong điều trị sỏi thận – tiết niệu. Việc nội soi niệu quản bằng ống cứng hay ống bán cứng gặp rất nhiều khó khăn khi sỏi nằm ở niệu quản trên hoặc vùng bể thận. Đây là những vị trí quá cao mà ống cứng hay bán cứng đều không thể nào vươn tới được. Nhưng với kỹ tán sỏi nội soi bàng ống mềm các bác sĩ có thể dễ dàng tiếp cận trực tiếp viên sỏi, phát huy tối đa hiệu quả điều trị.
2. Kỹ thuật nội soi tán sỏi ống mềm bằng laser là gì?
Tán sỏi bằng ống soi mềm là kỹ thuật làm sạch sỏi theo đường “tự nhiên” (từ niệu đạo qua bàng quang lên niệu quản – bể thận, vào các đài thận) kết hợp với nguồn năng lượng từ tia laser “bắn phá” sỏi thành những mảnh nhỏ rồi hút bỏ ra ngoài.
Đây là phương pháp điều trị sỏi không phẫu thuật, làm sạch sỏi nhanh chóng và hiệu quả cao. Nhờ tính ưu việt đó mà phương pháp này đã dần thay thế một số phương pháp điều trị khác như mổ mở lấy sỏi, mổ nội soi sau phúc mac lấy sỏi.
3. Chỉ định và chống chỉ định nội soi tán sỏi bằng ống mềm
3.1. Trường hợp chỉ định tán sỏi nội soi ống mềm:
Phương pháp tán sỏi nội soi bằng ống soi mềm được chỉ định trong trường hợp:
- Người bệnh có sỏi thận dưới 25mm đơn thuần hoặc phối hợp, có một hoặc nhiều viên.
- Người bệnh có sỏi đài thận kích thước nhỏ nhưng nằm ở vị trí khó tiếp cận bằng phương pháp tán sỏi qua da hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.
- Người bệnh sót sỏi thận hoặc sỏi thận tái phát sau tán sỏi qua da, tán sỏi ngoài cơ thể hoặc phẫu thuật mở lấy sỏi.
- Người bệnh có sỏi niệu quản di chuyển trong thận sau nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống cứng hoặc bán cứng.
- Người bệnh có sỏi niệu quản vị trí ⅓ trên di chuyển vào thận trong phẫu thuật nội soi lấy sỏi sau phúc mạc.
- Người bệnh có sỏi niệu quản vị trí ⅓ trên nằm sát bể thận.
- Sử dụng kết hợp giữa mở bể thận với tán sỏi ống soi mềm lấy sạch sỏi.
3.2. Trường hợp chống chỉ định tán sỏi nội soi ống mềm:
Nội soi tán sỏi ngược dòng ống mềm chống chỉ định khi:
- Người bệnh có niệu quản hẹp hoặc gấp khúc, hệ tiết niệu di dạng không đặt được máy nội soi.
- Người bệnh có sỏi thận kích thước trên 25mm buộc phải chuyển sang mổ mở hoặc mổ nội soi sau phúc mạc lấy sỏi.
- Người bệnh đang bị viêm đường tiết niệu hoặc điều trị chưa dứt điểm.
- Người bệnh mắc các bệnh lý đi kèm: rối loạn đông máu, chống chỉ định với gây mê.
4. Quy trình nội soi tán sỏi ống mềm bằng laser
Người bệnh xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng để xác định chính xác vị trí, kích thước và số lượng sỏi. Đồng thời, một số xét nghiệm khác cũng được chỉ định đi kèm để kiểm tra chức năng đông máu và tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu.
Sau khi xác định đủ điều kiện tán sỏi bằng ống soi mềm, người bệnh có thể được đặt ống thông niệu quản từ 10-15 ngày trước khi tán sỏi.
- Người bệnh nằm ngửa theo tư thế sản khoa và tiến hành gây mê nội khí quản.
- Nội soi bàng quang rút sonde JJ, soi niệu quản để đánh giá toàn bộ niệu quản bắng ống soi cứng. Đặt Guidewire qua niệu quản lên đài bể thận.
- Đặt ống Sheath lên đoạn khúc nối bể thận – niệu quản.
- Đưa ống nội soi mềm qua Sheath lên đài bể thận để xác định cấu trúc giải phẫu các đài thận và bể thận. Đồng thời xác định vị trí, số lượng và kích thước của sỏi.
- Dùng năng lượng từ tia laser tán vụn sỏi thành những mảnh nhỏ. Tiến hành bơm rửa lấy mảnh sỏi sau đó kiểm tra sạch sỏi.
- Khi sỏi được lấy sạch hoàn toàn, rút ống nội soi mềm. Đặt sonde JJ dẫn lưu từ thận qua niệu quản xuống bàng quang và đặt sonde niệu đạo.
- Sonde niệu đạo có thể rút sau 1 ngày tán sỏi. Người bệnh có thể ra viện sau 2 ngày điều trị. Sonde JJ được rút sau 2-4 tuần tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của người bệnh.
5. Ưu và nhược điểm của kỹ thuật nội soi tán sỏi ống mềm bằng laser
5.1. Ưu điểm:
Nội soi tán sỏi bằng ống soi mềm là kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn trong điều trị bệnh lý sỏi đường tiết niệu:
- Bảo tồn tối đa chức năng thận vì làm sạch sỏi theo đường “tự nhiên”, tia laser chỉ tác động đến sỏi, không ảnh hưởng tới các cơ quan xung quanh nên rất an toàn.
- Người bệnh không có vết mổ nên không xảy ra các biến chứng sau mổ, không đau, không để lại sẹo.
- Thời gian tán sỏi nhanh ( khoảng 60 phút), không quá phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi phẫu thuật bằng các phương pháp truyền thống.
- Nhanh xuất viện (khoảng 2 ngày), nhanh hồi phục sức khỏe, nhanh trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc.
5.2. Nhược điểm:
- Ít hiệu quả đối với sỏi thận có kích thước trên 25mm.
- Không thực hiện được cho người bệnh bị hẹp niệu quản hoặc niệu quản gấp khúc; người bệnh bị viêm đường niệu; người bệnh bị dị dạng niệu quản hoặc thận.
- Có thể gặp một số biến chứng sau phẫu thuật như thận ứ nước bên tán sỏi, đau thắt lưng và lan xuống bộ phận sinh dục, tiểu ra máu.
6. Chăm sóc người bệnh sau khi nội soi tán sỏi ống mềm
Chăm sóc người bệnh khi tán sỏi ông mềm bằng chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý:
- Uống đủ nước mỗi ngày để thanh lọc đường niệu, đồng thời đào thải các cặn tồn đọng ở trong thận ra ngoài cơ thể.
- Ăn các thực phẩm mềm dễ tiêu hóa để nhanh hấp thu các dưỡng chất, nhanh hồi phục sức khỏe. Đồng thời không gây áp lực lên ổ bụng khi đi vệ sinh.
- Tuyệt đối không nhịn tiểu để không gây áp lực cho bàng quang, ngăn chặn tình trạng bàng quang – niệu quản ngược dòng.
- Hạn chế sử dụng các loại thịt đỏ, thực phẩm chứa nhiều oxalat để hạn chế nguy cơ tái hình thành sỏi.
- Không hút thuốc, uống nhiều rượu bia và các đồ uống chứa caffein.
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch cơ thể.
Tán sỏi nội soi ống mềm là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn, bảo tồn tối đa chức năng thận. Tuy nhiên hiện nay chi phí thực hiện bằng phương pháp này là khá cao so với các phương pháp khác. Nhưng chắc chắn rằng nội soi bằng ống mềm điều trị sỏi thận – tiết niệu sẽ là xu hướng của tương lai, được chỉ định rộng rãi hơn, thường quy hơn để mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho người bệnh.