Quá trình điều trị ung thư vú thường mang lại hiệu quả cao, đặc biệt khi bệnh được phát hiện từ giai đoạn sớm. Vậy tầm soát ung thư vú như thế nào? Cùng tham khảo ngay trong bài viết dưới.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về tầm soát ung thư vú
1.1. Ung thư vú là gì?
Ung thư vú xảy ra khi các tế bào ác tính hình thành trong các mô của vú. Những tế bào này sau đó có thể phát triển, xâm lấn ra toàn bộ vú và di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể. Theo ghi nhận từ Gobocan 2020, tỉ lệ mắc mới ung thư vú ở nữ giới là 24.5%, cao nhất trong số những loại ung thư ở phụ nữ. Căn bệnh này hiếm khi xảy ra với nam, chỉ chiếm khoảng 1% tổng ca ung thư vú.
Điều trị ung thư vú có thể mang lại hiệu quả khá cao, đặc biệt khi phát hiện bệnh sớm. Quá trình điều trịthường bao gồm sự kết hợp giữa phẫu thuật cắt bỏ, xạ trị, các liệu pháp nội tiết tố, hóa trị và liệu phát sinh học nhắm mục tiêu. Nếu một người phụ nữ chết vì ung thư vú, nguyên nhân là do di căn lan rộng. Phương pháp điều trị có thể ngăn chặn sự phát triển và xâm lấn của tế bào ung thư, từ đó đem lại cơ hội sống cho người bệnh.
1.2. Tầm soát ung thư vú là gì?
Tầm soát sàng lọc là tìm kiếm các dấu hiệu bệnh khi một người chưa có triệu chứng. Mục tiêu của các phương pháp sàng lọc là phát hiện sớm ung thư ngay từ giai đoạn đầu khi nó có thể điều trị và chữa khỏi.
Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm kiếm và hiểu rõ hơn những ai có nguy cơ cao mắc một số loại ung thư nhất định. Ví dụ căn cứ theo độ tuổi, bệnh sử gia đình hay những lần tiếp xúc nhất định trong suốt cuộc đời họ. Những thông tin này giúp các bác sĩ khuyến khích ai nên sàng lọc ung thư và sử dụng phương pháp nào, tần suất thực hiện ra sao. Cụ thể với ung thư vú, những phụ nữ lớn tuổi, có bệnh ác tính hoặc lành tính ở vú, béo phì, có chế độ ăn uống sinh hoạt không lành mạnh, mãn kinh muộn hoặc dậy thì sớm, có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2, từng xạ trị vùng ngực được khuyến cáo thực hiện tầm soát sớm và thường xuyên hơn những đối tượng khác.
Điều quan trọng cần nhớ rằng bác sĩ không nhất thiết nghĩ bạn sẽ bị ung thư khi họ đề nghị bạn sàng lọc. Bên cạnh đó nếu kết quả tầm soát bất thường, bạn có thể được chỉ định thực hiện thêm các phương pháp khác để hỗ trợ chẩn đoán chính xác nhất.
2. Câu hỏi: Tầm soát ung thư vú như thế nào?
2.1. Quy trình tầm soát ung thư vú như thế nào?
Thông thường quy trình tầm soát sẽ bao gồm: khám lâm sàng, xét nghiệm máu và các biện pháp chẩn đoán hình ảnh như x-quang, MRI hoặc siêu âm. Cụ thể:
Xét nghiệm máu
Chỉ số CA 15-3 là một chất đặc biệt được tìm thấy trong máu bệnh nhân ung thư vú. Ở người trưởng thành, chỉ số CA 15-3 thường nhỏ hơn 26.4 U/ml. Nếu kết quả xét nghiệm máu của bạn vượt quá mức này, bạn có khả năng mắc ung thư vú. Nồng độ CA 15-3 càng cao, nguy cơ ung thư vú càng lớn. Khi nồng độ này cao vượt ngưỡng rõ rệt báo hiệu tình trạng phát triển và di căn của khối u.
Tuy nhiên, xét nghiệm máu đơn lẻ không có giá trị trong chẩn đoán ung thư vú. Có thể xuất hiện dương tính giả do máu có những chất tương đồng với khối u. Ngoài ra CA 15-3 cũng tăng cao khi bạn mắc một vài bệnh lý khác như viêm gan, xơ gan, lao, viêm nội mạc tử cung. lupus ban đỏ hệ thống hoặc khi phụ nữ mang thai, cho con bú.
Để chẩn đoán chính xác có phải ung thư vú hay không, bác sĩ thường chỉ định bạn tái khám sau 3-6 tháng. Nếu bạn thật sự mắc ung thư, các chỉ số sẽ tăng theo thời gian. Khi đó, bạn thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để hỗ trợ kết luận bệnh.
Chụp nhũ ảnh
Chụp nhũ ảnh hay còn gọi là x-quang tuyến vú có thể phát hiện những khối u kích thước cực nhỏ hay ung thư biểu mô ống dẫn tại chỗ. Tuy nhiên phương pháp này không áp dụng hiệu quả trong tất cả các tầm soát ung thư vú. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả chụp nhũ ảnh bao gồm:
– Độ dày đặc của mô vú: Ở những đối tượng có mô vú dày đặc, phương pháp chụp nhũ ảnh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khối u bởi mô vú và khối u đều hiển thị là màu trắng trên phim chụp.
– Tuổi, cân nặng
– Kích thước, phân loại khối u
– Mức độ nhạy cảm của mô vú với nội tiết tố
– Thời điểm chụp nhũ ảnh so với kỳ kinh nguyệt
– Chất lượng ảnh chụp dựa theo công nghệ, máy móc
– Kĩ năng đọc kết quả của bác sĩ
Chụp MRI
MRI là một kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng nam châm, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra một loạt hình ảnh chi tiết về các cấu trúc bên trong cơ thể. MRI không sử dụng tia X và bạn không cần lo lắng về nguy cơ nhiễm xạ. Thông thường, phương pháp này được áp dụng trong sàng lọc ở những phụ nữ có nguy cơ ung thư vú cao. Một số yếu tố tiền đề cho nguy cơ này bao gồm:
– Thay đổi gen, cụ thể là BRCA1 hoặc BRCA2
– Bệnh sử gia đình xuất hiện ung thư vú
– Bệnh sử cá nhân có các hội chứng di truyền như Li-Fraumeni hoặc Cowden
Siêu âm
Siêu âm vú có thể giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư vú từ giai đoạn sớm. Khi phối hợp cùng chụp nhũ ảnh, độ nhạy sàng lọc được tăng lên đáng kể. Một vài lợi ích của siêu âm tuyến vú có thể kể đến bao gồm:
– Nâng cao khả năng phát hiện khối u ở phụ nữ có mô vú dày
– Quy trình nhanh gọn, dễ dàng
– Độ tin cậy cao
– Giá thành hợp lý
2.2. Tần suất thực hiện tầm soát ung thư vú như thế nào?
Việc chẩn đoán ung thư vú thường dựa trên nền tảng tầm soát bệnh, bắt đầu với tự khám vú đều đặn hàng tháng để phát hiện những bất thường. Chỉ khoảng 10-20% u vú là ác tính, còn lại phần lớn là lành tính.
Phụ nữ từ 40-49 tuổi có thể cân nhắc chụp nhũ ảnh hàng năm để sàng lọc. Tần suất giãn ra thành khoảng 1 lần mỗi 2 năm với người trên 50 tuổi. Phụ nữ có các yếu tố nguy cơ cao như đột biến gen hoặc mắc các hội chứng di truyền có thể được yêu cầu sàng lọc ở độ tuổi trẻ và tần suất dày đặc hơn.
Hiện nay, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đã và đang triển khai các gói tầm soát ung thư vú với đầy đủ các danh mục cần thiết cùng mức chi phí phù hợp với đa dạng đối tượng. Đến với Thu Cúc TCI, bạn sẽ được thăm khám trực tiếp cùng đội ngũ bác sĩ hàng đầu và hệ thống máy móc hiện đại, dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp,… giúp bạn phát hiện ung thư từ sớm, đem lại hiệu quả điều trị và cơ hội sống cao.
Hi vọng những thông tin trên đã giải đáp được thắc mắc của bạn về tầm soát ung thư vú cũng như bỏ túi được một địa chỉ y tế uy tín, chất lượng.