Tầm soát ung thư sớm đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư. Từ kết quả thăm khám, người bệnh dễ dàng phát hiện các tế bào ác tính ngay từ giai đoạn rất sớm, từ đó tăng hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ. Có rất nhiều phương pháp hỗ trợ tầm soát ung thư từ giai đoạn sớm. Đọc bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về dịch vụ này!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về phương pháp sàng lọc ung thư sớm
Trước bối cảnh ung thư ngày càng trẻ hóa tại Việt Nam, việc tầm soát ung thư được các chuyên gia y tế đánh giá là phương pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe. Hiện nay, nhiều người đã chủ động thực hiện tầm soát để phát hiện sớm tế bào ác tính, ngay từ khi cơ thể chưa có dấu hiệu bất thường nào.
1.1. Khái niệm chung
Tầm soát ung thư sớm là khái niệm mô tả những biện pháp, thủ thuật thăm khám được thực hiện trên cơ thể người nhằm mục đích phát hiện sớm các tế bào có biểu hiện ác tính. Thời điểm phát hiện bệnh có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống còn của người bệnh. Cụ thể, nếu tổ chức ung thư được phát hiện ngay từ khi còn rất nhỏ, chưa di căn hay xâm lấn ra xung quanh thì việc điều trị có thể thành công tới 80%.
Có thể nói, sàng lọc sớm đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, người bệnh phần lớn mang tâm lý chủ quan với những dấu hiệu thoáng qua, hoặc chỉ tìm đến bác sĩ khi cơ thể đã xuất hiện những triệu chứng rõ ràng, khiến cơ hội điều trị bệnh sụt giảm. Thống kê cho thấy ung thư ngày càng trẻ hóa, và bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh nếu không duy trì chế độ chăm sóc sức khỏe khoa học.
1.2. Quy trình tầm soát ung thư sớm
Tương tự như việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, quy trình tầm soát ung thư bao gồm các bước sau:
– Khám tổng quát lâm sàng với bác sĩ: Ở bước này, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh tật, thuốc đang sử dụng và tư vấn về tình trạng sức khỏe ban đầu của người bệnh. Nếu cơ thể đang có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy chia sẻ với bác sĩ để làm căn cứ lựa chọn phương thức sàng lọc phù hợp.
– Khám cận lâm sàng: Bao gồm xét nghiệm máu cơ bản và xét nghiệm tầm soát ung thư, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng.
– Đọc kết quả và trả hồ sơ: Kết quả thăm khám từng danh mục riêng sẽ được tổng hợp và gửi về phòng khám ban đầu để bác sĩ kết luận, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe và phác đồ điều trị trong trường hợp có bệnh.
Trường hợp nghi ngờ dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết để làm rõ tính chất bệnh. Đây cũng là cơ sở xác thực nhất để bác sĩ kết luận người bệnh có thực sự mắc ung thư hay không.
1.3. Các phương pháp tầm soát ung thư sớm
Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, ngày nay có rất nhiều phương pháp thăm khám và sàng lọc nhằm phát hiện các dấu ấn tiền ung thư, ngay cả khi cơ thể chưa có triệu chứng nào bất thường.
– Xét nghiệm máu: Là một trong những cơ sở đầu tiên để bác sĩ tìm ra dấu ấn ung thư, dựa vào sự xuất hiện của một loại protein đặc biệt được sản xuất từ tế bào ác tính. Dấu hiệu ung thư được xác định dựa vào sự gia tăng cao hơn mức bình thường của nồng độ định lượng trong máu.
Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ có cơ sở để nghi ngờ và chỉ định người bệnh thực hiện thêm các danh mục thăm khám chuyên sâu nhằm kết luận tình trạng bệnh và xác định vị trí khối u.
– Chẩn đoán hình ảnh: Bao gồm các kỹ thuật chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (MSCT) đa dãy, chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm đa chiều các bộ phận (ổ bụng, tuyến giáp, cổ tử cung – buồng trứng),… Chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện, đánh dấu vị trí và xác định kích thước, mức độ xâm lấn của khối u. Kết quả thăm khám sẽ được hiển thị ngay trong quá trình thăm khám, giúp rút ngắn thời gian và quy trình thực hiện.
Mỗi phương pháp có cơ chế hoạt động khác nhau, đặc điểm chung là đều không gây xâm lấn hay khó chịu cho người bệnh. Chính vì thế, chẩn đoán hình ảnh là một phương pháp không thể thiếu trong tầm soát ung thư sớm. Để buổi thăm khám diễn ra an toàn, hãy thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh, loại thuốc đang sử dụng, tình trạng mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
– Thăm dò chức năng: Bao gồm nội soi tai mũi họng và nội soi tiêu hóa. Ở kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị nội soi “thâm nhập” vào bên trong bộ phận cần thăm khám để tìm kiếm dấu hiệu bệnh tật. Với sự phát triển vượt bậc của y học, các thiết bị y tế sử dụng trong thăm khám ngày càng được nâng cấp hiện đại. Nếu như trước đây, nội soi là nỗi “ám ảnh” của không ít người bệnh, thì đến nay kỹ thuật này đã trở nên êm ái hơn rất nhiều nhờ sự cải tiến của ống nội soi. Đầu dò nhỏ, chất liệu mềm, linh hoạt giúp người bệnh giảm thiểu cảm giác đau, khó chịu khi thực hiện các phương pháp này.
2. Vai trò của tầm soát trong phát hiện sớm ung thư
Với lợi ích mà tầm soát ung thư mang lại, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên duy trì lịch thăm khám và tầm soát ung thư định kỳ để dự phòng cho sức khỏe. Đặc biệt là những người nằm trong nhóm đối tượng sau:
– Người có thói quen sinh hoạt chưa lành mạnh: Nghiện rượu bia, thuốc lá,…
– Gia đình có người thân từng có tiền sử mắc ung thư
– Người làm việc trong điều kiện môi trường độc hại, ô nhiễm và có hóa chất
– Tuổi tác cũng là một nguyên nhân mà bạn không nên chủ quan. Hệ miễn dịch suy giảm theo thời gian khiến bạn có nguy cơ đối diện với nhiều loại bệnh nguy hiểm ở tuổi xế chiều, trong đó có ung thư.
Tại Hệ thống y tế Thu Cúc TCI, dịch vụ tầm soát ung thư ngày càng được nhiều khách hàng tin chọn bởi chất lượng đi đôi với mức chi phí. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, TCI ra mắt hệ thống các gói tầm soát ung thư đa dạng, từ cơ bản đến chuyên sâu phù hợp với mọi đối tượng. Đặc biệt, thế mạnh sở hữu trang thiết bị y tế hiện đại giúp quá trình thăm khám trở nên nhanh chóng và chính xác hơn. Chi phí trọn gói được niêm yết rõ ràng và hầu như không phát sinh thêm giúp người bệnh an tâm lựa chọn.