Tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư phổi

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Tầm soát ung thư phổi đóng vai trò quan trọng giúp bạn nhận diện dấu hiệu bệnh sớm để điều trị kịp thời. Bởi Ung thư phổi là bệnh lý ác tính hàng đầu, có tỷ lệ tử vong cao nếu phát hiện muộn. Có tới 70% người mắc ung thư phổi ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị khó khăn và rút ngắn thời gian sống của họ.

1.Hiểu đúng về căn bệnh ung thư phổi

Ung thư phổi là một bệnh lý được bắt nguồn từ các mô phổi trong đó các mô phổi tăng sinh không thể kiểm soát dẫn tới tạo thành một khối u ác tính. Sự tăng trưởng các tế bào này có thể lan ra ngoài phổi đến mô hoặc bộ phận khác của cơ thể, và quá trình này gọi là di căn.

Ung thư phổi thường được chia ra thành 2 loại là: Ung thư phổi tế bào không nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Trong đó ung thư phổi tế bào không nhỏ chiếm 80% các trường hợp ung thư.

vai trò của tầm soát ung thư phổi

Ung thư phổi là căn bệnh gây nên tỷ lệ tử vong do ung thư hàng đầu ở Việt Nam

1.1.Nguyên nhân gây nên ung thư phổi

Hút thuốc lá được xem tác nhân chính gây ra ung thư phổi. Bởi trong khói thuốc lá có chứa ít nhất 73 chất gây ung thư và các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá. 

Đối với hút thuốc thụ động thì cơ chế gây bệnh cũng không khác nhiều so với hút thuốc chủ động. Người hút thuốc thường hít vào bằng luồng khói chính nhưng chiếm khoảng 20%, còn 80% các luồng khói còn lại gọi là luồng khói thuốc phụ. Luồng khói phụ này sẽ độc hại gấp rất nhiều lần luồng khói chính, đây chính là nguyên nhân gây tình trạng ung thư phổi cho người hít phải khói thuốc lá thụ động hoặc trong gia đình có người hút thuốc.

tầm soát ung thư phổi là gì

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây nên phần lớn các ca mắc ung thư phổi

Bên cạnh khói thuốc, thì một số công việc cũng có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư phổi. Đó chính là những người lao đông, phải làm việc trong môi trường có chứa uranium, thạch tín và các hóa chất khác.

Theo WHO, mỗi năm có khoảng 223.000 ca tử vong vì ung thư phổi do ô nhiễm không khí. Những nguồn ô nhiễm từ nhà máy,xe cộ, hay do cháy rừng, các điều kiện tự nhiên thường sản sinh ra khói gây ô nhiễm như nitrogen oxide, các bụi trong không khí… đây cũng là nguyên nhân góp phần gây ra các bệnh bụi phổi hay ung thư phổi.

Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây nên bệnh ung thư phổi mà bạn cần lưu tâm.

1.2.Chú ý đến các triệu chứng của ung thư phổi

Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư phổi thường gặp bao gồm:

  • Đau ngực dai dẳng, thường cố định một vị trí.
  • Ho kéo dài liên tục và ngày càng nặng hơn, có thể có máu.
  • Khó thở khi có khối u to, chèn ép và bít tắc đường hô hấp.
  • Khàn tiếng, hạch ở cổ.
  • Mệt mỏi và sụt cân không có nguyên nhân rõ ràng.

Tuy nhiên, không hiếm trường hợp mắc ung thư phổi giai đoạn sớm nhưng không rõ triệu chứng, do đó người dân cần chủ động sàng lọc ung thư phổi để phát hiện chính xác nhất dấu hiệu tiền ung thư và ngăn chặn kịp thời.

2.Tầm soát ung thư phổi – Chìa khóa bảo vệ lá phổi của bạn

2.1.Vì sao cần tầm soát ung thư phổi?

Ung thư phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các ca tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mắc ung thư phổi không phải là dấu chấm hết. Bới nếu được phát hiện sớm thì bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn, tăng thời gian sống cũng như chất lượng sống của bệnh nhân.

Hoạt động tầm soát ung thư sẽ giúp phát hiện bệnh ngay từ những giai đoạn sớm khi chưa có biểu hiện bệnh, nhờ đó bác sĩ sẽ đưa ra được phác đồ điều trị bệnh hợp lý, giúp tăng khả năng chữa trị bệnh, giảm tỷ lệ tử vong tối đa do ung thư phổi.

Ngoài ra, tầm soát bệnh ung thư phổi còn giúp phát hiện kịp thời những tổn thương có khả năng gây ung thư phổi để có biện pháp phòng ngừa sớm.

Sau khi sàng lọc ung thư phổi nếu không phát hiện dấu hiệu bất thường, bạn cũng sẽ nắm rõ được hiện trạng của cơ thể để có những điều chỉnh về chế độ sinh hoạt, ăn uống, luyện tập hợp lý nhằm nâng cao sức khỏe cho bản thân.

2.2.Đối tượng nào cần chú ý tầm soát ung thư phổi?

Đối tượng nên sàng lọc sớm ung thư phổi:

  • Người từ 50 tuổi trở lên, không hút thuốc/hút thuốc ít, hoặc từng hút thuốc nhiều nhưng đã ngưng hơn15 năm.
  • Người từ 50 tuổi, hút thuốc từ 30 gói/năm, hút 1 gói mỗi ngày trong suốt 30 năm hoặc 2 gói 1 ngày trong suốt 15 năm.
  • Người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc mặc dù không trực tiếp hút thuốc
  • Người có người thân trong gia đình đã mắc ung thư phổi
tầm soát ung thư phổi ở đâu

Những người thuộc đối tượng trên cần tiến hành sàng lọc ung thư phổi định kỳ

3.Một số phương pháp sàng lọc ung thư phổi phổ biến

3.1.Chẩn đoán hình ảnh

Quy trình chẩn đoán hình ảnh khi sàng lọc ung thư phổi bao gồm chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp điện toán ngực (CT scan) , siêu âm ổ bụng.

  • Chụp X-quang phổi:

Phương pháp tầm soát này giúp các bác sĩ phát hiện được các tổn thương, hình ảnh của tràn dịch màng phổi, cũng như giúp định vị các vị trí, kích thước, hình dạng các tế bào phổi bị tổn thương. Tuy nhiên 1 điểm hạn chế là chụp X-quang sẽ khó phát hiện được các tổn thương nhỏ ở hai lá phổi cũng như những tổn thương tại đỉnh phổi, và khó xác định được các đặc tính bên trong của tổn thương.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan):

CT scan là phương pháp thường được thực hiện sau khi bạn đã chụp X-quang phổi và bác sĩ có những nghi ngờ về các tổn thương ở phổi. Phương pháp này giúp phát hiện những tổn thương nhỏ nhất trên phổi, xác định 1 cách chính xác kích thước, tọa độ và mức độ xâm lấn của khối u trong phổi.

  • Siêu âm ổ bụng:

Sau khi đã nắm được chính xác vị trí của khối u đó, các bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm ổ bụng để xem tình trạng di căn của khối u đến đâu.

đốitượng cần tầm soát ung thư phổi

Chụp Xquang là một trong những phương pháp chẩn đoán sớm dấu hiệu ung thư phổi

3.2.Xét nghiệm máu

Các xét nghiệm thường được ứng dụng để sàng lọc ung thư phổi bao gồm:

  • Xét nghiệm NSE: Là phương pháp giúp chẩn đoán, cũng như đánh giá tình trạng của bệnh đang ở giai đoạn nào đồng thời theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ
  • Xét nghiệm CEA: phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm
  • CYFRA 21-1: Hỗ trợ chẩn đoán những người mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ

3.3.Sinh thiết phổi

Đây là phương pháp tiến hành lấy mẫu mô từ phổi để thực hiện các xét nghiệm kiểm tra xem các bệnh lý trên phổi, hay có tồn tại tế bào ung thư nào không. Phương pháp sinh thiết phổi này được thực hiện đối với những bệnh nhân khám mà bác sĩ có phát hiện khối u hoặc có nghi ngờ về những tế bào ung thư.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến vấn đề tầm soát ung thư phổi bạn cần biết. Đừng quên tiến hành tầm soát định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh lý và điều trị ngay khi còn sớm nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital